Chia sẻ trên được Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đưa ra tại buổi Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9 với chủ đề: Hành động trong mắt bão do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức chiều qua (ngày 23/6).
Theo ông Hiển, thị trường giai đoạn hiện tại không còn như 2 năm trước nữa, dòng tiền rẻ trên thị trường đã ít hơn rất nhiều, trong khi lãi suất đang có xu hướng tăng lên trên toàn cầu và cả Việt Nam nên khó có thể kỳ vọng thị trường tăng mạnh như trước đó.
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) |
Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường chứng khoán hiện đang biến động ở mức khá mạnh, các cổ phiếu giảm mạnh hơn chỉ số chung, có những cổ phiếu hôm trước giảm sàn, hôm sau tăng trần. Vì vậy, ông Hiển khuyến nghị các nhà đầu tư cần quan tâm nhiều đến việc quản trị rủi ro danh mục, rà soát lại danh mục, kiên quyết loại bỏ với những cổ phiếu kém tích cực.
"Bắt đáy chỉ phù hợp với những nhà đầu tư lâu năm với mức độ chịu rủi ro cao. Với nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, mới tham gia thị trường thì nên hạn chế bắt đáy, bởi thời điểm này chưa biết là đâu, nếu bắt đáy sai mà còn dùng margin thì thiệt hại là rất lớn", ông Hiển nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Hiển khuyên nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp thay vì thông tin đồn đoán hay thông tin lan truyền trên thị trường, cần nhìn vào nền tảng và triển vọng doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội.
"Khi cổ phiếu giảm mạnh thì chúng ta cần phải nhìn vào giá trị doanh nghiệp, định giá, giá trị doanh nghiệp ở mức giá nào, có phù hợp với quyết định chúng ta không và sau đó sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục, loại bỏ cổ phiếu yếu kém để đầu tư sang các cổ phiếu tốt, có mức định giá thấp", ông Hiển chia sẻ.
Cơ hội đầu tư
Khi được hỏi liệu những nhóm trụ cột như ngân hàng, thép, bất động sản, chứng khoán đã giảm phá đáy, chỉ số P/E, P/B đã hấp dẫn hay chưa, ông Hiển chia sẻ: Về cổ phiếu chứng khoán, hoạt động các công ty gắn liền với thị trường nên mối tương quan của giá công ty chứng khoán với thị trường rất lớn. Vì thế, nó là cổ phiếu mang tính chất chu kỳ có mối tương đồng rất mạnh với thị trường.
Với các cổ phiếu chứng khoán, nhìn quãng đường từ năm 2005 đến giờ, thị trường vẫn đang trong giai đoạn đi lên dù có điều chỉnh, công ty chứng khoán là các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ thị trường nên nhìn chung công ty chứng khoán cũng sẽ phát triển cùng thị trường.
Còn về phía nhóm ngân hàng, theo ông Hiển, sau giai đoạn giảm điểm, nhóm này đang có mức định giá khá thấp và hấp dẫn. Chỉ số P/E của nhiều mã đã giảm về quanh mức thấp hơn năm 2020, quanh 1.2 - 1.3 so với giá trị, trong khi ngành ngân hàng vẫn tốt, tăng trưởng lợi nhuận quý I là 30%.
"Tăng trưởng tín dụng mặc dù ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt chẽ để kiềm chế lạm phát nhưng nhiều ngân hàng vẫn có thể nới thêm room tín dụng. ROE của các ngân hàng cũng rất tốt, đều trên 20%. Với P/E và ROE như vậy, nhóm này đang trở về mức hấp dẫn để đầu tư", ông Hiển nói thêm.
Về nhóm ngành thép, ông Hiển cho rằng, thời gian vừa rồi cũng được hưởng lợi khá nhiều từ việc giá hàng hóa tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá dầu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như chiến lược zero covid của Trung Quốc. Trong thời gian tới cần đánh đánh giá yếu tố đó có còn hay không, giá hàng hóa đã đạt đỉnh hay chưa để lượng hóa cổ phiếu của ngành này còn hấp dẫn không.
Ông Hiển cũng dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp thép cuối năm nay sẽ khó để bứt phá cũng như khả quan như 6 tháng đầu năm, nhưng có những doanh nghiệp về mức định giá thấp trong lịch sử như HPG, P/E chỉ ở 4 lần - mức rất thấp trong lịch sử, hiếm khi nhìn thấy của HPG.
"Hiện tại thị trường có mức độ phân hóa lớn, trong một nhóm ngành có cổ phiếu tăng trưởng tốt nhưng cũng có cổ phiếu không tăng mà còn giảm giá vậy nên nhà đầu tư cần lưu ý đến khâu chọn lựa cổ phiếu. Nếu chỉ đánh giá về nhóm ngành mà quên mất doanh nghiệp riêng lẻ thì có thể chọn lựa sai cổ phiếu, mặc dù cả ngành được hưởng lợi", ông Hiển nhấn mạnh.