Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm và cả năm 2024?
Theo dự báo mới nhất của ADB, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và năm 2025 không thay đổi, ở các mức lần lượt là 6 và 6,2%, nhờ kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, khu vực chế biến, chế tạo liên quan đến thương mại - một trong những động lực phục hồi chủ yếu - dự kiến chậm lại trong thời gian tới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn còn yếu. Lạm phát được dự báo ổn định ở mức 4% trong năm 2024 và 2025.
Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại so với nửa đầu năm do khó khăn kéo dài. Chúng tôi không kỳ vọng xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức hai con số như đã thấy trong nửa đầu năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao như vậy là do được so sánh với mức tăng trưởng âm vào cùng kỳ năm ngoái. Bối cảnh thương mại trong nửa cuối năm 2023 chứng kiến sự phục hồi vững chắc, là cơ sở cho sự tăng trưởng hơn nữa trong năm 2024 nhưng ở tốc độ thấp hơn.
Như vậy, xét đến những khó khăn còn kéo dài, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tháng tới sẽ khá khó khăn?
Năm ngoái, kinh tế tăng trưởng 3,41% trong quý I, 4,25% trong quý II, 5,47% trong quý III và 6,72% trong quý IV. Năm nay, con số là 5,66% trong quý I và 6,93% trong quý II. Tuy nhiên, phân tích kỹ sẽ thấy, động lực chính cho mức tăng trưởng cao như vậy chủ yếu dựa vào xuất khẩu và nhập khẩu.
Nhiều khả năng trong quý III và quý IV, động lực chính này khó có thể được duy trì, do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn, nhu cầu về hàng hóa có xu hướng giảm. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong hai quý này có thể ở mức thấp hơn.
Nếu kinh tế tăng trưởng 6% trong nửa cuối năm, thì tốc độ tăng trưởng cả năm sẽ là 6,2%. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn gần gấp đôi GDP.
Nếu nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn, ở mức khoảng 5,7-5,8% trong nửa cuối năm, thì đây vẫn là thành tích tốt so với các nền kinh tế trong khu vực. Trong trường hợp đó, tốc độ tăng trưởng cả năm sẽ là 6%.
Đâu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2024, thưa ông?
Hiện nay, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế bao gồm nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư. Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và kích thích tiêu dùng trong nước. Việc thúc đẩy nhu cầu trong nước bao gồm tiêu dùng tư nhân, tiêu dùng chính phủ và đầu tư công. Ba yếu tố này phải được phát triển trước, thì đầu tư tư nhân mới phát triển sau được.
Để thúc đẩy những động lực trên, Chính phủ cần tập trung vào việc mở rộng chính sách tài khóa để có thể thực hiện chi tiêu công một cách hiệu quả hơn. Hiện nay, chi ngân sách nhà nước năm 2024 đã được phê duyệt, nhưng chi thế nào cho hiệu quả thì vẫn chưa rõ. Năm ngoái, chi ngân sách thực hiện so với phê duyệt chỉ đạt 83%, cho thấy còn có dư địa đáng kể để cải thiện hiệu quả chi tiêu nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư công.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể tạo thêm việc làm và thu nhập, giúp thu hút đầu tư tư nhân. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường đầu tư và tiêu dùng.
Ngoài ra, Chính phủ có thể tiếp tục giảm thuế và phí cho doanh nghiệp và người dân, giúp thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, bởi vì với cùng một lượng tiền trong tay, người ta có thể mua nhiều hàng hóa hơn nhờ thuế giảm.
Chính phủ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động, đặc biệt là những người bị mất việc làm hoặc giảm giờ làm, giúp bổ sung thu nhập bị giảm sút cho họ. Chính phủ cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp sẽ cần một lượng lớn nhân viên chất lượng cao.
Theo ADB, khu vực chế biến, chế tạo liên quan đến thương mại được dự báo chậm lại trong thời gian tới. Ông có thể giải thích thêm về điều này?
Trong 6 tháng đầu năm 2023, có sự sụt giảm nhu cầu về hàng hóa trên thị trường toàn cầu, kể cả nhu cầu về hàng hóa Việt Nam. Song nhu cầu đã tăng trở lại trong nửa đầu năm nay, nhưng là tăng so với nền tăng trưởng thấp trong cùng kỳ năm ngoái và cũng chỉ tăng đến một ngưỡng để bù lại mức sụt giảm của cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế thế giới vẫn đang gặp khó khăn, nhu cầu hàng hóa tăng trưởng yếu và chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Trong nửa cuối năm nay, Việt Nam sẽ không thể tiếp tục kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng hai con số như đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Khi nhu cầu của thế giới không tăng được, thì nhu cầu về hàng hóa của Việt Nam sẽ chững lại.
Những thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là gì?
Thách thức bên ngoài là sự chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Một thách thức khác là trong khi tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu, thì xuất khẩu chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhu cầu toàn cầu giảm do sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước đối tác thương mại của Việt Nam và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình phục hồi tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn. Mặc dù có một số cải thiện, nhưng đầu tư công vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Các thủ tục hành chính rườm rà vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho việc thu hút thêm đầu tư tư nhân. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí kinh doanh và kết nối các doanh nghiệp trong nước với các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp còn phải hứng chịu điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán hồi đầu năm nay. Dự báo sẽ có mưa nhiều hơn trong năm nay, có thể tích cực đối với sản xuất nông nghiệp, nhưng làm gia tăng rủi ro về lũ lụt hoặc các nguy cơ khác cần được kiểm soát và giảm thiểu.