Chuyển đổi số, một cách thức tìm cơ trong nguy

Chuyển đổi số, một cách thức tìm cơ trong nguy

(ĐTCK) Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp "mở hầu bao" đầu tư cho chuyển đổi số.

Đại dịch Covid-19 hay bất cứ một sự biến động lớn nào xảy ra trong đời sống kinh tế - xã hội đều là lúc các doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động của mình trước nguy cơ sống còn. Chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ thông tin để cân đối bài toán chi phí - lợi nhuận một cách tối ưu nhất chính là một trong những cách thức giúp doanh nghiệp tìm được cơ hội trong khó khăn, thậm chí có thể chuẩn bị và phòng tránh được nguy cơ từ trước khi xảy ra.

Thời điểm thích hợp để "mở hầu bao"

Các biến cố như đại dịch Covid-19 không dự báo trước được, do đó, doanh nghiệp phải luôn hình dung trước những rủi ro có thể xảy ra, rằng có thể đến một thời điểm nào đó, những điều kiện thuận lợi hay bình thường của ngày hôm nay đột nhiên biến mất.

Việc áp dụng những công nghệ mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh doanh tốt trong khi không nhất thiết phải mất quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu hoặc gặp phải những rủi ro không đáng có.

Ví dụ, công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) giải phóng doanh nghiệp khỏi việc đầu tư toàn bộ hệ thống máy tính lưu trữ dữ liệu; công nghệ in 3D giúp doanh nghiệp chủ động được việc chế tạo sản xuất thử và sáng tạo kiểu dáng sản phẩm; ngân hàng số giúp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng…

Nói tóm lại, việc các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho tất cả các bên, đặc biệt là trong dài hạn.

Ðầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số nên làm “ra tấm ra món” hay có thể triển khai dần, hiện rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn về vấn đề này vì e ngại một khoản đầu tư lớn hoặc chuyện “con gà quả trứng”.

TS. Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Thật khó để đưa ra một câu trả lời đúng cho tất cả các doanh nghiệp. Ðối với các tập đoàn lớn, việc đầu tư lớn cho công nghệ và chuyển đổi số là thiết yếu và đem lại thay đổi sâu rộng cho toàn bộ hệ thống của doanh nghiệp. Có thể nói, trong công cuộc này, các tập đoàn lớn chậm trễ ngày nào, lợi nhuận có thể mất đi càng lớn.

Ðối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, nguồn tài chính của họ là hạn hẹp trong khi phải cân đối cho nhiều nhu cầu khác nhau, vì vậy, họ nên đặt ra kế hoạch phân kỳ đầu tư. Theo đó, các khoản chi dành cho công nghệ và chuyển đổi số có thể được thực hiện theo từng giai đoạn với quy mô phù hợp.

Ðối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, việc đầu tư lớn vào công nghệ có thể đem lại thành công với tăng trưởng cực lớn so với các mô hình kinh doanh thông thường, nhưng cũng có thể đốt một lượng lớn tiền của các nhà đầu tư mà kết quả kinh doanh không đi đến đích.

Riêng đối với các doanh nghiệp vừa, đây là thời điểm thích hợp để họ đầu tư vào chuyển đổi số và công nghệ, vì tiềm lực của họ vẫn còn sau giai đoạn khủng hoảng, đồng thời các nhà cung cấp hiện cũng đang phải cơ cấu lại danh mục và chi phí sản phẩm cho phù hợp với thị trường.

Tạo lập hệ sinh thái khuyến khích doanh nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã chủ động báo cáo đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 từ năm 2019.

Bộ đã xây dựng dự thảo Chiến lược lần đầu, lấy ý kiến các bộ, ngành, báo cáo lãnh đạo Chính phủ và được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo.

Từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã lấy ý kiến các bộ, ngành lần thứ hai về dự thảo chiến lược và đang tổng hợp các ý kiến góp ý. Dự thảo Chiến lược sẽ được trình lãnh đạo Bộ xem xét, báo cáo Chính phủ trong một vài tuần tới.

Dự thảo Chiến lược bao gồm một số giải pháp chính, liên quan đến những lĩnh vực như cải cách thể chế và nâng cao năng lực xây dựng chính sách, phát triển hạ tầng kết nối và cơ sở dữ liệu, chú trọng đặc biệt đến Internet 5G, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và đầu tư phát triển một số công nghệ tiêu biểu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp có thể tận dụng hoặc thay đổi như thế nào để có được các cơ hội từ sự chuyển đổi chính sách này? Ðối với ba cuộc cách mạng công nghiệp lần trước, Việt Nam đã bị lỡ nhịp và chỉ được nghe câu chuyện lịch sử rất lâu sau đó.

Còn đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có cơ hội không nhỏ nếu có thể tăng tốc trong các lĩnh vực của quá trình số hoá. Việt Nam đang không chỉ chứng kiến cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra, mà đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực sự đang tham gia và có được những thành công bước đầu với cuộc cách mạng này.

Với việc chuyển đổi chính sách, theo đó các cơ quan Chính phủ, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp nỗ lực tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ có nhiều hơn những phần mềm giáo dục đứng trong Top đầu thế giới như GotIt, nhiều hơn những sàn thương mại điện tử thành công như Sendo, Tiki hay các mô hình ứng dụng nền kinh tế chia sẻ như Logivan, Luxstay…

Ðây chính là những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt được ít nhiều thành công với việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (artificialintelligence).

Về mặt quản lý nhà nước, trước hết, cần nhận thức đầy đủ được những lợi ích và hạn chế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trước khi có thể tạo ra được khung khổ pháp luật thuận lợi cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ và thông tin để làm cơ sở cho việc các doanh nghiệp áp dụng và triển khai được các công nghệ mới một cách thuận lợi nhất.

Năng lực và kỹ năng của người lãnh đạo, người lao động ở cả khu vực công và tư cần được liên tục tăng cường. Thị trường các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư nhân cũng cần được tạo điều kiện để phát triển.

Tất cả những điều này đều nhằm hướng đến việc tạo lập một hệ sinh thái có năng lực, dễ tiếp cận và mang vai trò khuyến khích, động viên các doanh nghiệp tăng trưởng, phát huy được tối đa năng lực đổi mới, sáng tạo của các cá nhân đóng vai trò sáng lập các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.

Tin bài liên quan