Việc tiến gần hơn đến việc đạt chỉ tiêu nâng hạng theo MSCI sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc tiến gần hơn đến việc đạt chỉ tiêu nâng hạng theo MSCI sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital: Lạc quan với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay sau khi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, VinaCapital đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 theo hướng lạc quan hơn. Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Tập đoàn VinaCapital chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán nhân dịp Xuân mới. 

Thưa ông, vì sao VinaCapital dự báo mức tăng trưởng GDP khá cao cho Việt Nam trong năm 2022?

Năm 2022, tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 7 - 7,5%, thậm chí có thể đạt mức trên 7,5% nhờ phục hồi trong tiêu dùng, du lịch và xây dựng.

Về tiêu dùng, ước tính doanh số bán lẻ thực (Real Retail Sales) sẽ tăng 5% sau khi sụt giảm 6,2% trong năm 2021. Lĩnh vực xây dựng cũng kỳ vọng được chứng kiến mức tăng trưởng 8% từ con số khiêm tốn chỉ 0,6% cùng kỳ nhờ những cải thiện trong quy định mở bán dự án mới và khoản chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ, nằm trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của du lịch quốc tế - lĩnh vực từng đóng góp đến 8% vào GDP của Việt Nam trước Covid-19 sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, khi các mối lo ngại về Covid-19 trên thế giới giảm dần và nhu cầu du lịch của người dân các nước phát triển đang ở mức cao nhất 30 năm qua, theo các khảo sát uy tín, như khảo sát “Conference Board” tại Mỹ.

Tôi phải nói thêm rằng, ngành sản xuất sẽ không thể đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của đất nước khi nhu cầu đối với các hàng hóa do Việt Nam sản xuất tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay được dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm nay sau khi đã tăng 24% trong năm 2021.

Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu đối với loại hàng hóa phục vụ cho làm việc ở nhà như tivi, laptop, máy tính, nội thất...

Tuy nhiên, rất ít khả năng Mỹ sẽ tái áp đặt các lệnh phong tỏa, vì đây không còn là biện pháp phòng chống Covid-19 phổ biến và vì các cuộc bầu cử giữa khóa sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Đồng thời, sau khi đã mua rất nhiều hàng hóa phục vụ cho việc sinh hoạt và làm việc tại nhà năm 2021, thì nhu cầu mua thêm các mặt hàng này của người dân Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm trong khoảng thời gian gần đây, theo khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan.

Vậy ngành nào sẽ hưởng lợi trên đà phục hồi kinh tế của năm? Ông có nhận định gì về tiềm năng của các nhóm ngành trụ cột trên thị trường chứng khoán?

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Tập đoàn VinaCapital.
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Tập đoàn VinaCapital.

Rõ ràng, các công ty xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi từ chính sách tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ. Một số doanh nghiệp đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, giá nguyên vật liệu chắc chắn sẽ được đẩy lên và do đó, lợi nhuận của các công ty vật liệu xây dựng trong năm nay chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Đối với nhóm ngành dầu khí, sản lượng dầu của Việt Nam đã giảm bình quân 7%/năm trong 5 năm qua vì các giếng dầu hiện tại đã vượt qua cái gọi là “đỉnh Hubbard”. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận của những doanh nghiệp dịch vụ trong lĩnh vực này ở Việt Nam sẽ phụ thuộc vào giá dầu thế giới - một yếu tố rất khó dự đoán trong ngắn hạn.

Trong giai đoạn vài năm tới, tôi cho rằng, giá dầu thế giới sẽ lên trên 100 USD/thùng vì nhu cầu vẫn đang tăng, trong khi nguồn cung thì ngày càng hạn chế do các công ty cũng đã giảm mức đầu tư vào hoạt động khai thác và sản xuất trong những năm gần đây.

Trong ngắn hạn, giá dầu thế giới ổn định trong một vài tuần đầu năm nay, nhưng có khả năng sẽ lên trên mức 85 USD/thùng một khi mối lo ngại về Omicron hạ nhiệt.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đang nắm giữ sản lượng dầu khoảng 3,4 triệu thùng mỗi ngày và có khả năng sẽ hạn chế sản lượng để duy trì giá dầu thế giới trong khoảng 80 - 85 USD/thùng.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cũng tin rằng, OPEC không có đủ năng lực để tăng sản lượng dầu trong năm nay.

Đối với nhóm ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước có thể sẽ phải hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, kế hoạch tái mở cửa và chính sách cơ cấu lại nợ xấu của Chính phủ giúp làm phẳng chu kỳ nợ xấu mới, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn và các khoản dự phòng được kéo dài hơn 3 năm sẽ là các yếu tố giúp cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng trong ngắn hạn.

Trong trung hạn, ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng tích cực nhờ mức huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dự kiến sẽ tăng lên, giúp giảm chi phí huy động vốn, cũng như có thêm nguồn lực cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng SMEs, tăng thu từ các loại phí, cải thiện hiệu quả chi phí, và tăng trưởng kinh tế khả quan sẽ hỗ trợ cho cả nhu cầu tín dụng và chất lượng tài sản.

Theo quan điểm của ông, lạm phát, tỷ giá tăng (dưới tác động từ các chính sách của Fed), tăng lãi suất, Covid quay trở lại..., hay yếu tố nào là rủi ro đáng quan tâm nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam?

Tôi dự đoán, lạm phát ở Việt Nam sẽ chạm đỉnh trên 4% trong quý I và sau đó sẽ giảm còn khoảng 3% vào cuối năm 2022, nhưng đây không phải là vấn đề lớn để Ngân hàng Nhà nước phải có động thái can thiệp. Đồng thời, việc lạm phát tăng cũng sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào lên giá trị của đồng Việt Nam, theo đó tôi cho rằng, VND sẽ tăng giá khoảng 2% trong năm nay.

Tiếp theo, phần lớn nhà đầu tư và giới phân tích tin rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán mới nổi, bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều lý do để không cần bận tâm đến rủi ro này.

Thứ nhất, vì nền kinh tế Việt Nam đang rất ổn định với tiềm năng tăng trưởng tích cực và vững chắc trong năm nay. Thứ hai, tôi không tin rằng Fed có thể thực hiện đến 3 lần tăng lãi suất trong năm nay, vì nền kinh tế Mỹ thực tế đang yếu hơn so với đánh giá của nhiều người. Đồng thời, nhìn dữ liệu trong quá khứ, Fed chỉ thực hiện được 40% các kế hoạch tăng/giảm lãi suất mà mình công bố.

Có một thông tin giúp củng cố thêm quan điểm trên của tôi, đó là việc Việt Nam gần như đứng cuối bảng trong đánh giá về những quốc gia trên thế giới có thể chịu tổn hại từ chính sách tăng lãi suất của Fed trong năm 2022 vừa được The Economist công bố. Theo đó, chỉ có Ả Rập Saudi và Nga đứng sau Việt Nam trong danh sách này và đây đều là những vùng lãnh thổ sản xuất dầu lớn trên thế giới.

Câu chuyện được mong đợi là việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông, còn có những rào cản chính nào để đạt mục tiêu nâng hạng trước năm 2025?

Về quy mô và sức mạnh của nền kinh tế, khối lượng giao dịch hàng ngày/thanh khoản thị trường, số lượng các công ty lớn niêm yết, Việt Nam đều đáp ứng được các yêu cầu của MSCI để được xem là thị trường mới nổi (MSCI-Emerging Markets).

Trở ngại lớn nhất vẫn là giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL), bao gồm FOL của các ngân hàng Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán.

MSCI đã từng chỉ ra vận hành cũng là một trong những vấn đề cản trở thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng, tuy nhiên việc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ứng dụng hệ thống KOREX mới sẽ giúp cải thiện được một số vấn đề đã đề cập.

Vậy chúng ta có thể kỳ vọng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam?

Hầu hết các thị trường mới nổi và thị trường cận biên, bao gồm cả Việt Nam đã chứng kiến dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường trong năm 2021, một phần do nhà đầu tư lo ngại tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sẽ diễn ra chậm chạp tại các quốc gia này và một phần bị hấp dẫn bởi tiềm năng lợi nhuận của thị trường Mỹ, khi thu nhập của các công ty tại đây tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nền kinh tế tái mở cửa sau các đợt phong tỏa.

Đối với Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại bán cổ phiếu một phần là để chốt lợi nhuận trong bối cảnh VN-Index đã sinh lời vượt trội so với các thị trường tương đương trong khu vực trong năm 2020 và 2021, trở thành thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất châu Á.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến đạt chỉ tiêu nâng hạng theo MSCI sẽ như một chất xúc tác để tăng mức độ quan tâm của nhà đầu tư vào thị trường. Nhìn kinh nghiệm từ các thị trường khác (Ả Rập Saudi năm 2019, Pakistan năm 2017, Qatar năm 2014 và UAE năm 2014) đã được nâng hạng lên thị trường mới nổi cho thấy, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng từ 1 - 2 năm trước khi thị trường chính thức được nâng hạng.

Tin bài liên quan