Phương tiện phóng Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon bay vào vũ trụ hồi tháng 11/2021. (Nguồn: TTXVN)

Phương tiện phóng Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon bay vào vũ trụ hồi tháng 11/2021. (Nguồn: TTXVN)

Chuyên gia: ASEAN nên thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ khu vực

0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia dự Diễn đàn Vũ trụ Quốc tế Langkawi (LISF) cho rằng các nước ASEAN nên tập hợp các nguồn lực, đặc biệt là vấn đề ngân sách để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ khu vực.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (Axelspace) Nakamura Yuya ngày 26/5 cho rằng các nước ASEAN nên cùng nhau xây dựng cơ quan vũ trụ khu vực của riêng mình vì điều này có thể giúp giảm các vấn đề về chi phí và tài nguyên, vốn luôn là điều phải cân nhắc đối với bất kỳ dự án phát triển nào liên quan đến không gian vũ trụ.

Phát biểu tại Diễn đàn Vũ trụ Quốc tế Langkawi (LISF) 2023, một chương trình thuộc Nhóm Công nghệ Không gian Nexus nằm trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không và Hàng hải Quốc tế Langkawi 2023 (LIMA 23), ông Nakamura Yuya cho rằng chính phủ nên đóng một vai trò quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho một môi trường khả thi cho ngành công nghiệp vũ trụ.

Ông đề xuất các quốc gia nên có cơ quan vũ trụ của riêng mình. Các quốc gia có thể đề xuất một dự án không gian lớn như dự án hàng không vũ trụ Artemis của Mỹ. Sau đó, các công ty khởi nghiệp ASEAN và các doanh nghiệp liên quan khác có thể tham gia thị trường.

Tại cuộc thảo luận, Giám đốc Văn phòng Hệ thống và Nhiệm vụ Công nghệ Vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ Philippines (PhilSA), tiến sỹ Marc Caesar R. Talampas, đồng ý rằng các nước ASEAN nên tập hợp các nguồn lực, đặc biệt là vấn đề ngân sách để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ khu vực.

Ông nhấn mạnh đây là một sứ mệnh vĩ đại, các nước cần giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời tìm cách có thể tập hợp các nguồn lực khác như tài năng trẻ để thực hiện kế hoạch này.

Trong khi đó, Giáo sư Quản lý và Tiếp thị của Đại học Hàng không Embry-Riddle, tiến sỹ Janet K. Tinoco đề nghị Malaysia và các nước thành viên ASEAN khác tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác, thiết lập lợi ích không gian khu vực.

Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia (MOSTI) Arthur Joseph Kurup cho biết lĩnh vực công nghệ hàng không đã thành công hơn cả mục tiêu đề ra tại LIMA 23 lần này.

Cụ thể, Cơ quan Hàng không vũ trụ Malaysia (MYSA) đã có các phiên họp song phương với sáu công ty hàng đầu trong ngành vũ trụ thế giới, đồng thời MOSTI thông qua MYSA cùng với các đối tác chiến lược trong ngành đã tổ chức thành công hội thảo phòng thủ không gian với sự hợp tác của Bộ Quốc phòng Malaysia./.

Tin bài liên quan