4 xu hướng đầu tư trong năm 2023
Bà Bùi Hoàng Minh - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Khối Khách hàng cá nhân nhận định, dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ đã thực thi từ năm 2022.
Do đó, GDP nước ta có thể đạt 5,7% trong năm 2023, tuy nhiên sẽ có áp lực lạm phát cao với ước tính tăng 3,9%. HSC kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên FDI có thể tăng trưởng 7%.
Với những dự báo trên, bà Minh cho biết thêm, thị trường chứng khoán sẽ có 4 xu hướng đầu tư nổi bật năm 2023:
Thứ nhất, phòng ngừa rủi ro lạm phát có xu hướng tăng cao hơn trung bình trong năm 2023 tại Việt Nam. Trong đó, nhà đầu tư có thể theo dõi đến ngành dầu khí.
Thứ hai, xu hướng đầu tư phòng thủ với doanh nghiệp chi trả cổ tức cao và có dòng tiền mạnh khi rủi ro liên quan đến triển vọng doanh nghiệp còn mong manh và tần suất rung lắc lớn.
Thứ ba, sự gia tăng ảnh hưởng của Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu hóa có hiệu ứng lan tỏa nhiều nhóm ngành. Vậy nên, Việt Nam đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để nâng cao cơ sở hạ tầng và nâng cao tính cạnh tranh.
Thứ tư, một chu kỳ mới có thể đến nhanh khi tổng thể nền kinh tế phục hồi dần từ mức nền thấp. Trong đó, các nhóm ngành sẽ được quan tâm bao gồm: vật liệu, bán lẻ, năng lượng…
Giá thép quốc tế đã tạo đáy, liệu giá thép Việt Nam có cùng xu hướng?
Bà Võ Thị Ngọc Hân, Giám đốc nghiên cứu Ngành hàng Sản xuất Công nghiệp HSC đánh giá: Giá vật liệu xây dựng đang tạo đáy do chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc, nhưng nhu cầu năm nay còn yếu, xuất phát từ chính sách tiền tệ thắt chặt và bất động sản đóng băng. Điểm sáng sẽ đến từ đầu tư công, nhưng trong 2 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công vẫn ở mức thấp, cộng với xuất khẩu kinh tế chính đang suy thoái nên sắt thép có thể sẽ phục hồi từ quý II trở đi.
Giá thép quốc tế đã tạo đáy nhờ vào chính sách mở cửa và hỗ trợ tối đa cho bất động sản của Trung Quốc giúp giá thép Việt Nam cũng đi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, giá bán thép Việt Nam tăng trưởng thấp hơn mức tăng giá nguyên liệu đầu vào (quặng sắt, than). Vậy nên giá bán thép tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào, thay vì nhu cầu hồi phục.
“Lợi nhuận gộp các doanh nghiệp sẽ cải thiện trong năm 2023 nhưng vẫn ở mức thấp, ngành thép vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức”, bà Hân nói.
Bà Hân đánh giá, giá cổ phiếu sắt thép tăng mạnh thời gian qua chủ yếu do thị trường kỳ vọng vào sự tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trong năm 2023. Tuy nhiên, định giá thời gian gần đây chưa thực sự hấp dẫn, nên ưu tiên tích lũy các cổ phiếu ở mức giá phù hợp hơn.
Chất lượng tài sản ngành ngân hàng có sự phân hóa
Theo bà Phạm Liên Hà, Giám đốc nghiên cứu ngành Ngân hàng & Tài chính HSC, cổ phiếu ngân hàng đã tăng khoảng 25% từ đáy, hồi phục tốt hơn so với VN-Index do định giá rẻ, cùng với kỳ vọng về các giải pháp đối với thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp; lợi nhuận quý IV/2022 và cả năm 2022 của các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng; và dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại thị trường Việt Nam, đặc biệt là với nhóm ngân hàng.
Từ kết quả kinh doanh quý IV/2022 của 14 ngân hàng HSC theo dõi, tỷ lệ nợ xấu cuối kỳ vẫn duy trì ở mức khá thấp là 1,41%, nhưng nợ xấu mới phát sinh trong kỳ tăng mạnh, gần gấp đôi so với quý III và gấp 3 so với quý I và II.
Do đó, chất lượng tài sản đã có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Cụ thể, những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất gồm VCB và ACB; trong khi những ngân hàng có rủi ro gia tăng do cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tỷ trọng cao gồm TCB, VPB, TPB và MBB.
Về rủi ro trong năm 2023, bà Hà cho rằng, ngành ngân hàng đã và đang phải đối mặt với rủi ro liên quan đến sự suy yếu của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và môi trường lãi suất cao. Trong khi đó, dư nợ cho vay bất động sản chiếm 21,2% tổng tín dụng (6,6% tín dụng chủ đầu tư và 14,6% tín dụng người mua nhà) và trái phiếu doanh nghiệp chiếm 2,5%.
“Ngành ngân hàng cần tín dụng suy yếu và chi phí dự phòng gia tăng, nhất là ở những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao” bà Hà nêu quan điểm. Từ đó, bà Hà khuyến nghị ACB, STB là những cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể chú ý trong năm 2023 do có rủi ro thấp và giá vừa phải.
4 yếu tố tác động đến doanh nghiệp năng lượng Việt Nam
Bàn luận trong buổi C2C, bà Trương Thu Mỹ, Giám đốc nghiên cứu Ngành hàng Năng lượng và Tiện ích công chia sẻ, quan điểm của HSC về ngành năng lượng là tích cực trong dài hạn. Đến từ nhu cầu tiêu thụ mạnh, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngành năng lượng tăng mạnh trong giai đoạn 2025 - 2030. Đặc biệt, thị trường đang chờ đợi vào sửa đổi Luật Dầu khí và thông qua Quy hoạch Điện VIII.
Bà Mỹ cũng đưa ra 4 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp năng lượng năm 2023 – 2024.
Thứ nhất, giá dầu giảm do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc mở cửa, OPEC cắt giảm sản lượng và cấm vận đối với Nga. Do đó, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ được hưởng lợi khi tăng sức cạnh tranh trên thị trường điện cạnh tranh.
Thứ hai, giá trần cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp (điện mặt trời và điện gió) thấp hơn 20% và 30% so với giá FIT trước đây. Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ điện tái tạo trong những năm tới để đảm bảo hiệu quả của các dự án sự ổn định của lưới điện và hệ thống điện.
Thứ ba, lãi suất cao ảnh hưởng đến lợi nhuận các công ty sản xuất điện. Dù gần đây lãi suất đã dịu lại nhưng đã thiết lập mức nền lãi suất mới ảnh hưởng đến chi phí lãi vay các doanh nghiệp, nhất là các công ty có tỷ trọng vay nợ lớn.
Thứ tư, La Nina kết thúc, lượng mưa giảm nhiều, thủy điện giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp như REE và PC1 có tỷ trọng công suất thủy điện lớn, trong khi POW, PGV sẽ được hưởng lợi từ điều kiện thời tiết này.
Nhìn chung, giữa các biến số đang chờ đợi nền kinh tế trong năm 2023, HSC vẫn nhìn thấy những cơ hội hấp dẫn trên thị trường giúp nhà đầu tư có thể nắm giữ trong dài hạn một cách hiệu quả.