Trong năm ngoái, 33% các công ty thuộc chỉ số Shanghai Composite báo cáo EPS thấp hơn mức mà các chuyên gia dự tính trước đó 12 tháng, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg. Khoảng cách này, trong tháng 6/2016 đã mở rộng lên mức cao nhất kể từ năm 2009, đồng thời bỏ xa khoảng cách về số liệu tại các thị trường khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Vậy tại sao có sự chênh lệch lớn tới vậy? Các công ty công nghiệp Trung Quốc đang bị “đóng băng” bởi sự thay đổi của chính quyền khi muốn chuyển trục nền kinh tế từ công nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, khiến việc sản xuất dư thừa tổn hại tới lợi nhuận. Cổ phiếu của các tập đoàn công nghiệp lớn này đa phần nằm trong chỉ số Shanghai Composite và đang chứng kiến mức giảm giá mạnh nhất từ trước tới nay trong năm 2016. Đây cũng là một phần lý do khiến chỉ số Shanghai Composite giảm 17% kể từ đầu năm tới nay.
Về việc tại sao các chuyên gia không thể lường trước tác động từ việc chuyển trục này, Foundation Asset Management (HK) Lt cho rằng, trong một thị trường mà bán khống không thể xảy ra, có quá ít nhu cầu đối với các nghiên cứu cho thấy kết quả tiêu cực và các chuyên gia đối diện với áp lực phải đưa ra các báo cáo triển vọng tích cực.
Trong số các công ty thuộc chỉ số Shanghai Composite đã công bố báo cáo tài chính của năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2016, 68% không thể đạt được kế hoạch đề ra. Trong đó, PetroChina Co, nhà sản xuất dầu thô và khí đốt lớn nhất Trung Quốc, lần đầu tiên công bố thua lỗ trong quý I/2016 vì giá dầu giảm. Tại Zijin Mining Group Co, công ty khai thác vàng lớn nhất Đại lục, lãi ròng giảm 85%.
Tất nhiên, các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đều biết rằng, họ phải tự học cách để giảm trừ bớt con số mà các chuyên gia đưa ra hoặc tự mình tính toán mọi thứ, đây là vấn đề muốn thủa khi cố gắng so sánh các giá trị tại thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Tuy nhiên, những chênh lệch giữa số liệu từ các báo cáo của các chuyên gia/công ty chứng khoán với thực tế tại Trung Quốc là vấn đề thực sự đáng ngại.
Hệ số giá/thu nhập (P/E – thước đo độ đắt rẻ của cổ phiếu) trung bình của các cổ phiếu trên sàn Thượng Hải hiện đang ở mức 16,2 lần, so với P/E dự tính ở mức 12,6 trong 12 tháng tới. Nếu thu nhập được kì vọng sẽ tăng trong tương lai, PE dự tính sẽ thấp hơn PE hiện tại. Với hiện thực trái ngược tại Trung Quốc, dường như giới đầu tư ít đặt kỳ vọng vào đà tăng trưởng của các công ty tại đây.
Ronald Wan, Giám đốc cấp cao tại Partners Capital International Ltd (Hong Kong) cho biết, chứng khoán Trung Quốc đắt đỏ hơn so với giá trị thực tế.
“Nếu bạn nhìn vào các con số, P/E dự tính có vẻ khá tốt nhưng nó lại được tính toán dựa trên các giá trị bị phóng đại. Các chuyên gia tại đây cần đưa ra những dự tính thận trọng hơn, khấu trừ đi tất cả các tác động”, Ronald Wan cho biết.
Chỉ cách đây một năm, các dự báo quá “tích cực” tại đây đã đưa chỉ số Shanghai Composite lên mức cao nhất 7 năm vào tháng 6/2015 và sau đó nhanh chóng sụp đổ khi giảm 49% một thời gian ngắn sau đó, bởi chính quyền thắt chặt các quy định nhằm kiểm soát bán khống và đầu cơ trên thị trường. Chính bối cảnh này cũng đang phần nào khiến các chuyên gia tài chính mong muốn đưa ra những nghiên cứu mang tính tích cực, Alex Wong, giám đốc Ample Capital cho biết.
Baijing Yu, nhà quản lý công ty môi giới chứng khoán Comgest Growth Greater China, công ty duy nhất đứng đầu doanh thu môi giới 3 năm qua tại Đại lục cho biết: “Rất hiếm khi có một hãng môi giới tại Trung Quốc công bố một báo cáo nói rằng nên bán ra. Khi mà thị trường ngày càng trở nên minh bạch, toàn cầu hóa và chuyên nghiệp, rõ ràng chúng ta cần có nhiều hơn các báo cáo thực tế trên thị trường chứng khoán”.