Trong phần nội dung về nền kinh tế Việt Nam sau cơn địa chấn Covid-19 tại hội thảo "Chiến lược Nhân tài - Sự lên ngôi của những phúc lợi mới" do Dragon Capital tổ chức, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược đầu tư Dragon Capital cho biết, thế giới hiện nay diễn biến khá phức tạp, câu chuyện xung đột Nga - Ukraine dù không còn mới, nhưng tác động của nó làm cho chuỗi cung ứng của thế giới thay đổi rất lớn, rất nhiều mặt hàng mà 2 quốc gia này chiếm tỷ trọng cao trong chuỗi cung ứng không ít. Điều này dẫn đến giá hàng hoá tăng rất mạnh như dầu ăn, than cốc, thực phẩm… gây áp lực làm lạm phát tăng rất mạnh.
Yếu tố tác động thứ 2 là chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc, nhiều thành phố đang bị lockdown, nhưng tin mừng là Thượng Hải đang mở lại dần.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 5,5%, nhưng các chuyên gia trên thế giới dự báo rằng, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ ở mức khoảng 4%. Đối diện với đại dịch Covid, Trung Quốc cũng sẽ có các gói kích cầu, khi họ đẩy các gói này thì giá các hàng tiêu dùng có thể tăng, cũng tác động đến tăng lạm phát - điều mà các chuyên gia lo ngại.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược đầu tư Dragon Capital |
Chuyện Trung Quốc đóng cửa có 2 hình ảnh đặc biệt được chú ý, đó là lượng container bị tồn tại cảng Thượng Hải trong tháng 4/2022 tăng dựng đứng và thời gian chờ đợi chip gần như gấp đôi trong 2021. Điều này cho thấy chuỗi cung ứng trên thế giới cũng đang bị ảnh hưởng lớn, cộng với vấn đề của Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp sản xuất của họ muốn dịch chuyển lại gần nước họ hơn. Đó là một trong các lý do mà thị trường Mỹ đang bị thiếu lực lượng lao động, một phần do chuỗi cung ứng dịch chuyển ngược lại Trung Quốc.
Với Việt Nam, theo ông Tuấn, may mắn, doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển về nước, nhưng Việt Nam lại không ảnh hưởng quá lớn bởi sự dịch chuyển này.
Đối với vấn đề siết chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Tuấn cho biết, những năm 1980, lạm phát tại Mỹ mười mấy phần trăm, Fed phải siết chính sách tiền tệ đến độ lãi suất lên đến 15%/năm. Nhìn lại thị trường Việt Nam những năm 2012-2013, lãi suất cũng tăng trên 15%… Các diễn biến này làm thị trường việc làm, đến doanh nghiệp, ngân hàng, bất động sản đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Tuấn cho rằng, hiện thị trường đang lo lắng xác suất này xảy ra, lo lạm phát nếu không kiểm soát được trong 1 năm tới thì Fed sẽ siết rất mạnh và tương tự, sẽ ảnh hưởng đến các thị trường lao động, tài chính…
Về quan điểm của Dragon Capital, việc Fed có siết mạnh hay không, theo ông Tuấn là 50:50, điểm khác biệt là hiện lạm phát so với năm 1980 khác rất lớn, khác về mức độ, xưa 17% thì nay chỉ là 6 - 7%.
Giả sử lạm phát không giảm xuống trong 3 tháng tới, khiến Fed vẫn siết mạnh đi nữa, thì cũng không mạnh đến mức để ảnh hưởng đến nền kinh tế, dù vẫn đủ để rung động 10-20% thị trường thế giới.
Với thị trường Việt Nam, theo ông Tuấn, có thể bị ảnh hưởng theo, có thể giảm thêm 10%, nhưng có 2 điểm cần chú ý.
Thứ nhất, nếu kịch bản trên xảy ra, đây là cơ hội. Theo ông Tuấn, nhìn lại 2 thập niên 1980, 1990 có thể thấy là 2 thập niên vàng về kênh tài sản rủi ro. Vào những năm 1980-1982, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 10%, khiến nhiều tài sản sụt giảm, nhưng khi trở lại, các kênh tài sản đã có 1 đường lên liên tục 10 năm.
“Giả sử Fed siết chặt và thị trường thế giới đi xuống 10-15%, thì đừng run sợ, đó là cơ hội tích sản cực tốt. Ta cần làm việc và tích sản liên tục, 5-10 năm tới là thập kỷ vàng về chứng khoán - nếu kịch bản trên xảy ra”, ông Tuấn nhận định.
Thứ hai, nếu kịch bản ngược lại là dự báo trên không xảy ra, thì chứng khoán vùng này đang định giá tốt.
"Tóm lại, giả sử thị trường có đi xuống 10-15% nữa thì nên nhớ đó là giai đoạn đầu tư", ông Tuấn đánh giá, nhưng cho biết, điểm khác biệt là không phải ngân hàng trung ương nào cũng siết chặt, như Nhật Bản và Trung Quốc đang nới lỏng.
Nói về lạm phát, Dragon Capital cho rằng, tình huống giá dầu bình quân 110 USD/thùng, thậm chí lên 130 USD/thùng thì lạm phát năm 2022 của Việt Nam cũng tầm 4-5%. Giá nhập khẩu xăng hiện nay là 18.000 đồng, thuế lên đến 44% - tức có nghĩa nếu lạm phát cao một chút, thì Chính Phủ có thể cắt giảm thuế để giảm giá xăng.
Về tỷ giá, trong 2-3 năm qua, trong khi đồng USD tăng mạnh, thì đồng VND chỉ giảm nhẹ, điều này có nghĩa tiềm lực, dòng tiền Việt Nam rất tốt. Do đó, không nên quá lo lắng về vấn đề tỷ giá, biến động 1-2% là bình thường.
Còn bài toán quan trọng là lãi suất, ông Tuấn cho rằng, các năm trước, tăng trưởng tín dụng mạnh, dẫn đến tín dụng/tiền gửi tăng cao quá, nhưng Ngân hàng Nhà nước có quy định về tỷ lệ tiền mặt, nên để tăng trưởng tín dụng cần tăng tỷ lệ tiền gửi lên, từ đó áp lực lên việc tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất huy động không quá lớn, mức tăng 40-50 điểm, thậm chí 60 điểm, nhưng từ nền thấp và không ảnh hưởng thị trường tài chính.
Ông Tuấn cho rằng, có một sự thay đổi, là cơ sở hạ tầng. Đây là mảng cực kỳ quan trọng với nền kinh tế. Giai đoạn 2014 - 2017, nhiều dự án đầu tư hạ tầng được triển khai, nhưng giai đoạn 2018 - 2019 giảm xuống. Trong giai đoạn 2022 - 2023, kỳ vọng lĩnh vực này sẽ tăng mạnh trở lại, tạo ra đột phá cho nền kinh tế.