Chuyển đổi số ngành y tế thu hút khu vực tư nhân

0:00 / 0:00
0:00

Việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tại Việt Nam vẫn chỉ ở mức cơ bản, chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân.

Việc khám bệnh từ xa, giao thuốc tận nhà... là bước tiến khá nhanh của chuyển đổi số trong ngành y tế ở Việt Nam.

Việc khám bệnh từ xa, giao thuốc tận nhà... là bước tiến khá nhanh của chuyển đổi số trong ngành y tế ở Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp tham gia

Đầu tháng 10/2020, Nhà thuốc Phano Pharmacy công bố hợp tác với ứng dụng eDoctor. Theo đó, khách hàng không cần đến nhà thuốc mà vẫn chọn mua các loại thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế thông qua ứng dụng và được giao tại nhà. Việc này sẽ được áp dụng tại tất cả các chi nhánh của Phano Pharmacy ở TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đà Nẵng...

Trước thương vụ hợp tác giữa eDoctor và Phano Pharmacy, một doanh nghiệp khác cũng cung cấp dịch vụ bán thuốc online và giao tận nhà là Jio Health. Tuy nhiên, dịch vụ này chủ yếu phục vụ tập khách hàng sử dựng ứng dụng của Công ty.

Một cái tên khác cũng tham gia lĩnh vực chuyển đổi số trong ngành y tế là Medihub - đơn vị có hơn 5 kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo hiển thị và tổ chức sự kiện trong ngành được phẩm. Medihub đang vận hành ứng dụng MDcom, phục vụ đối tượng người sử dụng là bác sĩ với 5.000 thành viên.

Ông Nguyễn Thế Dinh, Tổng giám đốc điều hành Công ty cho biết, với ứng dụng Pharmacom, Medihub lại hướng đến phục vụ 17.000 dược sĩ và hơn 7.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin chuyên sâu của người sử dụng Internet, Medihub hiện là đối tác chiến lược của website alobacsi.

Có thể nói, việc chuyển đổi số trong ngành y ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, khi chi phí chữa bệnh ngày càng tăng cao, trong khi nhân lực không đáp ứng kịp.

Chậm nhưng chắc

Mặc dù Covid-19 đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong ngành y ở Việt Nam, nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận là, việc chuyển đổi số chỉ ở mức cơ bản, chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân. Trong khi đó, yếu tố quyết định sự thay đổi lớn trong ngành này là cơ quan quản lý nhà nước, các bệnh viện công, thì tốc độ chuyển đổi số tại đây khá chậm và chưa đồng bộ.

Điển hình như bệnh án điện tử, một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy toàn bộ quá trình chuyển đổi số của ngành y, vẫn đang trong quá trình hoàn tất. Dù đã có Thông tư 46/2018/TT-BYT hướng dẫn, nhưng theo đại diện các bệnh viện, đây là cơ sở pháp lý để bệnh viện bắt tay thực hiện, còn việc triển khai để đồng nhất chưa có hướng dẫn cụ thể. Hiện cả nước có 1.318 bệnh viện công và theo thông tin mới nhất từ Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện mới có 8 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử.

Bộ Y tế đã chia việc triển khai bệnh án điện tử thành từng giai đoạn thực hiện. Theo đó, giai đoạn I từ năm 2019-2023, các bệnh viện hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định. Giai đoạn II từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Ông Nguyễn Thế Dinh cho rằng, tốc độ chuyển đổi số như hiện nay là phù hợp vì y tế là ngành liên quan đến tính mạng, sức khoẻ con người, nên không thể đẩy nhanh tiến độ như các ngành thương mại. So với 5 năm trước, việc khám bệnh từ xa, giao thuốc hay yêu cầu bác sĩ đến khám tận nhà thông qua các thiết bị di động là những dịch vụ rất khó triển khai ở Việt Nam, thì nay đã có đủ, nên có thể xem đây là bước tiến khá nhanh của chuyển đổi số trong ngành y tế.

“Nhìn chung, với định hướng cụ thể từ Bộ Y tế cùng tốc độ phát triển của công nghệ, chúng tôi tin chuyển đổi số trong lĩnh vực này sẽ tăng tốc trong thời gian tới”, ông Dinh nói.

Tin bài liên quan