Xu hướng tất yếu để phát triển ngành tài chính tiêu dùng
Theo thống kê của FiinGroup, trong giai đoạn 2015 - 2019, thị trường tài chính tiêu dùng chuyển mình sang giai đoạn phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 30,4%/năm. Số lượng khoản vay năm 2020 tăng 18,9% so với năm 2019.
Hiện thị trường tài chính đang có sự cạnh tranh của 18 công ty tài chính, cùng hàng chục ngân hàng có dịch vụ cho vay tiêu dùng. Bên cạnh các công ty đã có lịch sử hoạt động lâu đời trong nước, thị trường tài chính tiêu dùng cũng chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, kỳ vọng mang lại động lực tăng trưởng mới cho thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi các công ty tài chính cần có chiến lược thay đổi. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào tất cả các khâu hoạt động được xem là việc làm quan trọng. Bên cạnh đó, các công ty tài chính chú trọng gắn liền môi trường số hóa với một hệ sinh thái nhiều tiện ích; tập trung vào trải nghiệm; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Để làm được điều này, theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), những nhà lãnh đạo cần nhận thức sâu sắc rằng doanh nghiệp mình đang có gì và đang cần gì. Việc nắm rõ doanh nghiệp sẽ đánh giá được mức độ sẵn sàng thay đổi và khả năng thực hiện kế hoạch đã đề ra. Song song với đó, doanh nghiệp cần nắm rõ nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mình là gì, từ đó lên lộ trình và vạch ra những việc cần làm để tiến hành chuyển đổi số.
Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi số, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật phản hồi, xây dựng hệ thống báo cáo, phân tích và đánh giá hiệu quả, qua đó, không ngừng học hỏi, nâng cấp và lựa chọn công nghệ phù hợp để áp dụng rộng rãi và lâu dài.
Theo ông Vinh, trong quá trình chuyển đổi số có thể vẫn chưa đạt tới thành công nếu chưa tìm được hướng đi đúng với công nghệ phù hợp, nhưng nếu không thay đổi thì doanh nghiệp sẽ chắc chắn thất bại và không thể trụ lại thị trường. Do vậy, doanh nghiệp cần xác định chuyển đổi số là một chiến lược trọng tâm, là nhiệm vụ của toàn tổ chức và nghiêm túc thực hiện.
Theo khảo sát của Công ty Tư vấn BDO với các vị trí cấp C-level của 300 công ty lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trên 97% công ty dịch vụ tài chính đang thực hiện một số bước đột phá về chuyển đổi số; trong đó hơn 21% đơn vị nhận định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy hiệu quả của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng áp dụng khi chuyển đổi số. Cụ thể, sau 3 năm, có 62% công ty có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 10% hàng năm. Ngân sách chuyển đổi số được phân bổ 37% cho cải thiện vận hành, nâng cao năng suất và cắt giảm chi phí; 41% tập trung vào việc phát triển các chiến lược số và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó, ngân sách được phân bổ 17% cho các công nghệ và phát triển dữ liệu phục vụ việc dự báo nhu cầu thị trường và tìm kiếm nguồn doanh thu mới.
FE CREDIT là đơn vị tài chính tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam triển khai nền tảng cho vay kỹ thuật số mang tên “$NAP” |
Chuyển đổi số - Chìa khóa thành công của FE CREDIT
Là công ty tài chính tiêu dùng chiếm thị phần lớn, FE CREDIT đang nỗ lực từng ngày trong công cuộc “số hóa”, nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Công ty muốn tạo ra lợi thế và sự khác biệt đến từ khả năng tiếp cận, cũng như phục vụ khách hàng nhanh chóng từ xa, đồng thời gắn bó với khách hàng đa diện từ các sản phẩm trong hệ sinh thái.
Với sự xoay chuyển linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, cùng nền tảng hệ thống vững chắc, FE CREDIT là đơn vị tài chính tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam triển khai nền tảng cho vay kỹ thuật số mang tên “$NAP”. Nền tảng $NAP của FE CREDIT được lập trình hoàn toàn tự động; có thể mang đến quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín mà không cần đến sự can thiệp của con người; giúp rút ngắn toàn bộ quá trình vay chỉ còn 10 - 15 phút và khách hàng được giải ngân tiền trong vòng vài giờ đồng hồ.
Cùng với đó, việc hợp tác với những tập đoàn Fintech hàng đầu thế giới giúp FE CREDIT ứng dụng các công nghệ tân tiến vào nền tảng cho vay kỹ thuật số của mình, giúp mang đến trải nghiệm đột phá cho người dùng theo đúng tôn chỉ của công ty: cung cấp sản phẩm tài chính nhanh chóng và hiệu quả nhất.
FE CREDIT kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái toàn diện và khép kín dựa vào quá trình chuyển đổi số, với kỳ vọng đến năm 2024, lượng khách hàng sẽ tăng thêm 10 - 12 triệu.
Song song, FE CREDIT đã phát triển các ứng dụng để khách hàng theo dõi khoản vay, nhanh chóng tra cứu thông tin mà không cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng, kịp thời giải đáp các thắc mắc và tăng trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ. FE CREDIT cũng chú trọng ứng dụng kỹ thuật số trên cả dịch vụ front-end và back-end. Những nỗ lực này nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng liền mạch và giảm các tương tác trực diện trong thời kỳ giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, FE CREDIT đã và đang tăng tốc triển khai các công nghệ như chữ ký điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tư vấn khách hàng qua điện thoại. Việc áp dụng công nghệ nhận diện khách hàng (e-KYC) cũng đang được công ty điều chỉnh phù hợp với quy trình duyệt vay; đồng thời, áp dụng AI đàm thoại vào dịch vụ khách hàng. Điều này nhằm tiếp cận khách hàng nhanh và hiệu quả hơn ở quy trình bán hàng, xử lý khoản vay và dịch vụ khách hàng.
Đại diện FE CREDIT cho biết, với những nỗ lực ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đã đạt được những hiệu quả nhất định trong bối cảnh đại dịch nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng dư nợ của FE CREDIT đạt 66.045 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019; hệ số an toàn vốn (CAR) tăng từ 15,19% trong 2019 lên 19,14%. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2020 của FE CREDIT giảm so với năm trước khi đạt 27,6%. Trong thời gian qua, Công ty đã tối ưu hóa chi phí nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng hệ sinh thái tài chính thông qua kết hợp với các đối tác hàng đầu thế giới như: UBank, MyCash Fintech, EY, Vymo…
Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, FE CREDIT kỳ vọng tạo ra một hệ sinh thái toàn diện và khép kín dựa vào quá trình chuyển đổi số. Hiện Công ty đang chuẩn bị cho tăng tốc trở lại với kỳ vọng đến năm 2024, lượng khách hàng sẽ tăng thêm 10 - 12 triệu.