Thay đổi tư duy để chuyển đổi thành công
Tại Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tổ chức chiều 11/10, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh: “Ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Do đó, tại Nghị quyết 52, Bộ Chính trị đã xác định ngành Ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam”.
Xác định rõ nhiệm vụ và trọng trách, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, NHNN đã chỉ đạo trên toàn ngành chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với việc xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành cũng như tại từng tổ chức tín dụng.
Theo Phó Thống đốc, với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu được đáng khích lệ, từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, điều này thể hiện qua một số số liệu thực tế như sau:
Thứ nhất, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...
Thứ hai, nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số.
Thứ ba, các công nghệ phổ biến của Cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.
Thứ tư, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%.
“Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân”, ông Kim Anh nói.
Minh chứng cho những nhận định trên, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, ngân hàng tiên phong trong việc chuyển đổi số cho biết, sáng tạo số đã chia sẻ những thành tựu của ngân hàng. Cụ thể, 90% quy trình của TPBank được thực hiện trên kênh số. Ngay kể cả quy trình liên quan đến nhân sự vốn được cho rằng cần phải giữ bí mật, tế nhị… chỉ dùng trên giấy tờ thì nay cũng được thực hiện trên nền tảng số.
“Cách đây 5 năm khi TPBank chưa chuyển đổi số hoàn toàn, mỗi lần đi công tác vài ngày về là có vài kg giấy đợi sẵn trên bàn làm việc. Nhưng đến bây giờ, tôi có thể duyệt bất kỳ giao dịch nào, một quyết định, một hồ sơ nào trên nền tảng số”, ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo Tổng giám đốc TPBank, Ngân hàng đã vượt hầu hết các chỉ tiêu do NHNN đặt ra. Ví dụ như đến năm 2025, tỷ trọng các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số là 50% nhưng hết nửa đầu năm 2022, TPBank đã đạt được 80% và dự kiến đến năm 2025 là 90%.
Hay như, mục tiêu của NHNN đối với tỷ trọng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đến năm 2025 là 50% nhưng hết nửa đầu năm 2022, TPBank đã đạt được 80% và dự kiến đến năm 2025 là 85%. Đối với mục tiêu tỷ trọng hồ sơ công việc tại TCTD được xử lý và lưu trữ trên môi trường số được NHNN đặt ra là 70% đến năm 2025 nhưng hết nửa đầu năm 2022, TPBank đã đạt được 80% và dự kiến đến năm 2025 là 90%...
Ông Hưng nói: “Chuyển đổi số là công cuộc lâu dài đi từ những bước rất nhỏ, có ứng dụng cao”.
Các lãnh đạo và đại biểu tham quan những gian hàng triển lãm |
Một trong những điểm sáng của hệ thống tài chính là câu chuyện của Cake by VPBank - cán mốc 2 triệu người dùng chỉ sau 19 tháng ra mắt, xử lý 21 triệu giao dịch (trung bình 1,75 triệu giao dịch/mỗi tháng), với tổng giá trị giao dịch hơn 28.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank cho biết, những phương thức định danh điện tử như xác thực điện tử (eKYC) và chữ ký số (eSigning), hợp đồng điện tử (eContract)… hiện nay đang phát huy tác dụng rất tốt, hỗ trợ cho các ngân hàng số trong việc mở tài khoản và mở thẻ. Đây là phương thức giúp nhanh chóng phổ cập tài chính đến người dân. Dù ở bất cứ đâu, khách hàng ở 64 tỉnh thành đều có thể sở hữu một tài khoản ngân hàng chỉ trong 2 phút mà không cần trực tiếp đến phòng giao dịch.
Ông Quang nhấn mạnh: “Công nghệ tài chính hiện đại cũng giúp ngân hàng số mang đến cho khách hàng những khoản vay nhỏ lẻ, khoảng 2,3 triệu đồng một cách mau chóng mà không cần đến nhiều thủ tục phức tạp, giúp cho trải nghiệm tài chính được an toàn và thuận tiện hơn.
Mặc dù đã có những kết quả bước đầu khả quan, nhưng Phó Thống đốc Kim Anh cho rằng, ngành Ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh đó là xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới từ đó đặt ra cho ngành Ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể…