Tại lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) giữa Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) và Forvis Mazars Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 3/12, một buổi tọa đàm về chuyển đổi xanh và tác động của nó đối với lĩnh vực tài chính đã diễn ra.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành gồm ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam; ông Nguyễn Hải Minh, Chủ tịch Forvis Mazars Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch EuroCham; và ông Nguyễn Tùng Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính Bền vững tại EuroCham. Buổi tọa đàm được điều phối bởi bà Nguyễn Phương Hằng, FCCA, thành viên Ủy ban Tư vấn ACCA Việt Nam.
“Hai động lực chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh là kết quả kinh doanh và các quy định bắt buộc yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn xanh,” ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Thông qua các nghiên cứu và đối thoại, ACCA nhận thấy rằng Việt Nam ngày càng tiến gần hơn tới việc đồng bộ hóa các quy định với các xu hướng toàn cầu, đặc biệt là từ châu Âu. ACCA Việt Nam cũng đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ như Kiểm toán Nhà nước Việt Nam để triển khai các sáng kiến như kiểm toán môi trường.
“Chúng tôi hy vọng rằng các quy định sắp tới sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, bên cạnh các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, các doanh nghiệp tham gia vào các sáng kiến bền vững đang ngày càng được công nhận và cải thiện hiệu quả kinh doanh tổng thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 78% các báo cáo cho thấy mối liên hệ giữa các hoạt động bền vững với kết quả tài chính tốt hơn,” ông Hưng cho biết thêm.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt nhân lực có kỹ năng phù hợp đang là một thách thức lớn. Trong khi số lượng việc làm xanh trên toàn cầu đã tăng 58% kể từ năm 2015, chưa đến 13% lực lượng lao động có kỹ năng xanh cần thiết.
Tại Việt Nam, dự báo thiếu hụt khoảng 500.000 lao động trong lĩnh vực chuyển đổi số vào năm 2025, trong khi kỹ năng chuyển đổi xanh vẫn chưa được đưa vào các chương trình đào tạo một cách bài bản.
Để giải quyết vấn đề này, ACCA đã ra mắt Chứng chỉ Chuyên nghiệp về Phát triển Bền vững, một chứng chỉ được công nhận trên toàn cầu, dự kiến sẽ triển khai tại 180 quốc gia vào cuối năm 2024.
Từ góc nhìn của chính phủ, bà Lăng Trịnh Mai Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh rằng tích hợp ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) vào chiến lược kinh doanh là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp mở rộng ra thị trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp cần hiểu rõ chi phí và lợi ích của việc thực hiện ESG. Nếu không xác định được giá trị cụ thể, họ có thể bỏ lỡ cơ hội hoặc gặp khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính,” bà Mai Hương chia sẻ.
Từ góc độ doanh nghiệp châu Âu, ông Nguyễn Hải Minh, Chủ tịch Forvis Mazars Việt Nam, cho biết: “Việc thúc đẩy phát triển bền vững không chỉ là tuân thủ các quy định mà còn cần sự đồng bộ trong chuỗi cung ứng. Nếu một doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cao nhưng đối tác trong chuỗi cung ứng lại không tuân thủ, điều này sẽ làm gián đoạn hệ sinh thái chung. Các doanh nghiệp châu Âu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để hỗ trợ sự phát triển đồng bộ này.”
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tùng Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính Bền vững tại EuroCham, đã chỉ ra hai rủi ro chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi chuyển đổi xanh: “Thứ nhất là rủi ro vật lý, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt gây gián đoạn sản xuất và làm tăng đáng kể yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Thứ hai là rủi ro chuyển đổi, đến từ áp lực ngày càng cao của các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt từ EU. Các doanh nghiệp cần thay đổi mô hình hoạt động, dẫn đến chi phí tăng cao và gánh nặng tuân thủ. Tuy nhiên, đây là điều kiện tiên quyết để duy trì tính cạnh tranh và thâm nhập thị trường quốc tế".
Các chuyên gia tại buổi tọa đàm đều khẳng định rằng sự chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà còn là một yêu cầu chiến lược để doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.