Ông Huy Nam chia sẻ: "TTCK phái sinh là một thị trường cấp cao, thậm chí nhiều nước phát triển trên thế giới cũng chỉ mới có thị trường này cách đây không lâu. Đối với Việt Nam, kế hoạch đến năm 2016 sẽ có TTCK phái sinh, có thể còn hơi sớm, không biết liệu có chuẩn bị kịp?
Theo nội dung hiện đang xây dựng, trước mắt thị trường phái sinh sắp tới chỉ dành cho chứng khoán. Nếu thế tức là mình đang đi tắt. Nhìn vào lịch sử, các thị trường phái sinh trên thế giới thường bắt đầu từ các hàng hoá như nông sản và kim loại, vì đó là những thứ có nhu cầu phòng vệ rủi ro đầu tiên.
Chẳng hạn, thị trường Osaka của Nhật được hình thành rất sớm, nhưng lúc đầu cũng chỉ giao dịch lúa gạo. Theo đó, một số người lo ngại gạo sẽ rớt giá khi đến mùa thu hoạch, trong khi một số khác lại dự đoán giá không rớt mà thậm chí còn tăng. Từ chỗ một bên có nhu cầu phòng vệ rủi ro, bên còn lại thì coi đó là cơ hội, vì thế phát sinh các công cụ phục vụ cho nhu cầu này.
Theo tôi, gạo, cà phê, hay dầu thô của Việt Nam là những sản phẩm cần được phòng vệ. Mùa này cà phê được giá, bà con sẽ trồng nhiều, nhưng kỳ tới rớt giá, người ta phải chặt đi để trồng cây khác. Đó là tình trạng chung đối với nhiều loại nông sản. Trong trường hợp này, chính những người được gọi là đầu cơ sẽ chia sẻ rủi ro với nông dân.
Xét trên lợi ích chung của nền kinh tế theo cách đó, theo tôi, cũng nên sớm xây dựng thị trường phái sinh cho những loại hàng hoá này".