Chia sẻ tại hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số” (diễn ra tại Đà Nẵng), chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Giám đốc trường Đào tạo BIDV nhấn mạnh, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu.
Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp minh bạch thị trường bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Việc chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường từ đó tăng doanh thu.
Tận dụng được các cơ hội từ chuyển đổi số sẽ làm gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.
Các chuyên gia cũng chỉ ra Việt Nam đang hội nhập thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng bất động sản đang đi chậm do thiếu hạ tầng, thiếu dữ liệu; đặc biệt là hạ tầng, gồm cả hạ tầng của quản lý nhà nước.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng công nghệ số sẽ làm giảm chi phí, tăng hiệu quản kinh doanh, minh bạch dữ liệu. Gợi mở các giải pháp, xu hướng công nghệ thông tin trong bất động sản; hiệu ứng hiệu quả của truyền thông đối với bất động sản; các quan điểm ứng dụng công nghệ trong lý thuyết về marketing; những ứng dụng thực tiễn cho doanh nghiệp bất động sản tiếp cận, ứng dụng.
Đặc thù bất động sản là những tài sản có giá trị lớn, tính thanh khoản chậm; thị trường bất động sản đang rất thiếu thông tin. Để giải quyết những vấn đề này, các hội, hiệp hội bất động sản, hội môi giới bất động sản đang hướng đến việc kiến nghị Chính phủ phải thực hiện quản lý bằng số hóa, đặc biệt là bất động sản.
"Nếu được số hóa, có dữ liệu thì dễ dàng quản lý, dễ dàng kinh doanh, kiểm soát tích cực, hiệu quả. Đặc biệt là tính rủi ro, tính gây thiệt hại cho thị trường sẽ bị triệt tiêu. Làm sao để mỗi bất động sản đều được số hóa. Chúng tôi đang kiến nghị chính phủ các nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản đều được mã hóa, số hóa" - ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập báo Công Thương cho biết năm 2021, kinh tế số mới chiếm khoảng 11-12% GDP. Mục tiêu về kinh tế số Việt Nam là 20% GDP vào năm 2025, tức là phải tăng trưởng 20-25%/năm. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như tài chính, du lịch… Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản, chuyển đổi số diễn ra chậm hơn các ngành.
Về góc nhìn kinh doanh, ông Trương Trí Vĩnh – Phó Tổng Thư ký thường trực Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, chuyển đổi số, như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp này vượt qua những vấn đề nội tại.