Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM).

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM).

Chuyên gia kinh tế: Mấu chốt là cải thiện chất lượng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, cùng với quy mô xuất khẩu ngày càng lớn, bên cạnh yêu cầu tận dụng tốt hơn ưu đãi từ FTA, chất lượng xuất khẩu cần được nâng lên.

Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thương mại toàn cầu năm 2023 giảm sút, nhưng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt khoảng 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD. Càng về cuối năm, đà giảm xuất khẩu càng được thu hẹp. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống 15 FTA. Ông đánh giá ra sao về những con số này và tác động tích cực từ các FTA trong hoạt động thương mại của nước ta trong năm qua?

Trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế ở các thị trường chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, EU đều phục hồi rất chậm. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định, tác động kéo dài của Covid-19, căng thẳng địa chính trị, rủi ro mất cân đối kinh tế vĩ mô toàn cầu... là những thách thức đối với thương mại thế giới.

Chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) trong nhiều tháng ở Mỹ, châu Âu ở mức dưới 50. Các quy định về phát triển bền vững có xu hướng gia tăng ở các thị trường phát triển. Với một nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng như Việt Nam, thì tác động của khó khăn kinh tế toàn cầu đối với hoạt động thương mại hàng hóa là rất nhanh, mạnh và phức tạp.

Trong bối cảnh đó, việc cải thiện hoạt động thương mại hàng hóa giữa các tháng trong năm và có thặng dư ước đạt tới 28 tỷ USD có ý nghĩa rất quan trọng. Một trong những nguyên nhân chủ chốt là việc khai thác một loạt FTA đang thực thi và ký kết, đàm phán các FTA mới.

Theo đó, các FTA tiếp tục tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào nhiều nước với điều kiện tiếp cận thị trường tương đối cạnh tranh.

Ngoài ra, các FTA cũng tạo “áp lực tích cực” để thúc đẩy cải cách trong nước, qua đó tạo thuận lợi cho thương mại.

Công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, năm 2023, Chỉ số Hiệu quả logistics của Việt Nam đạt 3,3 điểm, phục hồi cao hơn so với mức trước Covid-19 (3,27 điểm vào năm 2018) và nằm trong top 5 nước ASEAN về chỉ số này.

Các điều khoản về hợp tác và nâng cao năng lực trong một số FTA cũng tạo điều kiện cho cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật của đối tác nhằm nâng cao khả năng khai thác cơ hội từ FTA. Những nội dung hỗ trợ kỹ thuật trong năm 2023 tập trung vào tiêu chuẩn, thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, thích ứng với những quy định phát triển bền vững khi xuất khẩu vào các thị trường…

Trong bối cảnh khó khăn, nhưng các ngành hàng đã nỗ lực duy trì doanh số xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Trong bối cảnh khó khăn, nhưng các ngành hàng đã nỗ lực duy trì doanh số xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Con số thống kê mới được Bộ Công thương công bố cho thấy, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA vẫn tăng nhẹ so với năm trước, tuy nhiên, theo từng FTA có sự khác nhau. Ông có lo ngại khi khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi trong các FTA còn hạn chế (doanh nghiệp FDI được hưởng lợi nhiều hơn cả), nhất là với CPTPP, UKVFTA và đặc biệt là tỷ lệ doanh nghiệp tại một số địa phương biết tới FTA không nhiều?

Trong những năm qua, chúng tôi thường xuyên theo dõi, trao đổi về các nội dung liên quan đến tỷ lệ tận dụng ưu đãi theo các FTA. Đúng là có những nguyên nhân tương đối đáng lo ngại, đặc biệt là khi tỷ lệ tận dụng ưu đãi theo một số FTA quan trọng (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP) còn tương đối thấp so với kỳ vọng và yêu cầu.

Khách quan mà nói, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA thấp còn có nguyên nhân từ việc thuế suất nhập khẩu theo các FTA bằng hoặc không khác nhiều so với mức thuế nhập khẩu theo cơ chế thông thường và việc doanh nghiệp có nhiều lựa chọn để xuất khẩu vào một số thị trường (ví dụ, khi xuất khẩu vào Nhật Bản thì có thể theo CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản…).

Tuy nhiên, các nguyên nhân chủ quan bao gồm cả bất cập trong nhận thức của doanh nghiệp, cũng như khả năng tổ chức, kết nối chuỗi cung ứng để đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Cũng có ý kiến cho rằng, CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP còn tương đối mới và cần thêm thời gian để doanh nghiệp thích ứng.

Cần lưu ý, một số địa phương, chẳng hạn Cần Thơ, rất tích cực tìm hiểu, hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với những quy tắc xuất xứ trong các FTA. Điểm quan trọng là việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các FTA ở địa phương cần đi vào thực chất hơn.

Theo tôi, việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì tổ chức điều tra hàng năm để đánh giá tính toán Bộ chỉ số FTA Index sẽ là một nền tảng quan trọng để nhìn nhận mức độ nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến triển khai các FTA, từ đó giúp xác định những nội dung cần cải thiện.

Tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA hay RCEP, Việt Nam phải thay đổi, cải cách chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Ông nhận thấy về mặt cải thiện thể chế, chính sách của Việt Nam đang ở ngưỡng nào, đã đáp ứng được yêu cầu theo các cam kết hội nhập hay chưa và đâu là những nội dung cần phải đẩy nhanh cải cách?

Thời gian qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực để hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các FTA.

Những đánh giá, tổng kết đến nay đều cho thấy, Việt Nam đã nội luật hóa khá đầy đủ cam kết trong các FTA.

Mới đây nhất, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về kết quả 3 năm thực hiện EVFTA, từ góc độ thể chế, đối với vấn đề thương mại, hệ thống quy định pháp luật của Việt Nam đã tiệm cận với các tiêu chuẩn về hải quan và tạo thuận lợi thương mại của quốc tế.

Khó có thể khẳng định EVFTA là hiệp định duy nhất có tác động cải thiện việc xây dựng và thực thi chính sách thương mại ở Việt Nam trong giai đoạn 2020-2023, nhưng chắc chắn, EVFTA có đóng góp đáng kể vào cải thiện mức độ minh bạch về chính sách tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, tiến độ chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện nội dung thương mại trong EVFTA nhìn chung đã khá kịp thời, nhờ rút kinh nghiệm từ quá trình chuẩn bị, triển khai CPTPP.

Quy mô thương mại ngày càng được nâng cao, Việt Nam hiện trong top 20 quốc gia có quy mô xuất khẩu lớn. Là người làm chính sách, tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp, ông có những điểm gì lưu ý tới doanh nghiệp để tận dụng ngày càng thực chất hơn các cam kết hội nhập của Việt Nam?

Phải thừa nhận rằng, cùng với quy mô xuất khẩu lớn, kỳ vọng đối với chất lượng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng. Bên cạnh yêu cầu tận dụng tốt hơn ưu đãi trong các FTA, các doanh nghiệp cũng cần cải thiện hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

Theo đó, không ngừng đổi mới công nghệ, cải thiện mô hình quản trị, kỹ năng quản trị và kỹ năng người lao động luôn là cần thiết. Trong bối cảnh mới, việc tận dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn với ý tưởng thiết kế lại các phụ phẩm, sản phẩm thải ra trong quá trình sản xuất và tiêu dùng cũng là một cách tiếp cận quan trọng để cải thiện hàm lượng giá trị gia tăng.

Mặt khác, doanh nghiệp cần thích ứng hiệu quả hơn với các quy định về phát triển bền vững liên quan đến thương mại ở các thị trường xuất khẩu. Việc đáp ứng các quy định về giảm phát thải các-bon, chống phá rừng… cần một cách tiếp cận bài bản, hệ thống, có thông tin đầy đủ và kiểm chứng được.

Kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo vẫn phục hồi chậm, thương mại hàng hóa chưa khởi sắc, sẽ tác động tới xuất khẩu, vốn là trụ cột tăng trưởng quan trọng của nước ta. Theo ông, doanh nghiệp nên ứng xử ra sao với bối cảnh thị trường của năm 2024?

Như tôi đã nói, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… đang phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ (EU dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh; Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại…), khiến doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Trước các rào cản kỹ thuật đó, doanh nghiệp càng cần tránh cách tiếp cận mang tính “đối phó” và tránh nhìn nhận rằng các quy định như vậy chỉ thuần túy là động thái “bảo hộ” ở các thị trường đối tác.

Hơn ai hết, doanh nghiệp cần tư duy rằng, thích ứng với các quy định thúc đẩy phát triển bền vững là xu hướng không thể đảo ngược. Chính ở đây, sớm thích ứng với các quy định sẽ giúp doanh nghiệp vượt lên trên các đối thủ và hàng xuất khẩu của doanh nghiệp có thể vươn lên phân khúc giá mới, có thể đủ bù đắp tổn phí của doanh nghiệp trong quá trình thích ứng.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật mà các đối tác, cơ quan, tổ chức cung cấp cho Việt Nam.

Tin bài liên quan