Doanh nghiệp địa ốc bắt nhịp chuyển đổi số
Doanh nghiệp Việt đã trải qua một năm “ăn nằm” với cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation). Nó tạo ra nhiều hứng khởi cho các start-up non trẻ, nhưng lại gây ra nhiều xáo trộn đối với các ông lớn trong nhiều ngành. Nhiều ông chủ “tóc bạc” còn chán ngấy khi báo chí hỏi về cách mạng công nghiệp 4.0, đơn giản vì họ nghĩ đây như kiểu trào lưu mới của làng kinh doanh.
Nhưng không, với cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn chỉ với một cái “click”. Khách hàng luôn sẵn sàng đến với sản phẩm để tiết kiệm chi phí giao dịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chính vì thế, với các doanh nghiệp, câu chuyện về chuyển đổi số được xem là câu chuyện bắt buộc nếu không muốn bị đào thải và loại bỏ khỏi thị trường.
Một thực tế cho thấy, nếu như trước đây, kinh doanh yêu cầu thu thập các số liệu về người dùng và sử dụng công nghệ nhằm hỗ trợ các công việc kinh doanh, tức công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thuần túy. Nhưng trong kỷ nguyên số hóa ngày nay, công nghệ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, những chiến lược mới. Nó không chỉ hỗ trợ kinh doanh, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh.
Trước đây, nhiều chủ đầu tư sau khi mở bán dự án chỉ chăm chăm chốt sale bằng những cách truyền thống như telesale, phát tờ rơi, gửi email..., mà họ không biết rằng, những cách làm này không đánh đúng khách hàng mục tiêu, gây lãng phí nguồn lực và làm phiền nhiều người.
Việc khách hàng chủ động tìm hiểu thông tin về dự án là cơ hội rất lớn, nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng quan tâm đến việc chăm sóc nguồn khách hàng tiềm năng này. Nhiều dự án có phần chatbox nhưng trả lời chậm, thậm chí hệ thống làm việc thiếu chuyên nghiệp dẫn đến bị mất thông tin khách hàng, tư vấn không cụ thể...
Điều này cho thấy cách tổ chức truyền thông kiểu cũ của doanh nghiệp bất động sản hiện nay gặp phải một số vấn đề như thiếu liên kết, lãng phí dữ liệu, không đáp ứng hết mọi nhu cầu của người dùng, không kiểm soát được, không biết làm gì trên digital, muốn làm đủ các khâu thì không thể có đủ nhân lực và chi phí.
Thay bằng sử dụng cách truyền thông kiểu cũ như truyền miệng, phát tờ rơi, xem nhà mẫu, TVC..., thì hiện nay, những phương pháp truyền thông mới như sử dụng baner, landing pages, website, carecenter, trải nghiệm 3D, mail assistant, chat, online salekit... đang mang lại những hiệu quả vượt trội hơn hẳn cho các chủ đầu tư.
Doanh nghiệp và nghệ thuật để chuyển đổi số
Doanh nghiệp ở quy mô nào phù hợp để chuyển đổi số không phải là bài toán khó nhất, nhưng việc tìm ra nghệ thuật chuyển đổi số mới là điều quan trọng nhất. Chuyển đổi số không phải chỉ là hình thức chuyển đổi công nghệ, đó là sự thay đổi của doanh nghiệp tại điểm hội tụ cả ba yếu tố công nghệ, kinh doanh và con người.
Để chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải được thực hiện theo cách tiếp cận 6 bước: Chiến lược (có tầm nhìn, chiến lược chuyển đổi, phân tích đánh giá giá trị các bên liên quan); Hiện trạng (đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng số hóa của đơn vị); Tương lai (mô hình vận hành, quy trình, công nghệ,…); Lộ trình (danh mục dự án, kế hoạch thực hiện,…); Triển khai (thực thi, thay đổi về kinh doanh, công nghệ, con người); Giám sát.
Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rào cản lớn khi làm chuyển đổi số. Rào cản lớn nhất là sự tuân thủ và quyết tâm của người thực hiện, bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên. Theo đó, chủ doanh nghiệp có dám đánh đổi hay không, bởi sẽ có những xung đột về mặt lợi ích, chẳng hạn như bán hàng qua mạng và bán hàng trực tiếp tại cửa hàng.
Có những lãnh đạo doanh nghiệp muốn chuyển đổi số và rất quyết tâm nhưng nhân viên cấp dưới không biết sếp muốn gì, chuyển đổi như thế nào. Vì vậy, từ ý chí của người lãnh đạo chuyển xuống nhân viên phải cụ thể, mong muốn ra sao, đặt mục tiêu như thế nào. Nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm công sức con người thì mới thực sự gọi là chuyển đổi số, còn nếu chỉ chuyển từ công cụ này sang công cụ kia thì ông Hưng cho rằng không phải là chuyên đổi số.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp chọn thuê các đơn vị công nghệ thông tin (IT) ở bên ngoài, nhưng lựa chọn được đối tác phù hợp không hề đơn giản.
Ngoài việc chọn các đối tác IT theo những tiêu chí truyền thống như uy tín, có năng lực, thì với thời đại công nghệ bùng nổ và cạnh tranh toàn cầu, cần xem xét đến yếu tố trải nghiệm
đối tượng khách hàng cuối cùng, bởi nó có ý nghĩa chiến lược trong việc tạo nên sự khác biệt giữa các sản phẩm, doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý tới vấn đề bảo mật thông tin. Hiện trên thị trường có nhiều nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ và quản lý nguồn dữ liệu của mình. Tuy nhiên, không phải giải pháp bảo mật nào cũng là phù hợp bởi yếu tố nhu cầu và ngân sách.
Ghi nhận hiện nay, có khá nhiều sản phẩm bảo mật của đối tác nước ngoài có nhiều tính năng tiên tiến, có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thông tin cho các hệ thống của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề an ninh là một yếu tố đáng xem xét.
Nhiều báo cáo đã đề cập đến việc các sản phẩm bảo mật của các hãng sản xuất nước ngoài bí mật gắn các mã độc, mở cổng hậu cho phép truy cập, điều khiển thiết bị từ xa. Trong khi việc kiểm định về tính an toàn của các sản phẩm này cũng không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt đối với các sản phẩm đóng gói, mã nguồn đóng. Đây là vấn đề tiếp tục gây ra nhiều sự tranh cãi trong cộng đồng an toàn thông tin.
Một số xu hướng chuyển đổi số trong năm 2019
1. Chatbot
Chatbot là một chương trình máy tính hoặc một trí thông minh nhân tạo (AI) tiến hành một cuộc trò chuyện thông qua phương pháp thính giác hoặc văn bản. Trong năm 2018, nó đã mang lại cho người dùng những trải nghiệm chưa tốt lắm. Theo dự đoán, sẽ có khoảng 40% công ty lớn áp dụng công nghệ này vào cuối năm 2019, biến chatbot trở thành một trong những xu hướng chuyển đổi công nghệ hàng đầu trong năm nay. Dù còn nhiều cảnh báo về AI và chatbot sẽ ảnh hưởng tới lực lượng lao động, nhưng nhiều người tin là các công ty sẽ chọn cách nâng cao tay nghề lao động hơn là thay thế họ, vì máy móc có thể đưa ra yêu cầu rõ ràng hơn, nhưng lại có nhiều điểm không hài lòng về sự đồng cảm và cảm xúc cần có để mang lại trải nghiệm khách hàng tuyệt vời hơn.
2. Phối hợp kết nối với điện toán đám mây (Cloud Computing)
Các công ty đang nhận ra việc chỉ sử dụng riêng lẻ kết nối đám mây công cộng, đám mây riêng tư hay trung tâm dữ liệu không hẳn là lựa chọn tốt nhất. Thỉnh thoảng, họ cần phải kết hợp lại. Vì thế, quá trình kết nối đám mây vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện nhằm bắt kịp nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp như lưu trữ, kết nối, bảo mật hoặc phát triển ứng dụng...
Các nhà cung cấp đám mây công cộng chính trên toàn cần cũng đang bắt đầu đưa ra các tùy chọn đám mây riêng. Multicloud - đám mây đa phương tiện, sẽ là từ ngữ thông dụng mới trong công nghệ sản xuất.
3. Công nghệ chuỗi khối phải được phổ biến hơn
Dù được đánh giá vẫn còn là "mớ hỗn độn", nhưng không thể phủ nhận khả năng ứng dụng của công nghệ này. Những công ty công nghệ đầu ngành như IBM đang nỗ lực biến công nghệ chuỗi khối phổ biến hơn ngoài việc ứng dụng vào tiền mã hóa. Ngành tài chính cũng như vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đang kỳ vọng vào công nghệ mới này. Dù vậy, cho đến nay, công nghệ chuỗi khối dường như vẫn chỉ là một mánh lới tiếp thị hơn là một công nghệ được ứng dụng thực sự.
4. Từ dữ liệu để phân tích tới học máy và AI
Dữ liệu là chìa khóa để các công ty đưa ra quyết định tốt về sản phẩm, dịch vụ, nhân viên, chiến lược và hơn thế nữa. Chỉ trong vòng một năm qua, chúng ta đã tạo ra 90% dữ liệu của thế giới từ trước đến nay, tuy nhiên mới chỉ sử dụng 1% dữ liệu một cách hiệu quả.
Các công ty dẫn đầu thị trường đang quảng bá về dữ liệu có khả năng tạo ra những phân tích kinh doanh có ý nghĩa. Với khả năng xử lý được cải thiện có thể tăng khả năng học máy, chúng ta sẽ chứng kiến các hãng công nghệ hàng đầu như Microsoft, SAP, SAS hay Salesforce sẽ đầu tư vào việc tạo ra nhiều hơn dữ liệu có ý nghĩa hơn, và học máy và AI sẽ giúp làm được điều này. Con số 1% dữ liệu nói trên có thể tăng lên 3% hay 4% vào năm 2020. Đó là một sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng dữ liệu.
5. Xu hướng AR (công nghệ tương tác ảo)
AR tiếp tục là cái tên được nhắc tới nhiều khi nói về xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số trong năm 2019. AR có thể được ứng dụng rộng rãi trong việc đào tạo lao động. Đó là tất cả những gì công nghệ cần có: không chỉ hay ho mà còn phải hữu ích. Một số người cho rằng AR phát triển chậm, nhưng thật ra công nghệ này có thể tăng tốc trong năm 2019.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com