Các doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực đa dạng thị trường cũng như đa dạng nhà cung cấp nguyên liệu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực đa dạng thị trường cũng như đa dạng nhà cung cấp nguyên liệu.

Chuyển động trong thị trường nhiễu động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán với một số doanh nghiệp niêm yết cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đã chuyển từ chiến lược mở rộng sang tập trung phòng thủ, nhằm ứng phó với những thay đổi của môi trường kinh doanh.

Từ mở rộng sang tập trung

Năm ngoái, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát đã đến nhiều địa phương để tìm hiểu dự án bất động sản, khoáng sản…, nhưng đến thời điểm này, chiến lược mở rộng kinh doanh đã tạm dừng lại.

Trước những thay đổi của môi trường kinh doanh trong nước, lãi suất tăng cao, siết tín dụng, cộng thêm ngành thép gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ giảm, giá vốn cao khiến biên lợi nhuận mỏng, Hòa Phát đã chủ trương tập trung nguồn lực cho dự án lớn trọng điểm của Tập đoàn là Khu liên hiệp gang thép Dung Quất giai đoạn 2.

Kết quả kinh doanh ngành thép trong quý III/2022 sẽ “thê thảm” đúng như ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát dự báo tại Đại hội cổ đông thường niên 2022.

Nhìn lại năm 2020, thời kỳ dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Hòa Phát vẫn tiêu thụ tốt sản phẩm, trong đó, phôi thép xuất khẩu sang Trung Quốc và giá đầu vào còn thấp. Còn hiện tại, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, trong khi đầu tư công chưa tích cực, thị trường xuất khẩu cũng không thuận lợi. Vì thế, phương án phòng thủ, đầu tư tập trung, không dàn trải là lựa chọn của Hòa Phát lúc này.

Tính chung kết quả 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng bán hàng của Hòa Phát vẫn tăng, nhưng nhìn riêng tháng 9, tiêu thụ thép xây dựng ghi nhận 318.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ. Nhu cầu thị trường chung thấp kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.

Với Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD), trước những thay đổi của môi trường kinh doanh, Ban lãnh đạo Công ty đã họp bàn về giải pháp ứng phó.

Bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính Gemadept chia sẻ, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm kiểm soát lạm phát, đồng USD và lãi suất tăng cao, Gemadept có tỷ trọng doanh thu từ các hãng tàu nước ngoài bằng USD nên rủi ro tỷ giá giảm thiểu.

Trong bối cảnh hiện tại, Công ty đang thực hiện cắt giảm chi phí để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Gemadept có kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) một công ty vận tải đường bộ, nhưng kế hoạch này đang để sang một bên để tập trung dự án trọng điểm, chưa phải ưu tiên trong giai đoạn này.

Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) vừa công bố ước tính doanh thu quý III/2022 đạt 6.060 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Digiworld chia sẻ, trong bối cảnh kinh doanh thay đổi nhanh, nhiều yếu tố tác động khó lường, nhiều doanh nghiệp chuyển động chiến lược từ mở rộng đầu tư, tấn công sang phòng thủ, tập trung vào dự án trọng điểm hiệu quả, tiếp tục tái cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, dự án đầu tư không dàn trải.

Digiworld cũng vậy. Đơn cử, các thương vụ M&A được Công ty thực hiện thường xuyên và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trung bình mỗi năm, Digiworld sẽ xúc tiến 2 - 3 thương vụ phù hợp, sau khi đánh giá đầy đủ thông tin từ thị trường ngành, tiềm năng, năng lực hợp tác và quan trọng là hòa hợp về tầm nhìn, mục tiêu kinh doanh. Các thương vụ M&A đều được đầu tư xứng đáng và ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Tỷ giá tăng khiến giá vốn tăng vì hàng hóa của Digiworld chủ yếu được nhập khẩu, không sản xuất trong nước. Tuy giá vốn tăng thì giá bán tăng, không tác động trực tiếp đến biên lợi nhuận của Công ty, nhưng ảnh hưởng đến sức cầu, trong bối cảnh người mua thận trọng chi tiêu và mua sắm.

Xuất khẩu đa dạng thị trường

Những biến động của thị trường xuất khẩu chủ lực gần đây cho thấy việc đa dạng thị trường cũng như đa dạng nhà cung cấp nguyên liệu nhằm giảm rủi ro với các doanh nghiệp xuất khẩu là rất quan trọng. Chính sách “khóa cửa” (đóng một số cửa khẩu) của Trung Quốc nhằm phòng chống dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ, EU có xu hướng giảm đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ngay cả những doanh nghiệp xuất khẩu đầu ngành thủy sản, dệt may cũng có góc nhìn thận trọng về hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCG, mã chứng khoán TCM) cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, TCG ước đạt doanh thu hơn 141 triệu USD, lợi nhuận sau thuế gần 9 triệu USD, các con số này đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh trong quý IV/2022 và cả quý I/2023 sẽ khó đạt được những con số khởi sắc như quý III vừa qua. Nguyên nhân là thị trường Mỹ, châu Âu đang ghi nhận hàng tồn kho nhiều, lạm phát cao làm cho lực cầu tiêu dùng suy giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Thế giới có rất nhiều biến động, có những yếu tố có thể hình dung trước mắt như lạm phát, lãi suất, tỷ giá, nhưng cũng có không ít yếu tố bất định. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ nhìn tình hình trong tương lai gần như một vài quý để đưa ra phương án ứng phó phù hợp. Đối với rủi ro biến động tỷ giá, mức lợi nhuận gần 9 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022 mà TCG đạt được là đã trừ đi phần trích lập dự phòng biến động tỷ giá”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, TCG đạt được mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn vừa qua một phần là do Công ty mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc, bù đắp cho phần biến động bất thường ở thị trường Mỹ.

“Đặc biệt, nhìn nhận được vấn đề về nguyên liệu, TCG đẩy mạnh phát triển mảng sợi. Đây cũng là mảng tiềm năng của Công ty để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là lợi thế của TCG so với các công ty phải nhập khẩu nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc.

Về vấn đề này, tổng giám đốc một doanh nghiệp dệt may đang niêm yết trên HOSE cho hay, hiện nay, có không ít đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành bị ách tắc tại cảng nhập khẩu của Mỹ, do liên quan đến yếu tố nguồn gốc xuất xứ vải là khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Việc này đã và đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Thực tế, phần lớn doanh nghiệp dệt may đang phụ thuộc vào nguồn vải từ Trung Quốc.

“Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn đặt hàng sản xuất đến hết năm 2022, song áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không chỉ đối mặt với chi phí nguyên liệu tăng, cước vận tải cao, áp lực lạm phát…, mà còn có thể gặp trở ngại trong việc chuyển nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc hiện nay”, vị tổng giám đốc trên nhận định.

Tình hình lạm phát cao tại Mỹ và châu Âu đang khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút, ảnh hưởng đến đơn hàng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong quý cuối năm 2022. Trong khi đó, giá nguyên nhiên phụ liệu liên tục tăng kể từ đầu năm như giá bông tăng 19,1%, giá cước vận tải tăng gấp 3..., làm cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng 20 - 25%%.

Ngoài ra, EU - một trong những thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn của Việt Nam đang chứng kiến đồng Euro giảm giá sâu nhất trong 20 năm qua, làm doanh thu của các đơn hàng xuất khẩu suy giảm.

Thông tin Công ty Chứng khoán SSI cập nhật được gần đây từ các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước cho thấy, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25 - 50% so với quý II/2022 (tương đương với mức giảm doanh thu 15 - 20% so với cùng kỳ theo ước tính của SSI), do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Tác động sẽ nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Mỹ và EU.

Xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều. TCG có doanh thu xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 40% tổng doanh thu nên Công ty và các doanh nghiệp tương tự có thể ghi nhận mức giảm doanh thu thấp hơn những doanh nghiệp tập trung vào thị trường Mỹ và EU như Công ty cổ phần May Sông Hồng hay Công ty cổ phần Sản xuất - Kinh doanh

Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex). Gilimex chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu hàng tháng trong quý III/2022 (doanh thu tháng 6/2022 giảm 60%, doanh thu tháng 7/2022 giảm 83% so với cùng kỳ), do Công ty phụ thuộc nhiều vào một khách hàng lớn. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023, tuy nhiên, lượng đơn hàng nhận được vẫn còn rất thấp so với công suất hoạt động.

Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may khác chia sẻ, hướng đến tự chủ trong khâu nguyên liệu là giải pháp được đặt ra từ khi dịch Covid-19 xuất hiện khiến nguồn cung ứng từ thị trường Trung Quốc bị đứt gãy. Giai đoạn hiện nay, mục tiêu trọng tâm của doanh nghiệp là giữ được đơn hàng, giữ được khách hàng và quan trọng là giữ được dòng tiền không bị đứt đoạn. Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ dự kiến sẽ suy giảm trong 1 - 2 quý tới nên doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng ở các thị trường khác.

Đối với ngành thủy sản, doanh thu xuất khẩu của không ít doanh nghiệp đang có dấu hiệu đi xuống, kể cả các doanh nghiệp đầu ngành.

Báo cáo tình hình kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) cho thấy, doanh thu xuất khẩu trong tháng 8 tăng 6% so với tháng 7 nhờ tăng cường xuất khẩu sản phẩm cá phi lê. Tuy nhiên, ngoài thị trường Mỹ duy trì được mức tăng trưởng tốt thì thị trường Trung Quốc, châu Âu và các thị trường khác ghi nhận doanh thu giảm lần lượt 13%, 40% và 15%.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự phóng, doanh thu quý III/2022 của Vĩnh Hoàn là 3.570 tỷ đồng, giảm 16%; lợi nhuận sau thuế ước đạt 553 tỷ đồng, giảm 29% so với quý II.

Ứng phó với tỷ giá

Sau nhiều năm gác lại nỗi lo tỷ giá USD, các doanh nghiệp hiện nay đều tập trung quản trị rủi ro liên quan đến tỷ giá. Bà Hương cho biết, Gemadept có khoản vay USD đầu tư cho Gemalink, thời gian qua được hưởng lãi suất tốt, nhưng Công ty đang tìm giải pháp tập trung các nguồn thu để tái cấu trúc khoản vay, trả nợ trước hạn, để tránh rủi ro.

Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng được nhận định tác động không nhỏ đến khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn.

Cụ thể, những doanh nghiệp mà nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ gặp bất lợi khi USD tăng vì phải chi trả nhiều hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu chưa hẳn được hưởng lợi từ tỷ giá, nếu phải nhập khẩu nguyên liệu. Đối với các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn, nguy cơ phải ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá là hiện hữu.

Như với ngành dệt may, đánh giá tác động của tỷ giá, SSI nhận định, mặc dù hầu hết các công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí cũng được tính bằng USD (chẳng hạn, chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay).

Do đó, trong quý II/2022, nhiều công ty ghi nhận khoản lỗ tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện tăng đáng kể (dẫn đến khoản lỗ hoạt động tài chính) do tỷ giá USD/VND tăng 2% trong quý.

Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục tăng, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao (như Sợi Thế Kỷ, TCG, Đầu tư và Thương mại TNG).

Nhóm doanh nghiệp dầu khí, nhiệt điện hay vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân ở mức khá cao. Một số doanh nghiệp đang ghi nhận khoản nợ vay có gốc USD lớn như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau...

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đồng USD tăng giá làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng ngoại tệ này. Trong đó, khoản vay với lãi suất thả nổi và kỳ hạn ngắn chịu tác động lớn hơn so với khoản vay có lãi suất cố định và kỳ hạn dài.

Trong bối cảnh tỷ giá tăng, ông Lê Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc cho rằng, một số ngân hàng cho các doanh nghiệp linh hoạt chuyển đổi đồng ngoại tệ vay cho phù hợp với từng thời điểm, giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, việc này chỉ thực sự phù hợp khi lãi suất trong nước được giữ ổn định.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC)

Lãi suất tăng thêm không đáng kể, chỉ khoảng 2%/năm, tỷ giá tăng nhiều hơn (từ đầu năm 2022 đến nay tăng gần 5%), trong khi các doanh nghiệp trong ngành đa phần vay ngoại tệ, bù qua sớt lại thì doanh nghiệp xuất khẩu có lợi. Tuy nhiên, tình hình lạm phát ở Nhật Bản, Tây Âu khá cao, khiến sức mua bị thu hẹp. Đồng USD tăng giá, nhưng ở Mỹ, tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường.

Đồng bảng Anh, đồng EUR giảm so với VND từ 12 - 14%, đồng Yên Nhật so với VND giảm 14 - 16%, nên doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi xuất khẩu vào thị trường EU và Nhật Bản.

Thị trường Mỹ có lạm phát cao, nhưng đồng USD so với VND có giá hơn nên xuất khẩu không bị tác động tiêu cực, nhưng vấn đề là vị trí địa lý, 1 container từ Ecuador sang Mỹ có chi phí 4.000 USD, còn từ Việt Nam mất đến 20.000 USD. Theo đó, Việt Nam không cạnh tranh được về giá vì chi phí vận chuyển rất bất lợi, kể cả khi giá cước đã giảm 20 - 30% từ đỉnh. Theo đó, FMC hiện chỉ xuất khẩu vào Mỹ các mặt hàng chế biến sâu, còn chế biến khá và trung bình là thua, vì không thể cạnh tranh với tôm giá rẻ từ Ecuador.

Từ nhiều năm nay, Ecuador và Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường tôm ở Mỹ, nên FMC xác định khó cạnh tranh ở thị trường này. Với FMC, do có nhận định, có sách lược thị trường từ đầu năm 2021 chuyển hướng về thị trường gần, tránh đối đầu đối thủ mạnh (Ecuador) nên hiện nay, thị phần ở Nhật Bản tăng lên. Đây là thị trường có yêu cầu chế biến tỉ mỉ. Trong cơ cấu doanh thu của Công ty, thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng cao nhất.

Song song với đó, FMC nỗ lực nuôi tôm để giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, FMC đã thực hiện được việc này. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Công ty ước đạt lợi nhuận khoảng 240 tỷ đồng.

Giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam cao, gây thách thức cho ngành chế biến tôm. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, 1 hộ nuôi trung bình 2 ha, nhỏ hơn là dưới 1 ha, trong khi ở Ecuador nuôi theo trang trại, không nuôi lẻ và quy mô trang trại ít nhất cũng 50 ha, còn lớn là 10.000 ha. Họ nuôi theo trang trại quy mô lớn nên chất lượng tôm được kiểm soát, đồng đều và dễ đạt chuẩn xuất khẩu.

Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK)

Do ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế ở Mỹ và EU, các thương hiệu thời trang lớn bán hàng chậm, tồn kho cao nên đơn hàng sợi trong quý II và III/2022 bị ảnh hưởng. Vì vậy, doanh số bán sợi tái chế trong 9 tháng đầu năm 2022 của STK thấp hơn cùng kỳ khoảng 5 - 6%. Tuy nhiên, Công ty đẩy mạnh bán sợi virgin nên tổng doanh số 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ cùng kỳ.

Ngoài ra, nhờ sự tin cậy của khách hàng cao cấp về chất lượng sản phẩm nên STK tiếp tục nhận được các đơn hàng chất lượng cao, có lợi nhuận tốt. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 195 - 200 tỷ đồng (thấp hơn cùng kỳ 1,3 - 3,8%).

Trong quý IV/2022, đơn hàng có thể vẫn còn chậm, nhưng triển vọng phục hồi từ quý I/2023 sẽ tốt hơn, khi các thương hiệu và khách hàng đã giải phóng hàng tồn kho. Trong giai đoạn tới, STK vẫn tận dụng lợi thế thương hiệu để bán hàng ở phân khúc cao cấp nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Song song đó, Công ty cân nhắc giảm giá bán để tăng doanh số.

Về vấn đề lãi suất và tỷ giá, nếu so với giai đoạn 2016 - 2019, rủi ro tài chính của STK giảm mạnh, do không còn nợ vay dài hạn và kiểm soát vốn lưu động (hàng tồn kho, nợ phải thu) tốt hơn trước rất nhiều nên dư nợ giảm xuống mức thấp.

Hiện nay, STK chỉ vay nợ ngắn hạn bằng USD để tài trợ vốn lưu động và dư nợ dao động trong khoảng 350 - 450 tỷ đồng. Mặc dù lãi suất USD trong quý III/2022 tăng khoảng 0,7%/năm so với nửa đầu năm, từ bình quân 1,8%/năm lên 2,5%/năm (dự kiến tăng thêm 1%/năm trong quý IV/2022) và tỷ giá USD/VND tăng khoảng 4,5% so với đầu năm, lãi vay gộp hiện nay chỉ khoảng 7% (thấp hơn lãi vay bằng VND).

Do đó, chi phí tài chính của Công ty trong 9 tháng đầu năm 2022 không nhiều, khoảng 24,7 tỷ đồng (chi phí lãi vay 5,44 tỷ đồng, lỗ tỷ giá thực hiện 13,2 tỷ đồng và lỗ tỷ giá chưa thực hiện 5,83 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nhằm giảm bớt tác động của lãi suất và chênh lệch tỷ giá, trong thời gian tới, STK sẽ kiểm soát chặt chẽ vốn lưu động để giảm vốn vay ngắn hạn. Song song đó, Công ty sẽ tăng tỷ trọng bán hàng bằng USD và linh hoạt tận dụng các khoản tiền gửi VND với lãi suất phù hợp tại ngân hàng.

Tin bài liên quan