Doanh nghiệp nữ chủ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Doanh nghiệp nữ chủ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Chuyên gia IFC kỳ vọng SHB tăng gấp đôi dư nợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại SHB, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là phân khúc khách hàng chiến lược, gắn với các giải pháp và chính sách chuyên biệt trong đáp ứng nhu cầu tín dụng và dịch vụ.

Trên bình diện chung, nhu cầu vốn ở phân khúc này ngày càng cao, đi cùng với vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung cho nền kinh tế ngày càng lớn.

“Xương sống của nền kinh tế”

Phát biểu tại lễ ký khoản vay cấp cao trị giá 120 triệu USD với Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cuối tháng 3 vừa qua, bà Natalia Bogomolova - Quản lý kinh doanh Khối định chế tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, vai trò và đóng góp đó là xương sống của nhiều nền kinh tế đang phát triển, mà Việt Nam không phải ngoại lệ.

Bà Natalia Bogomolova dẫn cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đang tạo ra khoảng 40% GDP của đất nước và khoảng 50% tổng số việc làm. Đồng thời, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam chiếm tới 1/4 tổng số doanh nghiệp của cả nước. Doanh nhân nữ Việt Nam mang lại doanh thu trung bình hàng năm tương đương nam giới và tăng trưởng với tốc độ trên 20%.

Chuyên gia của IFC cho biết thêm, một cuộc khảo sát thị trường của tổ chức này năm 2017 cho thấy doanh nghiệp SMEs của Việt Nam thiếu nguồn vốn khoảng 22 tỷ USD; trong số này, các doanh nghiệp SMEs do phụ nữ làm chủ thiếu ước tính khoảng 5 tỷ USD. Hay gần hơn, trong một báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, 1/3 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cho rằng tiếp cận tài chính là rào cản hàng đầu đối với hoạt động kinh doanh.

Đó là một trong những lý do để IFC tiếp tục hợp tác và tăng cường các khoản tài trợ cho SHB, nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ SMEs trong nước, bao gồm cả các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và SMEs tham gia tài chính chuỗi cung ứng.

“Khoản đầu tư của IFC được kỳ vọng sẽ giúp SHB tăng gấp đôi số lượng khoản cho vay SMEs và dư nợ cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong danh mục đầu tư của họ vào năm 2025”, bà Natalia Bogomolova cho biết.

Cũng theo bà Natalia, hơn một phần ba nguồn tài trợ của IFC sẽ được dành riêng cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Thông qua khoản đầu tư của IFC, SHB sẽ xây dựng chiến lược giới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, cải thiện các sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp nữ và xây dựng cơ chế giám sát và theo dõi danh mục doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Tăng kết nối cho phân khúc chiến lược

Nhiều năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng là phân khúc khách hàng chiến lược của SHB. Định vị rõ trọng tâm, bám sát và am hiểu, SHB đã xây dựng các giải pháp, chính sách phù hợp với phân khúc này, và đặc biệt tăng cường kết nối các nguồn vốn ưu đãi quốc tế.

Trao đổi với báo chí, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, việc được Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho SHB ở kỳ cập nhật tháng 4/2023 trong bối cảnh thị trường toàn cầu trải qua nhiều biến động và đầy thách thức trong năm 2022 và đầu năm 2023; được Ngân hàng Nhà nước và các định chế tài chính quốc tế đánh giá cao trong những đóng góp phát triển tín dụng xanh, tín dụng cho doanh nghiệp SMEs bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cũng như việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động, đã tạo điều kiện để SHB tiếp cận các hạn mức tài trợ quốc tế cao hơn, qua đó chủ động hơn nữa nguồn lực đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs.

Theo Tổng giám đốc SHB, bên cạnh giá trị ưu đãi, nguồn vốn này có đặc điểm là trung dài hạn, giúp ổn định hơn cấu trúc nguồn huy động, nhất là trong bối cảnh hiện nay nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung vẫn chủ yếu là ngắn hạn.

Trong năm 2022, SHB đã tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều định chế tài chính quốc tế để đa dạng hóa nguồn vốn, với tổng số tiền của 26 dự án ODA đạt hơn 2,6 tỷ USD; nguồn vốn tăng thêm từ hạn mức tài trợ thương mại đạt gần 800 triệu USD; vốn trung dài hạn vay từ các tổ chức quốc tế đạt gần 400 triệu USD.

Song song với nguồn vốn, SHB hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của WB, ADB, IFC… để triển khai các chương trình đồng hành hỗ trợ và tư vấn cho các khối doanh nghiệp SMEs, gồm các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ các giải pháp phát triển kinh doanh và thích ứng với biến động của thị trường, cũng như cụ thể trong quản lý dòng tiền, sử dụng nguồn tín dụng hợp lý và hiệu quả…

Qua quá trình hợp tác, bà Natalia Bogomolova cho biết, IFC thấy rằng trong chiến lược phát triển của SHB có trọng tâm tín dụng vào cộng đồng nữ doanh nhân, và IFC thấy điều đó đã có thể thực hiện được với sự hỗ trợ từ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ doanh nhân (We-Fi) và Quỹ tạo cơ hội cho Nữ doanh nhân (WEOF) thông qua chương trình khuyến khích dựa trên hiệu suất, được cung cấp cho SHB, nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Ở hướng chiến lược này, Tổng giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa quy mô các khoản vay để đồng hành và góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, như hướng phát triển mà IFC cũng như các định chế tài chính quốc tế kỳ vọng. Cùng đó, SHB sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh trong phát triển tín dụng các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng xanh theo chiến lược phát triển bền vững mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng.

Tin bài liên quan