GS. Edward Altman

GS. Edward Altman

Chuyên gia cảnh báo rủi ro đối với người mua trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn 30 doanh nghiệp Mỹ có khoản nợ hơn 1 tỷ USD đã nộp đơn phá sản, con số này có thể tăng lên 60 vào cuối năm nay.

Giáo sư Đại học New York, Giám đốc Nghiên cứu thị trường tín dụng và nợ tại NYU Salomon Center, đồng thời là người đã phát triển ra một trong những công thức nổi tiếng nhất để dự đoán sự mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp, Edward Altman đã có một cảnh báo cho các nhà đầu tư rằng: Làn sóng phá sản chỉ vừa mới bắt đầu.

Hơn 30 doanh nghiệp Mỹ có khoản nợ hơn 1 tỷ USD đã nộp đơn phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản Mỹ. Con số này có thể lên đến 60 vào cuối năm sau khi những khoản nợ tiếp tục chồng chất trong đại dịch, theo GS. Edward Altman.

Các công ty trên toàn cầu đã phát hành thành công 2.100 tỷ USD trái phiếu trong năm nay, trong đó gần một nửa là từ các công ty của Mỹ, theo dữ liệu của Bloomberg.

Các gói kích thích và hỗ trợ trên thị trường tín dụng đã giúp người đi vay vẫn có thể lèo lái trong đại dịch. Fitch Ratings ước tính vỡ nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu trong năm nay có thể vượt quá mức đạt được trong cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009.

“Có một sự tích lũy lớn về nợ doanh nghiệp vào cuối năm 2019 và tôi nghĩ rằng thị trường sẽ tiến hành tháo gỡ đòn bẩy tài chính, hay nói cách khác là giảm nợ”,GS. Edward Altman nhận định.

Chesapeake Energy Corp, doanh nghiệp tiên phong của cuộc cách mạng khí đá phiến và nhà bán lẻ Brooks Brothers Group Inc. đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ trong những tuần gần đây.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Virgin Australia Holdings Ltd. (Australia) và Hilong Holding Ltd. có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) cũng tuyên bố vỡ nợ.

Man Group Plc, quỹ phòng hộ niêm yết lớn nhất trên thế giới đã cảnh báo về rủi ro đối với người mua trái phiếu. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã dự báo rằng hơn 90% các nền kinh tế sẽ thu hẹp trong năm nay, cao hơn so với tỷ lệ được thấy ở đỉnh cao của cuộc Đại khủng hoảng.

“Tốc độ và mức độ gia tăng của nợ doanh nghiệp trong năm nay có nhiều rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh. Các quốc gia nơi có tỷ lệ lớn các khoản vay bằng ngoại tệ hoặc vay trong thời hạn ngắn dễ bị tổn thương hơn vì họ phải đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá hối đoái và cũng phải xử lý nợ nhanh hơn”,  Ayhan Kose, Trưởng bộ phận dự báo triển vọng toàn cầu của WB nhận định.

Tin bài liên quan