Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital: Việt Nam vẫn chiến thắng dù ai làm chủ Nhà Trắng

0:00 / 0:00
0:00

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital chia sẻ với Báo Đầu tư quan điểm của mình về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital

Tại thời điểm bài báo này được viết, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa được xác định. Nhưng cho dù ông Trump hay Biden dành chiến thắng, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi, mặc dù có một số khác biệt giữa hai chính quyền. Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital chia sẻ với Báo Đầu tư quan điểm của mình.

Điều quan trọng đầu tiên cần lưu ý là chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với châu Á/Trung Quốc/Việt Nam dự kiến sẽ không thay đổi đáng kể trong năm tới, bất kể ai là người cuối cùng được tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Những yếu tố địa chính trị cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc đòi hỏi mối quan hệ bền chặt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Việc ông Trump tái đắc cử sẽ đem đến "nhiều điều tương tự" đối với Việt Nam. Điều đó bao gồm việc tiếp tục chính sách “cứng rắn với Trung Quốc” của ông Trump đã thúc đẩy các công ty chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việc ông Trump tiếp tục thực hiện chính sách này một cách thất thường sẽ tiếp tục dẫn đến những đợt bán tháo lớn trên các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên. Chúng tôi không tin rằng chính quyền ông Trump sẽ thực sự ban hành bất kỳ chính sách thương mại tích cực nào đối với Việt Nam.

Ngoài ra, chính quyền ông Trump có thể sẽ tiếp tục gây một số ồn ào về thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ bằng việc dán nhãn cho Việt Nam là “kẻ thao túng tiền tệ”. Tuy nhiên dù tình trạng này chắc chắn sẽ tiếp diễn, chúng tôi cho rằng sẽ không có thuế quan hà khắc đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Gần đây, một số nhà phân tích và nhà kinh tế trong nước lo ngại về việc chính quyền ông Trump khởi động công khai rộng rãi cuộc điều tra “Mục 301” về các hoạt động thương mại của Việt Nam và cụ thể là giá trị của Đồng Việt Nam. Chúng tôi tin rằng cuộc điều tra này có khả năng dẫn đến một số hành động mang tính biểu tượng nhằm vào các ngành cụ thể, chẳng hạn như mối đe dọa gần đây với việc áp thuế chống trợ cấp 6-10% đối với lốp xe xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Những hành động mang tính biểu tượng như vậy sẽ không có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Một trong ba tiêu chí mà chính phủ Mỹ sử dụng để xác định xem một quốc gia có đang cố tình làm giảm giá trị đồng tiền nhằm đạt được lợi thế xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ hay không, đó là dựa vào thặng dư thương mại hàng năm với Mỹ hơn 20 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng từ 38 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2019 lên 51 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020 (so với 47 tỷ USD trong cả năm 2019), vì vậy Việt Nam cần phải thực hiện các bước để giảm thặng dư thương mại với Mỹ, có thể bằng nhiều cách, bao gồm cả việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG từ Mỹ.

Nếu ông Biden thắng cử, có lẽ ông ấy sẽ cần tiếp tục tỏ ra khá cứng rắn với Trung Quốc vì lý do chính trị. Nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy 75% người Mỹ có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc. Vì lý do đó, nhiều khả năng các nhà máy sẽ tiếp tục chuyển khỏi Trung Quốc, mặc dù sự cấp bách trong việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc có thể sẽ giảm bớt phần nào.

Điều đó nói lên rằng, phong cách cá nhân của ông Biden có lẽ sẽ ít công khai đối đầu Trung Quốc hơn và ông có thể ít tập trung hơn vào thâm hụt thương mại với Trung Quốc và Việt Nam. Điều này có nghĩa là chính quyền ông Biden có thể sẽ rút bỏ một số - nhưng không phải tất cả - thuế quan của ông Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Điều đó sẽ tích cực cho các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, bao gồm cả Việt Nam.

Trong khi lập trường chính sách đối ngoại của ông Biden đối với Trung Quốc có thể mềm mỏng hơn ông Trump một chút, chương trình nghị sự chính sách đối nội của ông ấy có thể sẽ tốt hơn một chút cho Việt Nam so với ông Trump. Đó là bởi vì Đảng Dân chủ muốn có một gói kích cầu, viện trợ COVID lớn hơn để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ so với Đảng Cộng hòa, điều này sẽ dẫn đến: 1) nhu cầu lớn hơn đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ, và 2) giảm giá giá trị của đồng Đô la Mỹ, sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ đối với các sản phẩm “ở nhà” như Tivi và điện tử tiêu dùng, tuy nhiên nhu cầu này được thúc đẩy bởi gói kích cầu mà chính phủ Mỹ đã đưa ra từ tháng 3 nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước sự bùng nổ của dịch COVID. Gói kích thích tương đương khoảng 10% GDP nên mức thu nhập cá nhân của người dân Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử - mặc dù Mỹ đang phải hứng chịu hậu quả kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.

Do đó, số tiền mà người tiêu dùng Mỹ đã chi cho các sản phẩm trong năm nay cao hơn khoảng 6% so với thời điểm trước COVID, điều này giải thích cho sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm nay. Chính phủ Mỹ đã hoàn tất việc giải ngân tất cả số tiền kích thích COVID trong gói viện trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD và đảng Dân chủ tại Quốc hội muốn có một gói viện trợ mới, thậm chí có thể lớn hơn gói vừa rồi.

Tuy nhiên, nếu ông Biden trúng cử và Quốc hội thông qua gói kích cầu lớn hơn, thì giá trị của đồng USD có thể giảm xuống. Một số nhà kinh tế, bao gồm Stephen Roach tại Yale – cựu Chủ tịch của Morgan Stanley châu Á - cho rằng giá trị của đồng USD có thể giảm tới 35% trong năm tới. Tại thời điểm này, đảng Cộng hòa dường như sẽ giữ quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là bất kỳ gói viện trợ nào được thông qua sẽ là sản phẩm của sự thỏa hiệp.

Các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên thường hoạt động tốt khi giá trị của đồng đô la Mỹ giảm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải có những hành động nhất định để ngăn giá trị Đồng Việt Nam tăng giá đáng kể so với Đô la Mỹ để duy trì tính cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam. Khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đối mặt với tình huống tương tự vào cuối những năm 1980, những nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn việc đồng Yên Nhật tăng giá đã dẫn đến bong bóng thị trường chứng khoán và bong bóng bất động sản. Khó có khả năng kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam, nhưng sự sụt giảm lớn về giá trị của Đô la Mỹ cuối cùng có thể thúc đẩy việc tăng giá tại thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam.

Cuối cùng, ông Biden đã tuyên bố công khai trước đây rằng ông muốn Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu ông đắc cử. Điều này đã thu hút sự chú ý của báo chí và doanh nghiệp Việt Nam vì Việt Nam thường được coi là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​TPP.

Tuy nhiên, TPP sẽ cần được đàm phán lại để Hoa Kỳ tái gia nhập hiệp ước thương mại bởi vì xung đột trong đảng Dân chủ giữa phe “tân tự do”, bao gồm Obama và Bill Clinton, người ủng hộ TPP và phe “tiến bộ” của đảng, bao gồm Bernie Sanders và Alexandra Ocasio Cortez, những người chống lại TPP với những điều khoản như hiện nay. Kết quả là, việc đàm phán lại TPP sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó có khả năng Hoa Kỳ sẽ sớm tham gia trở lại.

Tin bài liên quan