Chuyển đổi số ngành logistics: Chìa khóa cạnh tranh trong thị trường 42 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường logistics Việt Nam với quy mô 40-42 tỷ USD/năm đang cạnh tranh nóng. Chìa khóa thành công chính là chuyển đổi số hoạt động của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số ngành logistics: Chìa khóa cạnh tranh trong thị trường 42 tỷ USD

Đột phá từ chuyển đổi số

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của ngành logistics. Trong năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, Cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép liên tục thiết lập kỷ lục sản lượng xếp dỡ tàu mẹ từ 14.235 TEU lên 15.615 TEU, đồng thời thiết lập mức kỷ lục mới về năng suất xếp dỡ đạt 238,08 container/giờ trên tàu One Columba thuộc tuyến dịch vụ FPE, tiếp tục vượt sản lượng thông qua 2 triệu TEU, góp phần tăng trưởng toàn hệ thống hơn 4,7% và đảm nhận dịch vụ trên 55% thị phần sản lượng container xuất, nhập khẩu thông qua các cảng biển cả nước.

“Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cả trong hoạt động, giao dịch nội bộ, cũng như trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Tân Cảng Sài Gòn mở rộng phạm vi áp dụng chữ ký số cho trên 65% đầu mục công văn, tài liệu, giao dịch nội bộ; điện tử hóa hầu hết các dịch vụ cho khách hàng... Nhờ đó, Tổng công ty hoàn toàn chủ động trong giao dịch với khách hàng và duy trì hoạt động giao nhận thông suốt”, ông Phạm Văn Phèn, Phó tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn cho biết.

Hay như Gemadept đã vượt qua 1 năm thách thức với mức tăng trưởng sản lượng 2 con số ở cả 3 miền. Tổng sản lượng khai thác cảng của Gemadept ước đạt 2,7 triệu TEU, tăng trưởng ấn tượng 53%. Thành công đó đến từ việc Gemadept số hóa quy trình khai thác cảng và logistics, triển khai thành công các phần mềm tiên tiến nhằm liên tục cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình khai thác, quản trị, thực hiện đăng ký lệnh và thanh toán trực tuyến, từ đó thiết kế các giải pháp logistics thông minh, tối ưu hóa thời gian, nguồn lực và tiết kiệm chi phí cho khách hàng.

Trong khi đó, Viettel Post ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 21.452 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 295,89 tỷ đồng. Để đạt được điều này, Viettel Post đã không ngừng chuyển đổi số, linh hoạt thích ứng với mọi biến động của tình hình xã hội.

Hàng loạt doanh nghiệp logistics khác như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics… cũng đang bước vào cuộc đua chuyển đổi số. Chuyển đổi số thực sự trở nên cấp thiết, trở thành chìa khóa để doanh nghiệp logistics vượt qua khó khăn, cạnh tranh và tăng tốc phát triển.

Cơ hội và thách thức song hành

Mặc dù nhận thức được hiệu quả của chuyển đổi số sẽ nâng cao năng suất lao động trong ngành dịch vụ logistics khoảng 30 - 35% tùy theo nền tảng số ứng dụng, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp trong ngành thực hiện chuyển đổi số. Những doanh nghiệp chậm chân sẽ rất bất lợi trong cuộc cạnh tranh sắp tới.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept, xu hướng thương mại điện tử, xu hướng tích hợp sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình logistics từ truyền thống sang logistics hiện đại. Các công ty logistics lớn, đặc biệt là các hãng tàu, sẽ tích hợp mọi hoạt động trên biển, trên bộ, trên không thành một chủ thể đồng bộ. Với lợi thế về công nghệ, nền tảng kết nối (platform) hiện đại, họ sẽ có khả năng chiếm lĩnh thị phần lớn cả quốc tế lẫn nội địa.

“Trong 1-2 năm tới, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng bất lợi đến các chuỗi cung ứng và hoạt động logistics. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam do đã có kinh nghiệm vượt qua năm 2020, 2021. Các doanh nghiệp cần chủ động lựa chọn hướng đi và phương án đối phó phù hợp; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường liên kết, hợp tác với nhau; tính toán hợp tác với các công ty lớn để có thể thích ứng linh hoạt, tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển”, ông Bình khuyến nghị.

Tại Tọa đàm Chính sách trong lĩnh vực logistics, do Bộ Công thương, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận xét, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu đặt ra những thách thức cho ngành logistics Việt Nam. Với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, hiện nay các trung tâm logistics kiểu truyền thống đã dần chuyển đổi sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 để đạt hiệu quả, năng suất cao hơn.

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Con Ong đề nghị, Chính phủ coi logistics là ngành công nghiệp hỗ trợ để có chính sách phù hợp. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục hiện đại hóa quá trình quản lý trong lĩnh vực logistics. Cho phép doanh nghiệp gia công đóng gói, dán nhãn hàng hóa tại kho ngoại quan. Tạo sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng như: hải quan, cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu… giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Áp dụng công nghệ quản lý mới, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo ông Kim Sam Mo, Tổng giám đốc Công ty Kukdong Logistics, Việt Nam cần hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử). Trong đó, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất, thì việc nhận và xử lý nghiệp vụ sẽ tiết kiệm nhiều thời gian.

Tin bài liên quan