Ngân hàng số là lĩnh vực sẽ thay đổi cục diện ngành tài chính

Ngân hàng số là lĩnh vực sẽ thay đổi cục diện ngành tài chính

Chuyển đổi số, ngân hàng không thể chậm chân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không nằm ngoài xu hướng chung, các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động để gia tăng tiện ích cho người dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cuộc đua quyết liệt

Theo báo cáo về ngân hàng hợp kênh của Backbase, 90% đại diện ngân hàng được hỏi cho biết, sẽ tăng chi cho công nghệ nhằm phát triển các nền tảng giao dịch trực tuyến tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng; 56% ngân hàng tham gia khảo sát cho rằng, tương tác giữa khách hàng với các nền tảng số sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giữ chân khách hàng.

Trong khi đó, khảo sát về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam cho thấy, 42% tổ chức tín dụng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh, 11% đã phê duyệt và triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.

Phần lớn các tổ chức tín dụng tham gia khảo sát hiện đang triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số như chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử. Có 41,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng triển khai dịch vụ đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số.

Ngoài ra, có tới 73% tổ chức tín dụng số hóa quy trình hoạt động liên tục, 47,6% số hóa hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, 42,8% thực hiện chữ ký điện tử và số hóa chữ ký nội bộ.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, chuyển đổi số - số hóa hoạt động ngân hàng đem lại nhiều kênh để tạo ra phương thức giao tiếp mới, không chỉ đem lại hiệu quả dịch vụ, mà còn đề cao trải nghiệm người dùng. Việc ứng dụng công nghệ giúp Nam A Bank có nhiều cơ hội để tiếp cận và mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với giá cả hợp lý đến những thị trường rộng lớn mà người dân chưa có tài khoản và chưa có cơ hội tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn…, góp phần gia tăng và phổ cập dịch vụ tài chính toàn diện đến người dân.

Theo ông Tâm, trong những năm tới, số hóa vẫn là chiến lược mũi nhọn của Nam A Bank, với mục tiêu quản trị điều hành trên nền tảng số, tạo ta các sản phẩm, dịch vụ khác biệt, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Ảnh tác giả

Trong cuộc đua phát triển ngân hàng số hiện nay, các ngân hàng đều có thể tiếp cận những công nghệ mới nhất. Do đó, ngân hàng nào am hiểu khách hàng để phát triển những dịch vụ phù hợp dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể vượt lên.

Ông Dư Xuân Vũ, Giám đốc Khối Công nghệ OCB

Tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc cho chia sẻ, Ngân hàng sớm xác định công nghệ là trụ cột trong chiến lược phát triển, đặc biệt chú trọng vào việc đầu tư để chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của Ngân hàng, phù hợp với xu hướng công nghiệp 4.0. Hai mục tiêu chính mà Sacombank hướng đến trên hành trình chuyển đổi số là tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động.

Ông Dư Xuân Vũ, Giám đốc Khối Công nghệ OCB nhận định, trong cuộc đua phát triển ngân hàng số hiện nay, các ngân hàng đều có thể tiếp cận những công nghệ mới nhất. Do đó, ngân hàng nào am hiểu khách hàng để phát triển những dịch vụ phù hợp dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể vượt lên. Vì sớm nhận thức được điều này, từ năm 2018, OCB đã ra mắt nền tảng ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam - OCB OMNI, giúp khách hàng có trải nghiệm đồng nhất tại nhiều kênh giao dịch khác nhau.

Đến nay, OCB OMNI là nền tảng ngân hàng số đáp ứng hầu hết các dịch vụ tài chính. Khách hàng của OCB có thể trải nghiệm gần như toàn bộ tiện ích, dịch vụ ngân hàng trên kênh online hoàn toàn miễn phí mà không cần đến chi nhánh.

OCB kỳ vọng, ngân hàng số sẽ phát triển ít nhất 50% khách hàng mới và 95% giao dịch của khách hàng sẽ thực hiện online. Ngân hàng số sẽ là kênh chủ lực và có thể là quan trọng nhất để đóng góp trực tiếp vào các chỉ số của Ngân hàng như tiền gửi không kỳ hạn, dư nợ, khách hàng mới, giao dịch, chi phí vận hành. Tuy không nhắm đến chỉ tiêu đứng đầu về số lượng người dùng ngân hàng số, nhưng OCB tự tin có thể trở thành kênh ngân hàng điện tử tốt nhất về tỷ trọng giao dịch, nền tảng dịch vụ.

Nhận định về cuộc đua số hóa của các ngân hàng thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, đó là xu thế tất yếu. Đầu tư công nghệ là đầu tư hiệu quả. Đối với các ngân hàng, chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ khá lớn, nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài. Phần đầu tư công nghệ của ngân hàng có thể tăng chi phí hoạt động ban đầu, song doanh thu và lợi ích đem về cho ngân hàng là lớn gấp đôi, gấp ba. Hơn nữa, các ngân hàng chuyển đổi số là vì khách hàng. Khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn, chỉ thích giao dịch ngân hàng số, nhất là khi dịch Covid-19 xảy ra.

Thay đổi cục diện ngành tài chính

Ông Vũ dự báo, ngân hàng số là lĩnh vực sẽ thay đổi cục diện ngành tài chính. Một ngân hàng truyền thống để bứt phá thứ hạng về quy mô khách hàng, tài sản, dư nợ có thể mở thêm chi nhánh, tăng lực lượng bán hàng, nhưng sẽ mất nhiều thời gian. Phát triển ngân hàng số là con đường đầu tư đúng đắn để các ngân hàng có thể đi nhanh hơn.

“OCB là một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực số hóa và tiếp tục đầu tư nhanh hơn, nhiều hơn và quan trọng là mới hơn so với thị trường, vì chúng tôi không muốn bị tụt lại. Chúng tôi dành ra tỷ lệ ngân sách đáng kể hàng năm cho hoạt động công nghệ nói chung và ngân hàng số nói riêng”, ông Vũ nói.

Tương tự, bà Diễm cho biết, chuyển đổi số đã tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ và mang lại hiệu quả to lớn cho Sacombank. Bên cạnh việc gia tăng năng suất lao động và chất lượng công việc đáng kể, Ngân hàng còn tiết kiệm được một khoản lớn chi phí điều hành và chi phí nhân sự khi áp dụng quy trình tác nghiệp điện tử, hội họp trực tuyến; thời gian xử lý hồ sơ cũng được cải thiện nhiều so với trước đây.

“Hơn thế, khi chúng tôi đáp ứng được các nhu cầu về tài chính, thanh toán điện tử phù hợp với xu hướng, thì năng lực cạnh tranh cũng tăng lên, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Thu dịch vụ qua các kênh ngân hàng số trong vài năm gần đây của Sacombank tăng trưởng trung bình trên 25%/năm, doanh số thanh toán không tiền mặt mỗi năm tăng 50%”, bà Diễm nói.

Ông Jeetendra Kumar, Giám đốc điều hành Pitney Bowes nhận định, sự bùng nổ của công nghệ đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ khi 73% khách hàng trải nghiệm thương mại hóa và 89% khách hàng đã thay đổi những kênh mua sắm từ truyền thống sang mua sắm online, nhất là kể từ khi đại dịch xảy ra. Vì thế, việc thanh toán cũng sẽ được thực hiện bằng online và điều này đòi hỏi ngân hàng phải đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Các nhà băng không thể chậm chân trong chuyển đổi số, mà phải gia tăng đầu tư, chuyển đổi số theo từng năm để thu hút người dùng.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hàng ngày, hàng giờ làm thay đổi diện mạo các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, hay các ngành dịch vụ khác trên thế giới.

Ngành ngân hàng đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine learning), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán, điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng.

Sự xâm nhập của các gã khổng lồ về công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành dịch vụ tài chính, phá đi tính độc tôn của ngân hàng trong lĩnh vực này.

Một nhân tố nữa góp phần tạo nên cách mạng trong ngành tài chính số, đó là sự tham gia sâu rộng của các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech). Với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn, công nghệ số đang dần khiến các ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò của công nghệ trong thời đại mới.

Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, quá trình tái tạo số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới: trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; an toàn bảo mật hơn.

Theo ông Hòe, Ngân hàng Nhà nước đã công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60 - 70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói. Tuy nhiên, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức, đòi hỏi thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, nguồn nhân lực để nắm bắt, kiểm soát, xử lý những rủi ro mới một cách hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của người dùng.

Tin bài liên quan