Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ đã rốt ráo ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất.

Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ đã rốt ráo ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất.

Chuyển đổi số và trật tự cạnh tranh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những doanh nghiệp chủ động đi trước trong thực hiện chuyển đổi số đã vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực, ngành hàng hoạt động.

Nền tảng sức mạnh

Chuyển đổi số đã tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ và mang lại hiệu quả to lớn cho Sacombank; tiết kiệm được một nửa thời gian làm các thủ tục so với trước kia là những con số cụ thể mà lãnh đạo Sacombank chia sẻ về kết quả của quá trình chuyển đổi số tại ngân hàng này.

Lợi ích lớn hơn là góp phần giúp doanh thu dịch vụ trong 3 năm gần đây của Sacombank tăng trưởng khoảng 25%/năm.

Những con số trên mới chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Chuyển đổi số làm thay đổi toàn bộ nền tảng hoạt động của doanh nghiệp, sự vận hành của một cá nhân cho đến toàn bộ hệ thống nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất và kinh doanh hiệu quả, bền vững hơn.

Chính nhờ đi đầu trong chuyển đổi số, dù trải qua những khó khăn khách quan và cả nội tại, những năm qua, Sacombank vẫn giữ vững vị thế trong nhóm ngân hàng bán lẻ hàng đầu.

Ngày nay, không có gì lạ khi người tiêu dùng thường xuyên được cập nhật những ứng dụng mới của các ngân hàng. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, vào tháng 7, Vietcombank (mã chứng khoán VCB) đã triển khai VCB Digital, một ứng dụng ngân hàng điện tử với các tính năng hiện đại hơn trước rất nhiều.

Trong ngành tài chính, khối công ty chứng khoán đã bước vào cuộc đua chuyển đổi số nóng bỏng, khi công nghệ là vũ khí nền tảng sắc bén để cạnh tranh. Một số công ty như VPS, SSI, VNDIRECT đã ứng dụng giải pháp định danh khách hàng eKYC.

Với ứng dụng này, toàn bộ quá trình mở tài khoản, giao dịch chứng khoán, giao dịch các sản phẩm tài chính đều được thao tác trên ứng dụng. Khách hàng không cần phải đến công ty chứng khoán, không cần ký trực tiếp vào hồ sơ bản giấy.

Với việc đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật số, chẳng khó hiểu khi cả ba công ty chứng khoán trên đều nằm trong Top 5 công ty dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HOSE.

Giám đốc một công ty chứng khoán trong Top 5 thị phần tiết lộ, nhờ chủ động ứng dụng công nghệ nên thị phần của công ty đã không bị suy giảm khi bị “chảy máu” môi giới. Và rằng, “các sản phẩm, gói chính sách được thiết lập trên hệ thống một cách thông minh nhắm đến từng lớp khách hàng nên chúng tôi không có áp lực phải giữ môi giới bằng mọi giá”.

Câu chuyện về ứng dụng công nghệ đem lại lợi thế cạnh tranh vượt trội cũng được ghi nhận ở nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) chia sẻ: “Nhìn lại mới thấy quyết định áp dụng công nghệ vào quản lý bán hàng mang lại hiệu quả lớn hơn dự tính rất nhiều”.

Ảnh tác giả

Nhìn lại mới thấy quyết định áp dụng công nghệ vào quản lý bán hàng mang lại hiệu quả lớn hơn dự tính rất nhiều

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP)

Trong năm 2019, Nhựa Bình Minh đã chuyển đổi toàn bộ khâu đặt hàng và quản lý đặt hàng sang online.

Khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, có khoảng 40% nhân sự làm việc tại nhà nhưng hoạt động kinh doanh của Công ty không hề bị gián đoạn. Khâu tiếp nhận đơn hàng và chuyển thông tin rất nhanh chóng, thông suốt tới các bộ phận sản xuất, giao hàng.

Nhựa Bình Minh đã áp dụng thành công hệ thống hoạch định tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và đang tích hợp các khâu đặt hàng qua mạng (E-Ordering), hoá đơn điện tử, quản lý quan hệ khách hàng (CRM)… Nhờ tích cực thực hiện chuyển đổi số, kết quả kinh doanh của Công ty trong quý II/2020 – quý căng thẳng nhất của dịch bệnh, vẫn tăng trưởng tới 32% so với cùng kỳ 2019.

Trong ngành may, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) là một trong những doanh nghiệp rất rốt ráo ứng dụng công nghệ số. Đến nay, Công ty đã hoàn thành dự án Trung tâm Vận hành (POC) cho xưởng POY của Nhà máy Trảng Bàng, giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm theo thời gian thực tế, kiểm soát được quá trình vận hành và bảo trì máy móc, thiết bị, truy xuất dữ liệu sản xuất. Dự kiến đến hết năm 2021, hệ thống POC sẽ được vận hành trong toàn Công ty.

Theo bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược Sợi Thế Kỷ, Công ty đang triển khai hai dự án mới là Nhà máy thông minh và phần mềm quản lý đơn hàng sản xuất. Các giải pháp số hóa đã giúp Công ty hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của việc suy giảm nhu cầu sợi trong đại dịch tới hiệu quả kinh doanh.

Trong lĩnh vực cấp nước sạch, Công ty cổ phần Cấp nước Bình Dương (Biwase) đã trở thành một trong các công ty hiệu quả và tăng trưởng cao nhất nhờ chú trọng vào dịch vụ bán hàng.

Biwase đã triển khai ứng dụng thanh toán online trên website doanh nghiệp, hướng dẫn chi tiết gần 20 cách thức thanh toán tiền nước qua nhiều kênh khác nhau, cũng như tra cứu về lượng nước tiêu thụ, tiền nước và lấy hóa đơn. Đây là khác biệt của Biwase so với nhiều công ty cùng ngành.

Mệnh lệnh từ thị trường

“Chuyển đổi số” đã trở thành cụm từ xuất hiện dày đặc trong các bản chiến lược, báo cáo thường niên, hay trong những chia sẻ về định hướng điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt khi các phương thức làm việc, tương tác với khách hàng theo kiểu truyền thống không còn phù hợp trong giai đoạn giãn cách xã hội. Không còn nghi ngờ gì, chuyển đổi số là “mệnh lệnh của thị trường”.

Trong giai đoạn cao điểm của mùa dịch, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh KIDO (mã KDF) đã nhanh chóng quyết định chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm lạnh từ kênh khách hàng lớn là các điểm du lịch, căng tin trường học… về gần khu phố đông dân cư.

Để có thể nhanh chóng ra quyết định là nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin đã sớm được KDF đầu tư.

Theo đó, phần mềm DMS hỗ trợ cấp quản lý vùng chủ động định vị các phường/xã, quận/huyện, thành phố bị ảnh hưởng của dịch bệnh để có cách thức chăm sóc khách hàng và kịp thời cung ứng hàng hóa mà không phải đến tận nơi.

KDF đã áp dụng 100% công việc bán hàng bằng hệ thống App KidoService. Ứng dụng này cũng thay đổi quy trình quản lý hàng hóa, điều tiết đơn hàng giữa các khu vực với nhau thông qua hệ thống logistic.

Theo KDF, hệ thống đã được vận hành từ lâu nhưng trong mùa dịch mới thấy thực sự lợi hại.

Dưới áp lực cạnh tranh, đặc biệt là để tiếp cận khách hàng khi dịch Covid-19 xảy đến, các công ty chứng khoán đã nhanh chóng triển khai ứng dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử).

Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đang triển khai hệ thống phần mềm giao dịch mới cho phép ứng dụng EKYC cũng như tích hợp các dịch vụ khác trong một ứng dụng để đưa vào vận hành khi pháp lý lĩnh vực chứng khoán chính thức mở đường.

Trong tương lai không xa, khi việc chuyển đổi số của các tổ chức tài chính, công ty chứng khoán đã lên tới một mặt bằng tương đồng thì cuộc cạnh tranh này sẽ chuyển sang mức cao hơn. Đó là trình độ đội ngũ công nghệ để đảm bảo tính bảo mật, an toàn và tích hợp các sản phẩm mới vào hệ thống một cách thông suốt.

Nếu như dịch vụ của các ngân hàng là khá ổn định thì dịch vụ của các công ty chứng khoán ngày càng đa dạng.

Công ty chứng khoán không chỉ cung cấp dịch vụ về chứng khoán mà đang mở rộng nghiệp vụ quản lý tài sản, đầu tư trái phiếu, quản lý tiền gửi.

Có công ty hoạt động không khác gì một ngân hàng khi khách hàng ngồi nhà có thể gửi tiền qua đêm, gửi tiền có kỳ hạn với lãi suất tốt hơn tiết kiệm thông qua các sản phẩm tài chính do công ty chứng khoán xây dựng. Có công ty đưa vào cả sản phẩm đầu tư bất động sản, đầu tư quỹ...

Ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) chia sẻ, các thiết bị thông minh, ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội đã làm thay đổi cách con người sống cũng như cách thức tương tác với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu, sở thích tức thì, mọi lúc mọi nơi của khách hàng.

Sự thành công của doanh nghiệp tiên phong chuyển đối số đã trở thành động lực thúc đẩy các đối thủ cạnh tranh nhanh chóng chuyển đổi, nếu không muốn ở "chiếu dưới".

Tin bài liên quan