Xuất hiện tín hiệu hồi phục
Gần đây, các quỹ đầu tư ngoại tham gia vào thị trường khá sôi động phần nào giúp chỉ số hồi phục với những phiên tăng điểm tích cực. Nhưng, áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn rất cao và thanh khoản còn rất hạn hẹp.
Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 6 với chủ để: Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, CTCK Maybank Invesment Banking (MSVN) cho rằng, khi thị trường suy giảm, tâm lý bi quan nhiều, bởi cơ cấu thị trường Việt Nam là 88% nhà đầu tư cá nhân, còn nhà đầu tư tổ chức rất ít, và tổ chức cũng gặp vấn đề về room nước ngoài.
Trong giai đoạn thị trường xuống 874 điểm rồi bật lại, dòng tiền nước ngoài, cụ thể là quỹ ETF Fubon Đài Loan (Trung Quốc) vào rất đúng lúc, có thể quỹ này đã nhìn thấy cơ hội rẻ. Việc thị trường phục hồi giai đoạn này với dòng tiền đầu tư nước ngoài hỗ trợ sẽ giúp thị trường tìm lại một chút cân bằng và niềm tin.
Nhà đầu tư cá nhân mua được giai đoạn này cũng có lời tầm 10 - 15%, thậm chí nếu bắt đúng cổ phiếu như HPG sẽ hoàn toàn muốn chốt lời, vì triển vọng trong ít nhất 6 tháng tới vẫn còn biến động chưa chắc chắn. Tuy nhiên, chính áp lực chốt lời sẽ giúp thị trường kiểm chứng lại xem đáy 874 điểm liệu đã vững. Nếu đáy sau cao hơn đáy trước, thì tâm lý thị trường đã vững hơn và hồi phục tốt hơn rất nhiều.
“Thay vì đi theo đám đông, đi theo dòng tiền, room như lúc thị trường hưng phấn, lúc này chúng ta cần đánh giá cơ bản, tìm ra định giá hợp lý doanh nghiệp mạnh để đầu tư tích sản. Quan điểm của tôi, đây là giai đoạn chúng ta kiên trì tìm cơ hội đầu tư tích sản, là cơ hội 10 năm có 1 lần. Còn giao dịch ngắn hạn, xác suất là 50 - 50”, ông Thành nói.
Đây là giai đoạn chúng ta kiên trì tìm cơ hội đầu tư tích sản, là cơ hội 10 năm có 1 lần
Để dự báo các tín hiệu cần có để dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán, chuyên gia MSVN cho rằng, cần nhìn vào yếu tố chi phí vốn, tín hiệu là lãi suất trái phiếu điều chỉnh lại. Thực tế, lãi suất trái phiếu sau khi đạt đỉnh cách đây 3 tuần đã giảm, điển hình là lãi suất trái phiếu NVL có tín hiệu giảm là điều tích cực, phản ánh tâm lý lo sợ, yếu tố thanh khoản đã được nới ra.
Ngoài ra, các thành viên thị trường kỳ vọng, các ngân hàng sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái bơm tiền. Điều này thể hiện qua thanh khoản trên thị trường dễ thở hơn và lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt bớt sẽ là tín hiệu cho thị trường phục hồi.
Ngay trong chiều tối hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích MSVN. |
Chính động thái này của cơ quan quản lý đã mang lại hy vọng cho thị trường chứng khoán hồi phục vững chắc, sau những phiên tăng điểm trong nghi ngờ thời gian qua.
Ông Thành cũng khẳng định: “Tôi cho rằng thị trường đã cảm nhận thấy điều này và cũng có sự phục hồi hơn 1 tuần nay. Để tạo được con sóng lớn, dài, nếu bước vào giai đoạn lãi suất, chính sách được điều chỉnh, tức là chu kỳ tiền tệ bước vào giai đoạn nới lỏng, thì chúng ta thấy con sóng lớn và dài hơn”.
Cơ hội tiềm năng
Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư VCBF cũng có quan điểm, để giải ngân trong giai đoạn này, yếu tố định giá là quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đang có định giá rẻ, dễ dàng hơn khi thị trường cao, doanh nghiệp có mức định giá hợp lý.
Các năm tiếp theo, ông Duy Anh dự báo, kinh tế thế giới sẽ tương đối khó khăn, nhà đầu tư có thể tập trung vào các ngành mà kinh tế Việt Nam có lợi thế. Cụ thể, Việt Nam là đất nước sản xuất và xuất khẩu, do đó, chúng ta có thể quan tâm các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Trong ngắn hạn, doanh nghiệp xuất khẩu đang khó khăn, nhưng dài hạn vẫn là triển vọng. Khi thị trường chung khó khăn, không chỉ Việt Nam gặp khó, mà các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu cũng sẽ khó. Nước nào không vượt qua được sẽ trở thành cơ hội cho Việt Nam, quan trọng là nội lực doanh nghiệp.
Một nhóm nữa mà ông Duy Anh cho rằng nên tập trung là doanh nghiệp công nghệ bởi công nghệ đang là xu hướng trên thế giới, doanh nghiệp cũng phải đầu tư để giảm thiểu chi phí. Những doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ thì tiềm năng tăng trưởng rất cao, đơn cử như FPT. Nhà đầu tư có thể nhìn những doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, so sánh 10 năm trước đến nay để đánh giá tiềm năng của một ngành.
“Còn các ngành khác, hãy nhìn lại các thị trường đã phát triển hơn chúng ta, ngành nào 10 năm trước họ phát triển thì 10 năm sau có thể là ngành của chúng ta, ngành đấy có thể hưởng lợi”, ông Duy Anh dự báo.
Ngoài ra, một yếu tố có thể liên quan đến cổ phiếu là lãnh đạo doanh nghiệp. Những lãnh đạo tốt có thể lãnh đạo doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hãy xem trong lịch sử, lãnh đạo đó có đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn không để dự báo cho chu kỳ khó khăn này.
Với việc luôn bám sát những tiêu chí này, từ khi thành lập đến nay, lợi nhuận trung bình của VCBF là 15%/năm. Ông Duy Anh cho rằng, nếu nhà đầu tư cá nhân đầu tư có nguyên tắc và đảm bảo tiêu chí đề ra, lợi nhuận cũng có thể đạt 15%/năm.
Ông Nguyễn Duy Anh tại Talkshow Chọn danh mục. |
Trong khi đó, ông Quản Trọng Thành cho biết, nhà đầu tư nước ngoài nhìn Việt Nam là thị trường 100 triệu dân, dân số trẻ nên tiềm năng phát triển liên quan đến tiêu dùng, dịch vụ tài chính và bất động sản là rất lớn.
Mặt khác, sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2019, Việt Nam đã đón nhận dòng vốn FDI đổ vào rất nhiều. Chính phủ Việt Nam cũng nhìn nhận, để nâng tầm chất lượng đất nước thì cần thu hút được FDI vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Để làm được điều này, nước ta phải đầu tư vào hạ tầng.
Ông Thành phân tích, chúng ta có lợi thế về ổn định chính trị, quy mô thị trường, về dân số, nhưng chi phí logistics lại rất cao. Vì vậy, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ trong 5 năm tới, đặc biệt là năm 2023, khi các động lực tăng trưởng khác tạm thời bị gián đoạn, thì đầu tư công là yếu tố giúp chúng ta vừa đạt được mục tiêu GDP, vừa đạt mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút FDI.
Nếu nhìn vào đó, ông Thành đánh giá cao những ngành sẽ hưởng lợi là khu công nghiệp, logistics như GMD, ACV; hạ tầng như HPG, PLC,… Còn những ngành lớn được nhà đầu tư luôn yêu thích là ngân hàng, tiêu dùng, bất động sản sẽ gặp khó khăn tạm thời về chính sách, thị trường, giống như xuất khẩu chỉ khó khăn một năm nhưng năm sau sẽ lại phục hồi.
Do đó, nhà đầu tư có thể tập trung lựa chọn những cổ phiếu của những công ty có thế mạnh về mô hình kinh doanh giúp họ tồn tại được. Ngoài ra, cũng giống ông Duy Anh, ông Thành đề cao ban lãnh đạo của doanh nghiệp, những người có khả năng ứng biến với thách thức, có uy tín đứng ra thương lượng với ngân hàng, người cho vay, bạn hàng để vượt qua khó khăn giai đoạn này và cơ hội thâu tóm thị trường.