Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số hiện chưa thực sự đa dạng về chủng loại, mức độ ứng dụng công nghệ còn thấp. Ảnh: Shutterstock

Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số hiện chưa thực sự đa dạng về chủng loại, mức độ ứng dụng công nghệ còn thấp. Ảnh: Shutterstock

Chuyển đổi số tại ngân hàng: Muốn nhanh… phải từ từ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Yêu cầu chuyển đổi số tại các ngân hàng là tất yếu của thời đại, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng chưa thể thực hiện nhanh...

Chưa tạo ra sự khác biệt

Tại Diễn đàn Xây dựng thương hiệu quốc gia cho công nghệ tài chính ngân hàng do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức cuối tuần trước, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Trải nghiệm người dùng và phát triển sản phẩm, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel chia sẻ câu chuyện của một chủ cửa hàng kinh doanh bánh mì.

Ông kể: “Các giao dịch hàng ngày của chị Đăng, hiện đang kinh doanh bánh mì, đều sử dụng tiền mặt. Thỉnh thoảng, vẫn có những khách hàng hỏi chị có nhận chuyển khoản không, nhưng chị đều bảo không có tài khoản và yêu cầu khách trả bằng tiền mặt. Hàng ngày, chị phải đi chợ để mua thực phẩm, nên với chị, tiền mặt là tiện lợi nhất. Vì tiền mặt nhanh, sẵn, tiện, mà không cần phải đi tìm cây rút tiền. Là một người kinh doanh, chị Đăng không quá quan tâm tới việc gửi tiết kiệm, nhưng cũng không ngần ngại trong việc vay ngân hàng. 'Nỗi đau' của chị Đăng là cầm tiền nhiều cũng sợ lẫn lắm, nhưng các bên giao hàng không biết chuyển khoản, mà cứ đòi tiền mặt”.

Câu chuyện này có vẻ như không “khớp” với những số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây, nhưng nói lên rằng, thanh toán không dùng tiền mặt không phải là trào lưu, mà bất cứ ai cũng sẽ tiếp cận. Để hút khách hàng, sự khác biệt phải được tạo ra.

Quay trở lại với số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt trên 239 triệu giao dịch với giá trị đạt 547.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 28,9% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019. Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.

PGS-TS. Đào Minh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho biết, một khảo sát được ông và các cộng sự tiến hành về tình trạng cung cấp của 30 dịch vụ ngân hàng số tại 12 ngân hàng thương mại gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, VIB, Sacombank, MBBank, VPBank, TPBank, Techcombank, ANZ và Citibank cho thấy:

Thứ nhất, về số lượng dịch vụ ngân hàng số được cung cấp: Vietcombank và Sacombank với 20 dịch vụ; BIDV và VPBank với 18 dịch vụ; VietinBank với 17 dịch vụ; VIB với 15 dịch vụ; MBBank, TPBank và Techcombank với 13 dịch vụ; Agribank và ANZ với 8 dịch vụ; Citibank với 6 dịch vụ.

Thứ hai, về mức độ đa dạng của dịch vụ ngân hàng số: Cung cấp cơ bản 6 nhóm dịch vụ gồm quản lý tài khoản, chuyển khoản, tiết kiệm, thanh toán, tín dụng và dịch vụ khác.

12 ngân hàng thương mại tham gia khảo sát đều cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số do tạo ra những lợi ích cho ngân hàng, đặc biệt là giảm được nhiều chi phí và tiếp cận được với những phân khúc khách hàng ngày càng rộng hơn.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết: “Mức độ tập trung cũng như có chiến lược rõ ràng vào mảng hoạt động này của các ngân hàng thương mại là khác nhau. Sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số chưa thực sự đa dạng về chủng loại, mức độ ứng dụng công nghệ còn thấp, hiện vẫn xoay quanh các sản phẩm truyền thống, chưa thực sự chú trọng tạo ra sự khác biệt về sản phẩm nói chung và sản phẩm ngân hàng số nói riêng để thu hút khách hàng”.

Theo khảo sát sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam hiện nay, 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số và 42% các ngân hàng coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh.

Vẫn đợi quy định riêng

Đối với TTKDTM, thị trường vẫn đang áp dụng Thông tư số 29/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 21/9/2011 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet, dịch vụ ngân hàng qua di động là ứng dụng được cài đặt trên các thiết bị thông minh dựa trên nền tảng dịch vụ.

Hay như Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thông tin báo cáo và bảo mật thông tin, tổ chức vận hành hệ thống thanh toán giám sát các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó áp dụng với dịch vụ ngân hàng qua di động và Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 do Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Đó là Quyết định số 328/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 16/3/2017 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech và Chỉ thị số 22/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước được giao khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới.

Đối với định hướng phát triển ngân hàng số, hiện cũng mới dừng lại ở Quyết định số 711/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 15/4/2020 về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm các nội dung liên quan đến định hướng phát triển ngân hàng số, nhiệm vụ quản lý hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.

Gần nhất là Quyết định 1238/QĐ-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 8/7/2020 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Liên quan tới việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán và chứng từ, lập chứng từ điện tử, các ngân hàng đang áp dụng Thông tư số 02/2019/TT-NHNN ngày 28/2/2019 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, bên cạnh đó là Luật Kế toán năm 2015 bổ sung quy định về chứng từ điện tử, đồng thời, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các quy định về chứng từ điện tử trong ngành ngân hàng.

Ông Đào Minh Phúc cho rằng, các quy định về chứng từ điện tử hiện nay vẫn được tư duy theo hướng chứng từ điện tử là chứng từ giấy, nhưng được thiết kế trên môi trường số và được hiểu là các chứng từ hạch toán của ngân hàng trên hệ thống phần mềm. Các quy định về nội dung, cách lập và quy trình luân chuyển, các khâu kiểm soát và ký chứng từ, lưu trữ chứng từ vẫn được thực hiện tương tự như chứng từ giấy, nhưng với hình thức điện tử.

“Trong hoạt động ngân hàng số, các giao dịch ngân hàng hiện nay dường như đã không còn là giao dịch của riêng ngân hàng. Thanh toán qua điện thoại di dộng là sự hợp tác giữa ngân hàng, công ty điện thoại di động và công ty cung cấp giải pháp công nghệ tài chính trong một giao dịch. Với các công nghệ tiên tiến hiện nay, các giao dịch thông qua ví điện tử, ví ảo, QR code... không nhất thiết phải gắn với một tài khoản ngân hàng, mà có thể sử dụng số điện thoại di động, mã định danh để thanh toán; việc thực hiện và hạch toán các giao dịch là hoàn toàn tự động, mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, các quy định về nội dung chứng từ điện tử, quy trình kiểm soát và bảo quản, lưu trữ chứng từ cần phải được nghiên cứu, xem xét với những yêu cầu mới và theo những cách tiếp cận mới”, ông Phúc nêu quan điểm.

Đối với dịch vụ ngân hàng số, mới chỉ là Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 gồm 8 chương với 54 điều. Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của Chính phủ quy định cụ thể các giao dịch điện tử trong ngân hàng.

“Mặc dù đã được tích hợp vào một số văn bản liên quan, về mặt quản lý điều hành dịch vụ ngân hàng số hiện vẫn chưa có văn bản quy định riêng. Để phát triển các dịch vụ ngân hàng số một cách hoàn thiện, ngoài nỗ lực của các ngân hàng thương mại, cần hơn nữa sự quan tâm hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiện toàn hành lang pháp lý, khung chính sách”, ông Phúc nêu quan điểm.

Tin bài liên quan