Chuyên gia chứng khoán đặt dấu hỏi về phiên lao dốc bất ngờ ngày 6/7, khuyên nhà đầu tư chưa vội bắt đáy

Chuyên gia chứng khoán đặt dấu hỏi về phiên lao dốc bất ngờ ngày 6/7, khuyên nhà đầu tư chưa vội bắt đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN-Index giảm điểm thủng đáy 1.160 điểm, đóng cửa thấp nhất phiên ở mức 1.149 điểm. Đáng chú ý là sau 14h15, khối lượng khớp đột biến trên 84 triệu cổ phiếu. Rất nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng tâm lý để về 1.100 và xấu hơn là 900-950 điểm.

Những ngờ vực về phiên thủng đáy ngày 6/7

Tâm lý của nhà đầu tư đang thiên về kịch bản “xả hàng”, “bán tháo” cho một nhịp giảm mới, thay vì là phiên “hốt hàng giá rẻ”.

Ở góc độ kỹ thuật, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ còn giảm nữa, ngưỡng hỗ trợ cứng 1.200 đã mất, thậm chí chỉ số đã phá đáy 1.160 điểm, trong khi thanh khoản liên tục sụt giảm, nên kịch bản VN-Index về ngưỡng mới 1.100 điểm là điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, ở góc độ phân tích cơ bản lại cho thấy chiều ngược lại với nhiều thông tin tươi sáng hỗ trợ cho thị trường, như GDP tăng trưởng cao trong quý II và 6 tháng đầu năm; kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp sẽ ra dần từ tuần sau, dù tốc độ tăng trưởng không bằng cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng trưởng dương; giá dầu thế giới giảm trở lại, tạo kỳ vọng xu hướng điều chỉnh giảm, có nghĩa nỗi lo lạm phát giảm, khi đó phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, chính sách điều hành tiền tệ của các ngân hàng trung ương có thể mềm mỏng hơn, cũng hỗ trợ cho thị trường.

Ông Phương cũng đặt ra dấu hỏi cho một phiên giảm sâu phiên 6/7, bởi trước đây còn do áp lực bán từ căng margin, nhưng hiện nay, gần như công ty chứng khoán nào cũng dư nguồn, nên việc giảm sâu như phiên 6/7 có gì đó hơi khó hiểu.

“Vùng giá này nhà cái cũng lỗ”, ông Phương nói vui và cho rằng, việc thị trường sụt giảm trong giai đoạn vừa qua là có cơ sở, nhưng nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan, bởi các nền tảng vĩ mô của Việt Nam đang tươi sáng. Nhà đầu tư lo ngại về lạm phát, tăng lãi suất, nhưng Việt Nam vẫn đang duy trì CPI dưới 4% và tới giờ này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố chính thức tăng lãi suất.

Tương tự, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam cũng cảm thấy bất thường khi VN-Index thủng 1.160 điểm trong phiên 6/7 và vào cuối phiên, nhiều mã trong VN30, đặc biệt trong VN Diamond, bị dội lệnh bán trong phiên ATC, tạo sự bất ngờ nên nhiều người hoảng loạn bán theo.

Ông Ngọc đưa ra nghi vấn về sự sụt giảm này có chủ đích hay không, các “tay to” muốn cú giảm sâu hẳn? Bởi theo ông Ngọc, thanh khoản thị trường đã cạn kiệt, nên áp lực bán theo lý thuyết là không quá lớn, chỉ có tâm lý hoảng loạn mới bán. Ngoài ra, giá cổ phiếu đã giảm quá sâu, những ai muốn cắt lỗ đã bán từ trước, không ai bán lúc này.

Nhưng có lẽ chúng ta phải chấp nhận, trước khi thị trường hồi phục sắp tới, thì thường có những phiên kiểu như thế này”, ông Ngọc nói.

Còn theo quan sát của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2019 có đặc điểm chung là cứ 2 năm tăng nóng thì sẽ có 1 năm điều chỉnh giảm khoảng 50% của giai đoạn 2 năm trước đó, thanh khoản thấp. Nếu điều này lặp lại cho giai đoạn 2020 - 2022, thì năm 2022, VN-Index sẽ rơi về vùng 1.100 điểm.

Tuy nhiên, thị trường hiện cũng đang có cơ sở hãm đà rơi. Cụ thể, thời điểm tháng 5/2016 PE dưới 12, tháng 3/2020 dưới 12 lần và cả 2 lần này, VN-Index đều bật tăng mạnh trong 1 năm tiếp theo.

Hiện nay, ở mức đóng cửa hơn 1.149 điểm trong phiên 6/7, thì P/E thị trường cũng đã dưới 12 lần, so với trung bình là 15-16x, so về mặt con số, có thể thấy thị trường có dư địa upside.

Dù có quan điểm cho rằng, việc định giá P/E sử dụng trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng, lãi suất tăng không còn chuẩn xác, ông Minh cho rằng, điều này có lý, nhưng nếu sử dụng chỉ số khác thì vẫn cho thấy thị trường đang ở mức hấp dẫn.

Cụ thể, chỉ số E/P (đảo ngược của P/E, hay còn được gọi là Earning Yield cho biết mức lợi tức mà doanh nghiệp kiếm được trong năm hiện tại) hiện nay tầm 8%, lạm phát 6 tháng 2,4%.So với các thị trường khu vực châu Á, chỉ có các thị trường mới nổi mới có tình trạng này, tức định giá thấp và lạm phát cũng đang thấp - là mức đang hấp dẫn. Bản chất khi EPS giảm xuống, tăng trưởng giảm xuống thì PE hiện tại không còn ý nghĩa, nhưng hiện chỉ số này, theo ông Minh đánh giá là chưa bị ảnh hưởng quá nhiều.

"Về tính chu kỳ, có lặp lại khi P/E chiết khấu 50% giai đoạn tăng trước đó, thì khả năng thị trường sẽ cân bằng tại 1.100 điểm", ông Minh nhận định.

Cũng theo ông Minh, thời gian qua thị trường giảm vì lo ngại lạm phát, thì nay đang có các tín hiệu hạ nhiệt, như dầu đang giảm rất mạnh, và khả năng nếu tiếp diễn như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội vàng tăng lãi suất. Với thị trường Việt Nam, cũng đang kỳ vọng nới room tín dụng, dự kiến có 2 đợt tăng là tháng 8 và cuối năm.

Ông Minh cho rằng, các dòng cổ phiếu phòng thủ như điện nước, bán lẻ và sản xuất thực phẩm, và có "chất xúc tác" cho dòng ngân hàng là mở room, nhưng sẽ có sự phân hóa.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Theo ông Ngọc, giai đoạn này, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì tùy danh mục, nhưng nên giữ để chờ thị trường phục hồi, không nên cố bán thấp, đặc biệt là nếu đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng thì không cần lo. Còn với nhóm cổ phiếu trong rổ VNdiamond, đang giảm khá sâu. Với nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm này, đáng ra khi thủng MA20 gãy trend đã phải bán rồi, còn giờ giảm quá sâu thì không nên bán. Sắp tới có thể có đợt rũ bỏ, nhóm này giảm thêm nữa có thể sẽ xuất hiện lực cầu bắt đáy.

“Nhà đầu tư nên chờ giảm hết đà, chờ đợi tạo nền giá mới, không nên cố bắt đáy khi chưa rõ ràng, nên duy trì trạng thái quan sát, tìm điểm cân bằng. Sau phiên 7/7 nếu VN-Index giảm về 1.150 điểm, một bộ phận nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường, thì có thể quán tính giảm vẫn sẽ có vài phiên tới", ông Ngọc nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, nhà đầu tư có thể quan sát đỉnh lạm phát có tạo trong tháng 7 hay không, và tìm điểm cân bằng, đón dần mùa kết quả kinh doanh quý II. Ông Ngọc cho rằng, thị trường hiện chưa phản ánh các kỳ vọng, giá cổ phiếu vẫn nền thấp, chỉ có một số cổ phiếu đi ngược thị trường vừa qua thì mới phản ánh phần nào.

"Diễn biến thị trường sắp tới chính là kỳ vọng lạm phát tạo đỉnh. Nếu lạm phát trên thế giới tạo đỉnh thật, thì chứng khoán sẽ có nhịp hồi", ông Ngọc chia sẻ và cho biết, kỳ vọng lạm phát sắp tạo đỉnh là có cơ sở khi giá cả nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu như dầu cọ, phân bón, sắt thép... trong nền tháng 7 đã thấp, giá dầu giảm mạnh, hiện về 100 USD/ thùng. Chỉ số PCE của Mỹ cũng có tín hiệu giảm trong tháng 6.

Còn tại Việt Nam, ông Ngọc cho rằng, lạm phát chưa lớn lắm, dù có xu hướng tăng lại, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã chủ động kiểm soát, đặc biệt kiểm soát cung tiền rất mạnh, hút tiền từ bán tín phiếu, từ bán ngoại tệ, kiểm soát room tín dụng để chống lạm phát ngay từ khi chưa phải là vấn đề lớn của nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Phương cho rằng, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu hãy nắm giữ, coi như là một loại tài sản như bất động sản, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ tiền có thể tiếp tục quan sát, để chọn lọc giải ngân cổ phiếu tốt thuộc ngành nghề hưởng lợi trong tương lai. Thị trường nào cũng vậy, giảm rồi sẽ tăng, tăng rồi cũng có điều chỉnh.

“Trước đây VN-Index dao động dưới 1.000 và đi lên, khi đi lên hơn 1.500 điểm, thì nay chỉnh xuống với mức chiết khấu tôi cho là rất hấp dẫn, không nên bị cuốn vào xu hướng bán tháo, không theo lời hô hào không có cơ sở xác đáng ở các diễn đàn, room chat”, ông Phương khuyến nghị.

Tin bài liên quan