Chuyển đổi số nên bắt đầu từ bước nhỏ nhất

Chuyển đổi số nên bắt đầu từ bước nhỏ nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số doanh nghiệp là quá trình đi qua ba giai đoạn: số hóa dữ liệu, số hóa ứng dụng, quy trình - chuyển đổi số. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công cần bắt đầu từ công đoạn nhỏ và chi tiết nhất.

Sáng ngày 9/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hewlett Packard Enterprise (HPE) Việt Nam, CTCP Công nghệ Elite và Aruba đã tổ chức hội thảo, tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi số - Từ chính sách đến giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định chuyển đổi số có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh chưa được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều tác động tiêu cực.

Tại các trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP. HCM, doanh nghiệp trong nước đã xác định hoạt động sản xuất kinh doanh cần sống chung với dịch bệnh. Do đó, dù Covid-19 là thảm họa với nhân loại, song dịch bệnh cũng là cú hích quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhanh gấp 5 lần so với bình thường.

Ông Tôn Anh Dũng, Giám đốc Sản phẩm CTCP Công nghệ Elite cho rằng chuyển đổi số là khái niệm quen thuộc, song chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu về nó.

“Xung quanh chúng ta ngày ngày vẫn có nhiều hoạt động chuyển đổi số nhưng chúng ta không nhận ra. Ví dụ, việc gắn chíp điện tử cho căn cước công dân là một hình thức của chuyển đổi số nhằm tích hợp thông tin cá nhân trên hệ thống. Các sàn thương mại điện tử thường tổ chức những ngày hội siêu sale cũng là chuyển đổi số để cộng đồng thay đổi thói quen mua sắm trực tiếp sang trực tuyến”, ông Dũng phân tích.

Trước thực tế đó, bà Dương Hạnh Phúc, Giám đốc Tiếp thị HPE Việt Nam chia sẻ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tăng tốc chuyển đổi số đồng thời đảm bảo mọi hoạt động diễn ra thông suốt, phục hồi sản xuất kinh doanh nhanh hơn trong và sau đại dịch Covid 19. Đồng thời, dữ liệu vẫn được bảo mật tuyệt đối, ở mức chi phí đầu tư vừa phải thông qua tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin.

Chưa khi nào, xu hướng chuyển đổi số lại tăng nhanh như hiện nay. Nếu như trước kia, sản phẩm của các nhà cung cấp giải pháp còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp cận khách hàng, thì đến nay, mọi thứ hoàn toàn thay đổi.

Hiện có đến 60,6% doanh nghiệp tham gia cuộc chơi chuyển đổi số, tăng trưởng mạnh so với trước khi Covid-19 xuất hiện. Các đơn vị cung cấp giải pháp cũng được hoạt động năng nổ hơn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn vấp phải nhiều rào cản.

“Hiện nay, doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp, thiếu nền tảng công nghệ thông tin, mô hình chuyển đổi số không phù hợp,…” ông Phòng nhấn mạnh.

Đó là những rào cản của doanh nghiệp, song cũng là thách thức với các nhà sản xuất phần mềm cần đưa ra những giải pháp phù hợp với nhu cầu, khả năng của từng doanh nghiệp.

Mặt khác, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, lý do khiến doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại bắt nguồn từ việc lựa chọn giải pháp phần mềm không phù hợp với quy mô doanh nghiệp, hay chi phí cao không đáp ứng được nhu cầu tài chính của doanh nghiệp...

Do đó, doanh nghiệp nên đi từ những điều nhỏ nhất, từ bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số là số hóa, tức chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản hệ thống bên ngoài thành những dữ liệu dạng tín hiệu số được máy tính hiểu và lưu trữ rồi mới đi đến những bước cao hơn.

Ông Khương thông tin thêm rằng, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có tài liệu hướng dẫn, lộ trình, công cụ đánh giá và sự tư vấn cụ thể của chuyên gia để doanh nghiệp được hỗ trợ tốt nhất trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh cuộc chơi số hóa, ông Hoàng Quang Phòng cũng nhìn nhận bản thân các doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong dịch; kết nối chặt chẽ với các đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường để mang lại hiệu quả kinh doanh tối đa.

Tin bài liên quan