Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản bên lề hội thảo vật liệu xây dựng không nung tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, việc phát triển vật liệu xây dựng chắc chắn đòi hỏi phải áp dụng khoa học công nghệ để giảm thiểu sử dụng tài nguyên khoáng sản, tối đa hóa sử dụng phụ phẩm công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững hơn.
Theo số liệu từ Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới. Cụ thể, năm 2018, công suất sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính đạt gần 100 triệu tấn xi măng, 706 triệu m2 gạch men, 16 triệu sản phẩm vệ sinh, 260 triệu m2 sản phẩm kính/thủy tinh, 18 tỷ viên gạch đất sét nung, 8 tỷ khối xây xi măng không nung, 200.000 tấn sản phẩm chịu lửa, 250 triệu lít sơn... Trong đó, các ngành sản xuất xi măng và gốm có sản lượng lớn thứ 4 trên thế giới.
Ngành xây dựng sử dụng khoảng 1/3 năng lượng trên toàn cầu và phát thải khoảng 35 - 40% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới, sử dụng hơn 1/3 nguồn nguyên liệu trên toàn cầu. Những thách thức này đang trở nên rõ nét hơn ở các nước đang phát triển, nơi có mức độ xây dựng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Phần lớn lượng khí thải phát sinh là do sản xuất xi măng và sắt thép, tiếp đó là nhôm, kính/thủy tinh và vật liệu cách nhiệt.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, việc phát triển lĩnh vực xây dựng bền vững đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng. Do vậy, Chính phủ cần có hành động để tạo ra các khung chính sách cho phép hình thành thị trường để các doanh nghiệp có thể sản xuất các loại vật liệu bền vững cho ngành xây dựng, đồng thời khuyến khích việc thiết kế, kích cầu người tiêu dùng trực tiếp sử dụng các sản phẩm bền vững.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngành xây dựng cần chuyển sang các hướng phát triển mới, chẳng hạn như tái chế và tái sử dụng vật liệu từ các thành phần bê tông và phụ phẩm tro từ các nhà máy điện than để sử dụng, sản xuất gạch không nung hoặc nghiền làm vật liệu xây dựng.
“Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các sản phẩm gạch không nung kém chất lượng. Bên cạnh đó, việc giới thiệu và dán nhãn cho sản phẩm sẽ giúp minh bạch thị trường và giúp các doanh nghiệp sản xuất dễ dàng hơn. Đồng thời, suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng cũng chính là động lực khích lệ ngành vật liệu không nung, thân thiện môi trường. Chính vì vậy, các nhà sản xuất cần phải hiểu rõ nhu cầu, tâm lý của người tiêu dùng đối với việc phát triển vật liệu không nung. Việc hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam làm tốt việc này hơn”, bà Caitlin Wiesen nói.
Tương tự bà Maranda (UBNP) cũng cho rằng, môi trường và khí hậu đang gặp nguy hiểm, phần lớn là do nồng độ khí nhà kính cao từ các lò gạch đất sét phát ra trong bầu khí quyển. Việc thay thế gạch nung truyền thống bằng các sản phẩm không nung sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng phát thải hàng năm. Việt Nam cần cam kết tăng cường sản xuất và phát triển các sản phẩm không nung trên thị trường và tìm kiếm sự hỗ trợ, hướng dẫn kinh nghiệm từ quốc tế để thực hiện một cách hiệu quả.
“Việc tận dụng kinh nghiệm của quốc tế về tính bền vững sẽ đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ cho Việt Nam về xu hướng sử dụng gạch không nung. Kỹ thuật đào tạo, chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, tối ưu hóa vật liệu xây dựng và kinh nghiệm từ các quốc gia dẫn đầu về xây dựng xanh sẽ cho phép Việt Nam tiến nhanh trong phát triển vật liệu không nung. Đồng thời, tiến tới việc ra quyết định có ý thức về môi trường, có lợi cho cả Việt Nam và trên toàn thế giới”, bà Maranda nhấn mạnh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com