Kém minh bạch, nợ chồng chất
QNC tiền thân là Xí nghiệp Than Uông Bí, được cổ phần hóa từ năm 2005. Ngành nghề chính của Công ty là sản xuất xi măng, sản xuất đá xây dựng. Những năm mới cổ phần hóa, QNC báo lãi khá tích cực: Năm 2009 đạt 66,7 tỷ đồng; năm 2010 đạt 55,4 tỷ đồng… Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2012, hiệu quả kinh doanh của Công ty đi xuống mạnh, nếu năm 2015 lãi 2,1 tỷ đồng thì năm 2016 lỗ 62 tỷ đồng và năm 2017 lỗ tới 253,8 tỷ đồng.
Năm 2018, QNC báo lãi nhẹ 611 triệu đồng, song kiểm toán viên đã đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính hợp nhất. Trong đó, có việc Công ty trích lập thiếu khấu hao tài sản cố định, dự phòng nợ phải thu khó đòi. Ðáng nói, đây không phải lần đầu báo cáo tài chính của Công ty bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Tại báo cáo kiểm toán 2018, kiểm toán viên cũng đưa ý kiến nhấn mạnh: Tại thời điểm 31/12/2018, nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 677,8 tỷ đồng; lỗ lũy kế lên tới 321,4 tỷ đồng, tương ứng 86% vốn góp.
Ðến thời điểm này, QNC đã công bố báo cáo tài chính quý II/2019 tự lập với nửa đầu năm đạt 584 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1,8 tỷ đồng.
Chưa rõ rồi đây, báo cáo soát xét bán niên 2019 của QNC được công bố có ý kiến ngoại trừ, lưu ý của kiểm toán hay không, nhưng nhìn vào báo cáo tự lập của Công ty, có thể nhận thấy sự mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu tài sản. Cụ thể, trong tổng tài sản 1.435 tỷ đồng, có tới 1.374 tỷ đồng là nợ phải trả, tương đương trên 90%. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.043 tỷ đồng.
Huy động vốn chỉ để trả nợ
Trở lại với câu chuyện sử dụng vốn sai mục đích, báo cáo giải trình ngày 1/8/2019 của QNC cho biết, trong tổng số tiền 120 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành tăng vốn từ 251,8 tỷ đồng lên 371,8 tỷ đồng trong năm 2017, Công ty đã sử dụng tới 95,1 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng (BIDV 42 tỷ đồng, Agribank 23,4 tỷ đồng, MBBank 16 tỷ đồng, Vietcombank 6 tỷ đồng, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex 2,7 tỷ đồng, ABBank 5 tỷ đồng), trả tiền vay vốn và tiền đá giao thầu cho CTCP Núi Rùa gần 13 tỷ đồng và trả tiền mua nguyên liệu, tiền cước… cho một số đơn vị.
Theo phương án phát hành đã được Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2017, thông qua, QNC dự kiến huy động 200 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu được phục vụ mục đích tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn và bổ sung vốn lưu động (mua nguyên vật liệu, vật tư, nhân công); trong đó, dành 150 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng.
QNC giải thích: “Việc sử dụng vốn chưa phù hợp với phương án phát hành vì kết quả huy động không đạt so với kỳ vọng ban đầu. Ðồng thời lại phát sinh khoản nợ của Ngân hàng An Bình và Công ty Núi Rùa cần chi trả ngay lập tức”.
Huy động vốn để thanh toán nợ vay là cách QNC tiến hành liên tục trong vài năm trở lại đây. Trước đợt phát hành bị phạt trên, QNC tăng vốn từ 184,5 tỷ đồng lên 251,8 tỷ đồng và theo báo cáo của Công ty, toàn bộ số tiền hơn 67 tỷ đồng huy động được đã sử dụng vào mục đích trả nợ ngân hàng.
Ðại hội đồng cổ đông 2018 cũng thông qua phương án phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 250 tỷ đồng, với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn lên 621,8 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện từ quý III/2018 - quý I/2019. Tới Ðại hội đồng cổ đông 2019, diễn ra vào ngày 20/5/2019, Hội đồng quản trị tiếp tục lấy ý kiến phương án phát hành này.
Mục đích là để “tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn, nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực lãi vay”. Trong đó, Công ty dùng 200 tỷ đồng để trả nợ ngắn hạn, trung và dài hạn năm 2019, còn 50 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động, phục vụ sản xuất - kinh doanh xi măng.
Với thị giá cổ phiếu QNC hiện tại là 2.700 đồng/cổ phiếu, mức giá phát hành cao gần gấp 4 lần và mục đích phát hành chủ yếu để trả nợ, ít phục vụ mục tiêu đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh - tiền đề cho việc tạo ra dòng tiền, lợi nhuận mới - không rõ khả năng thành công của đợt phát hành này tới đâu.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, QNC đã bị cơ quan thuế thông báo cưỡng chế 22 tỷ đồng từ tài khoản của công ty này và đến cuối tháng, cơ quan thuế cho biết mới chỉ cưỡng chế được hơn 8 tỷ đồng. Việc nợ thuế của QNC được Công ty giải thích là do tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chậm, nguồn thu thấp nên Công ty chưa thực hiện được nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước.
Hiện ngoài hoạt động sản xuất - kinh doanh, QNC đang đầu tư các dự án lớn như dự án hạ tầng khu vực Cẩm Phả, Uông Bí; dự án Khu dân cư Ðông Yên Thanh; dự án Khu công nghiệp Cái Lân (giá trị 369 tỷ đồng), mỏ đá Phương Nam 1, dự án khai thác đất sét Núi Na (Sông Khoai, Yên Hưng), dự án mở rộng Cảng Lam Thạch, dự án Nhà máy sản xuất bao bì, dự án lắp đặt bổ sung nâng công suất dây truyền đồng nhất than tại Nhà máy xi măng Lam Thạch. Nhưng với áp lực nợ vay lớn, nguồn vốn nếu có huy động được cũng chủ yếu giải quyết bài toán trả nợ, Công ty không có dòng vốn để triển khai các dự án trên.
Báo Ðầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Nguyễn Ðình Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị QNC để tìm hiểu thêm về tình hình doanh nghiệp, nhưng ông không trả lời.