Ông Dương Thanh Danh Francois, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị PVI trao đổi với Đầu tư Chứng khoán nhân dịp năm mới.
Có sự tham gia quản trị của các cổ đông lớn như PVN và HDI, IFC, PVI đã đạt tốc độ phát triển mạnh mẽ, bền vững. Theo ông, có kinh nghiệm nào có thể chia sẻ với các thành viên khác trên thị trường?
Sự tham gia tích cực của các cổ đông lớn, người đại diện cho các cổ đông trong Hội đồng quản trị của PVI đóng vai trò rất quan trọng. Trước hết, chúng tôi kế thừa nền tảng vững chắc mà cổ đông sáng lập PVN đã tạo dựng PVI. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các cổ đông lớn nước ngoài như HDI Global và IFC, PVI đã áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp liên tục nâng cao năng lực quản trị một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực như quản lý tài chính, quản trị rủi ro, tuân thủ, kế toán, phát triển bền vững (ESG).
Chúng tôi luôn theo đuổi nguyên tắc quản trị minh bạch, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững, trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích của các cổ đông, khách hàng và người lao động.
PVI duy trì vị trí số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam |
Chẳng hạn, PVI là doanh nghiệp bảo hiểm nội địa đầu tiên triển khai thực hiện Chuẩn mực kế toán quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm (IFRS 17) cũng như đã hoàn thiện khung quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả xếp hạng tín nhiệm A- (Xuất sắc) được PVI duy trì liên tục từ năm 2023 cho thấy nỗ lực của chúng tôi đã được A.M. Best ghi nhận và đánh giá cao.
Nhờ đó, trong những năm qua, PVI đã có nhiều sự chuyển biến về chất và đang phát triển theo đúng định hướng cũng như kỳ vọng của chúng tôi là khẳng định vị thế số 1 tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, bước đầu thành công trong việc đưa thương hiệu PVI ra thị trường bảo hiểm quốc tế.
Trên hành trình phát triển, PVI vẫn luôn cầu thị, bổ sung các nhân sự có kinh nghiệm, có kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực hoạt động cốt lõi để làm dày đội ngũ tinh nhuệ của mình. Mới đây, tại đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 8/2024, PVI đã bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị là bà Christine Nagel - chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại châu Á.
Trong năm 2024, IFC đã thoái vốn tại PVI. Liệu đây có phải là một phần của chiến lược đầu tư thông thường của tổ chức này?
Từ công ty có vốn nhà nước, PVI đã chuyển đổi sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối, với tư duy hiệu quả và quản trị doanh nghiệp hiện đại”
IFC thoái vốn tại PVI sau 3 năm nắm giữ cổ phần tại đây. Từ công ty có vốn nhà nước, PVI đã chuyển đổi sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối với tư duy hiệu quả và quản trị doanh nghiệp hiện đại.
IFC có tôn chỉ, mục đích và khẩu vị đầu tư riêng biệt. Sau 3 năm, IFC đã hoàn thành mục tiêu của họ khi đầu tư vào PVI, do đó, họ thoái vốn tại đây để đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp khác theo tôn chỉ, mục đích của họ. Theo đánh giá của tôi, khoản đầu tư tại PVI đã đem lại lợi nhuận tốt cho IFC. Tổ chức này ban đầu dự kiến mất khoảng 2 năm để hoàn thành việc thoái vốn, nhưng với mức độ quan tâm của thị trường, IFC đã thoái vốn thành công tại PVI trong khoảng thời gian rất ngắn. Việc IFC thoái vốn thời gian vừa qua cũng phần nào giúp thanh khoản của cổ phiếu PVI tăng cao hơn.
Khi IFC thoái vốn, HDI, cổ đông lớn của PVI cũng tiếp tục mua thêm cổ phần, nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu. Hiện HDI đã sở hữu trực tiếp và gián tiếp xấp xỉ 55% cổ phần tại PVI. Dù muốn tăng thêm cổ phần tại doanh nghiệp, song HDI chỉ mua vào một phần cổ phiếu IFC thoái vốn qua khớp lệnh trên thị trường, với mong muốn có thêm tỷ lệ cổ phiếu PVI lưu hành nhằm gia tăng thanh khoản cho cổ phiếu PVI.
Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, PVN sẽ thoái vốn tại PVI trong năm 2025. Vậy, việc triển khai kế hoạch thoái vốn của PVN có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của PVI liên quan đến lĩnh vực dầu khí?
Hiện nay, việc mua sắm dịch vụ bảo hiểm của các đơn vị thuộc PVN được thực hiện theo Luật Đấu thầu; trong đó, PVI là bên dự thầu bình đẳng với các nhà thầu khác. Bởi vậy, việc thay đổi cơ cấu sở hữu sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của PVI.
PVI đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025 cũng như giai đoạn 2025 - 2029 với mục tiêu tăng trưởng hai con số, đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng tích cực cả về quy mô, lợi nhuận và cổ tức chi trả cho các cổ đông. Hoạt động của PVI hiện nay vẫn theo đúng nguyên tắc đối vốn trong các quyết định quan trọng về quản trị và điều hành.
Do có sự chuẩn bị từ trước nên trường hợp PVN không còn vốn tại PVI, chúng tôi tin tưởng hoạt động của doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng bền vững.
HDI Global SE đã tăng sở hữu tại PVI trong thời gian gần đây. HDI sẽ các hỗ trợ như thế nào với PVI để doanh nghiệp mở rộng hoạt động, đặc biệt ở các thị trường quốc tế?
Là cổ đông lớn, HDI sẽ tiếp tục hỗ trợ PVI về phát triển thị trường bảo hiểm quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật về quản trị doanh nghiệp và hỗ trợ tài chính, nhân lực triển khai các dự án về IFRS, quản trị rủi ro, phát triển bền vững.
Bão Yagi là phép thử lớn với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Ông có thể chia sẻ cách doanh nghiệp đã vượt qua tổn thất từ cơn bão này?
Chúng tôi đánh giá điều quan trọng bậc nhất là sự đồng hành với khách hàng trong thời điểm khó khăn, bởi vậy, các công ty con của PVI là Bảo hiểm PVI, HanoiRe đã dồn lực cho hoạt động thiết yếu này. Với 1.216 hồ sơ bồi thường, tổng thiệt hại ước tính lên đến 3.467 tỷ đồng, PVI đã nhanh chóng thực hiện chi trả tạm ứng hơn 213 tỷ đồng. Hiện hồ sơ đang tiếp tục được các bên trao đổi, phối hợp giải quyết.
Quy trình bồi thường kịp thời không chỉ bảo vệ quyền lợi khách hàng, mà còn củng cố niềm tin vào PVI như một đối tác đáng tin cậy của khách hàng trong những thời điểm khó khăn. Đồng thời, kết quả của phép thử này với PVI đã khẳng định năng lực quản trị rủi ro và khả năng ứng phó trước các “thiên nga đen” của nền kinh tế trong và ngoài nước.
PVI dự kiến đạt xấp xỉ 21.500 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Công ty tiếp tục duy trì vị trí số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam với 18,2% thị phần bảo hiểm gốc tại thời điểm 30/9/2024.
Năm 2023, PVI đã chi trả cổ tức 32% bằng tiền mặt. Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 28,5%, cam kết sự ổn định, phát triển bền vững với cổ đông. Đây là nền tảng quan trọng để PVI mở rộng hợp tác và phạm vi hoạt động với các đối tác lớn, thúc đẩy tăng trưởng ở cả trong và ngoài nước.