Hoạt động bán lẻ sẽ tiếp tục khởi sắc. Ảnh: TTXVN

Hoạt động bán lẻ sẽ tiếp tục khởi sắc. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia kinh tế "mách nước" cho doanh nghiệp

Sau một năm vượt “bão”, nhiều doanh nghiệp tuy vẫn còn trụ lại được, nhưng không thể nói là "sức khỏe" không bị ảnh hưởng ít nhiều.

Lựa chọn phân khúc thị trường nào để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh? Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra những dự cảm và gợi ý thú vị.

 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia: “Nông nghiệp, nông thôn còn rất nhiều dư địa phát triển”

 

Nói cho công bằng thì bên cạnh một số doanh nghiệp tiếp tục phát triển, một số khác đang hồi phục, vẫn còn có những doanh nghiệp đang khó khăn thêm.

 

Tôi cho rằng, việc doanh nghiệp tồn tại, phát triển hay phá sản là những diễn biến bình thường trong một nền kinh tế. Một doanh nghiệp tự thân quá “ốm yếu” thì bất cứ ai có muốn cứu cũng không cứu được!

 

Năm 2010 có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đầy thách thức. Tình hình kinh tế thế giới sáng sủa hơn, nhưng những nền kinh tế lớn nhất đều vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn.

 

Và như vậy, kinh tế Việt Nam với đặc điểm là phụ thuộc, có độ mở cao, chắc chắn vẫn bị ảnh hưởng.

 

Tôi cho rằng, một trong những việc cần làm ngay là củng cố vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Kinh nghiệm cho thấy vai trò của những hiệp hội này hết sức quan trọng, nhất là trong việc tư vấn cho Chính phủ xây dựng khung chính sách khôn khéo để không vi phạm những cam kết quốc tế mà vẫn bảo vệ được sản xuất trong nước.

 

Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, cá nhân tôi nhìn thấy nông nghiệp, nông thôn còn rất nhiều dư địa phát triển, nhất là ngành công nghiệp chế biến, từ thủy hải sản cho đến lúa gạo, nông phẩm… Các dịch vụ lưu trữ, bảo quản cũng có cơ hội lớn. Giờ Việt Nam còn đang xuất sản phẩm thô, nên giá trị gia tăng không bao nhiêu, rất phí.

 

Nhiều loại hình dịch vụ cũng có tiềm năng sáng sủa, từ tin học cho tới tài chính ngân hàng, bảo hiểm…

 

Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh: “Thương mại điện tử, công nghiệp nội dung trên nền Internet là rất hứa hẹn”.

 

Trong năm 2009, bất chấp khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp viễn thông vẫn có cơ hội phát triển, bởi vì những mặt hàng khác, dịch vụ khác -hàng xa xỉ phẩm chẳng hạn - có thể bớt tiêu dùng, nhưng nhu cầu thông tin liên lạc thì không thể hạn chế, thậm chí vẫn ngày càng lớn.

 

Đó là một lợi thế khách quan, vẫn sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2010 và những năm tiếp theo.

 

Lĩnh vực viễn thông có một số đặc thù như đòi hỏi nguồn tài chính, nhân lực đủ mạnh, chưa kể một số rào cản pháp lý đối với các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, do đó khu vực tư nhân chưa tham gia được nhiều vào lĩnh vực này.

 

Tuy nhiên, Luật Viễn thông đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, một số phân khúc thị trường viễn thông được mở cửa rộng hơn cho tất cả các thành phần doanh nghiệp.

 

Hạ tầng viễn thông hiện nay đã tương đối ổn định và phát triển không kém cạnh gì các nước trong khu vực, vì thế mảng dễ làm nhất, có thể cho lợi nhuận cao (mà không phải đầu tư quá lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng làm được) là khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền cơ sở hạ tầng viễn thông đã có như thương mại điện tử, công nghiệp nội dung… đa dạng.

 

Muốn khai thác tốt cơ hội đó, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này cần tiếp tục hoàn thiện. Tôi thấy nhiều doanh nghiệp “kêu” chi phí thuê hạ tầng còn khá cao, giá thuê hạ tầng chiếm tới 60-70% tổng chi phí, như thế là bất hợp lý.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tích Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và phục vụ nhu cầu an sinh xã hội sẽ có nhiều cơ hội”.

 

Óc sáng tạo vô tận của người Việt dường như chưa được phát huy hết hiệu quả trong kinh doanh. Loại trừ những chuyện kinh doanh chụp giật, phải nói rằng nước láng giềng Trung Quốc đã rất biết cách khai thác các sản phẩm, dịch vụ kết hợp được văn hóa phương Đông, y học phương Đông, “đánh” rất trúng vào tâm lý coi trọng sức khỏe của người tiêu dùng.

 

Tại sao chúng ta chưa làm được như họ?! Thị trường trái cây nhiệt đới đang rất phát triển, ta hoàn toàn có thể khai thác, câu chuyện trái thanh long hay trái bưởi Năm Roi đi “Tây” là bài học rất tốt.

 

Một vấn đề khác là trong và sau khủng hoảng, các chính sách an sinh xã hội rất được chú trọng, bởi vậy các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và phục vụ các nhu cầu an sinh xã hội sẽ có nhiều cơ hội.

 

Không có gì mâu thuẫn giữa chính sách hướng đến công nghệ cao và việc sử dụng nhiều lao động.

 

Ngành may, nếu chỉ làm hàng gia công thì không thể đem lại giá trị gia tăng lớn. Nhưng nếu chúng ta thuê đứt những nhà thiết kế “xịn” để đàng hoàng đưa sản phẩm 100% “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới thì vẫn sử dụng được hàng vạn công nhân.

 

Đành rằng dệt may của Việt Nam hiện vẫn khó khăn về công nghiệp phụ trợ, vật tư, nguyên liệu. Chúng ta không trồng được bông, hoặc có trồng cũng không đủ dùng, nhưng tại sao không đặt hàng Kazakhstan, Turmenistan…, nâng quan hệ với họ lên tầm đối tác chiến lược? Thế và lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện đủ để làm việc đó.

 

Những nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam thực sự đã đóng góp đáng kể vào thành công năm 2009. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận với nhau, nếu không có liều thuốc mạnh (là gói hỗ trợ của Chính phủ) thì bao nhiêu doanh nghiệp lỗ, bao nhiêu lãi, để biết sức lực thực tế đến đâu.

 

Tôi thì không cho rằng, cứ phải sản xuất xe tăng hay tàu vũ trụ mới là phát triển kinh tế. Quan trọng nhất là chúng ta đi bằng đôi chân của chính mình, tận dụng được những lợi thế của đất nước mình.

 

Không phải “ông” chế tạo được vệ tinh thì ông oai hơn tôi lái xe, nấu nướng phục vụ khách du lịch.

 

Các cụ cũng khuyên “đừng thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Saigon Co.op: “Lĩnh vực kinh doanh bán lẻ tiếp tục khởi sắc do tinh hình kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng”

 

Từ những doanh nghiệp đã lớn mạnh lên trong bối cảnh khủng hoảng năm rồi (dù số này không nhiều), người ta thấy được rằng, trong kinh doanh, quy mô của tổ chức không quan trọng.

 

Doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, khi muốn tồn tại và phát triển, đều phải thấu hiểu khách hàng và thị trường của mình, kiên định với mục tiêu kinh doanh đã vạch ra ngay trong giai đoạn hình thành.

 

Để tạo nét đặc trưng cho Co.opMart, Saigon Co.op đã chọn đối tượng khách hàng mục tiêu của Co.opMart là tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và án bộ công nhân viên là đối tượng chiếm số đông của xã hội.

 

Từ quan điểm đó, Saigon Co.op đã xây dựng hình ảnh Co.opMart là một siêu thị hiện đại văn minh của phương thức bán hàng tự chọn, vừa có nét giản dị gần gũi trong kinh doanh và các dịch vụ đi kèm.

 

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Saigon Co.op cũng tập trung vào hoạt động kinh doanh chủ đạo, không đầu tư dàn trải; tăng cường nguồn nhân lực và quản lý chặt chẽ nguồn vốn, chi phí…

 

Nhờ đó, trong năm 2009, Saigon Co.op đã vượt mọi khó khăn, thách thức để khai trương 10 siêu thị Co.op Mart nâng tổng số siêu thị lên 42, trong đó có 21 siêu thị tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Về năm 2010, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc. Còn rất nhiều lĩnh vực mà các doanh nghiệp có thể tận dụng. Thủy sản là một ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam và luôn được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ.

 

Trong năm 2010, ngành thủy sản dự báo sẽ có tiềm năng tăng trưởng tích cực. Bất động sản tiếp tục là ngành tiềm năng, cụ thể là phân khúc nhà ở trung bình ổn định.

 

Nông nghiệp tiếp tục là một trong những ngành được ưu tiên phát triển của Chính phủ, trong đó, ngành giống cây trồng và chăn nuôi ước tính tăng trưởng trong năm 2010 khoảng 20%.

 

Ngành ngân hàng, đầu năm 2010 sẽ bớt khó khăn hơn thời điểm cuối 2009 do lãi suất cơ bản sẽ tăng dần, tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng được cải thiện...

 

Riêng lĩnh vực kinh doanh bán lẻ sẽ tiếp tục khởi sắc do tình hình kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ gay gắt hơn khi nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài tăng tốc gia nhập thị trường nội địa.