Tại Talkshow Đằng sau Silicon Valley Bank phá sản và góc nhìn cho Việt Nam mới đây, TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, SVB có một hệ sinh thái đằng sau, nơi gần như hấp thụ phần lớn lượng vốn huy động của ngân hàng này.
Họ sử dụng ngân hàng như một công cụ huy động vốn của người dân, sau đó tập trung vốn để đầu tư dưới hình thức này hoặc hình thức khác vào hệ sinh thái của tập đoàn. Họ phục vụ cho mục đích của tập đoàn, không phải vì mục đích hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Tại Việt Nam, chúng ta luôn ý thức rằng hệ thống ngân hàng là một kênh truyền dẫn vốn cho nền kinh tế, nếu hệ thống ngân hàng có vấn đề sẽ dẫn đến nguy cơ các cuộc khủng hoảng xảy ra. Do đó, hệ thống này luôn nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Trong cuộc khủng hoảng 2008, Chính phủ đã thành lập ban tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đồng thời ban hành rất nhiều văn bản về cấu trúc sở hữu, quy định sở hữu chéo, quy định sở hữu của cá nhân, tổ chức trong một ngân hàng, nâng cao các điều kiện được vay vốn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 213 thành lập một ban cấu trúc lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng làm trưởng ban. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Không chỉ bắt đầu từ sự kiện SVB, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm tra sức khỏe đối với hệ thống ngân hàng cần được triển khai thường xuyên, định kỳ mới xây dựng được vai trò huyết mạch của hệ thống tài chính cung cấp vốn cho các ngành công nghiệp trong nền kinh tế.
"Qua đó sẽ duy trì được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm được các tác động bất lợi, đặc biệt là những cú sốc từ kinh tế thế giới, như sự kiện phá sản của ngân hàng SVB", TS. Lê Đạt Chí khẳng định.
Dưới góc độ quan sát của mình, TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol (Anh) cho rằng, các ngân hàng Việt Nam có 3 bài học lớn cần chú ý sau sự kiện SVB.
Bài học thứ nhất, phải kiểm soát cả chặt các ngân hàng nhỏ khi họ xuất hiện rủi ro. Việc kiểm soát ngân hàng không chỉ thực hiện ở các ngân hàng lớn có rủi ro cao mà cần kiểm soát hết tất cả các ngân hàng, bởi ngân hàng nào xảy ra vấn đề cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống, và luôn có những rủi ro mà chúng ta không thể đoán trước được.
Khi khách hàng cảm thấy một ngân hàng nhỏ không an toàn, họ có thể rút tiền tới một ngân hàng khác, nhưng nhiều người cùng đổ đi rút tiền có thể sẽ kéo đổ cả một hệ thống ngân hàng. Do đó, điều quan trọng là khi một ngân hàng nhỏ xảy ra vấn đề, cần nhanh chóng kiểm soát đám cháy để tránh lửa cháy lan ra cả hệ thống ngân hàng.
Bài học thứ hai, để lãi suất quá cao có thể gây tổn hại đến hệ thống ngân hàng. Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, vấn đề của SVB cũng xuất phát từ việc lãi suất của Fed và nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không có nhiều lợi nhuận sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng và nhà nước phải tìm cách để lãi suất nằm trong khả năng chịu đựng được của doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian gần đây đã cố gắng giảm lãi suất và khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất là một động thái hợp lý, vấn đề là chúng ta làm được trong bao lâu và liệu có sức ép nào khác ảnh hưởng đến việc khống chế lạm phát?
Bài học thứ ba, sự tồn tại của các ngân hàng ngầm, tức là các tổ chức tài chính không có vai trò như một ngân hàng, nhưng họ vẫn có vai trò cho vay. Các tổ chức tài chính này ít nhiều cũng huy động tiền bằng một cách nào đó, thậm chí họ có thể liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng.
Những ngân hàng ngầm này không nằm trong hệ thống ngân hàng nên không chịu tác động của kiểm soát ngân hàng một cách minh bạch. Đây là rủi ro mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nghiên cứu và cảnh báo từ lâu với hệ thống ngân hàng, song chưa rõ vấn đề khi nào sẽ xảy ra. Các ngân hàng ngầm không phải tổ chức lớn, song nếu xảy ra đổ vỡ thì có ảnh hưởng nào đến hệ thống hay không là điều cơ quan quản lý cần phải nghĩ tới trong thời điểm này.