Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Chuyển đổi số, cuộc chơi “đổi vận” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) Chuyển đổi số đang là xu hướng trên toàn thế giới, nhưng tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dường như vẫn chưa thực sẵn sàng cho quá trình này.

Dù rất muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, giảm bớt các chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, song nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sự kiện Ngày hội Doanh nhân mới đây cho biết, họ gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ vì hai bên chưa có “tiếng nói chung”.

“Bản thân doanh nghiệp cũng còn hạn chế về tư duy, kiến thức về chuyển đổi số do chưa có sự đào tạo bài bản trong lĩnh vực này, trong khi đối với việc cung ứng giải pháp công nghệ, doanh nghiệp phải tiếp cận với nhiều thuật ngữ chuyên ngành.

Việc gặp khó khăn ngay từ ban đầu, cộng thêm khả năng nắm vững công nghệ mới còn bỏ ngỏ nên chúng tôi không dám mạnh tay đầu tư cho chuyển đổi số”, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm chia sẻ.

Cũng theo vị này, bên cạnh hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức chuyển đối số, nhân lực để vận hành nền tảng công nghệ số mới cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp.

Theo một báo cáo mới đây của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số do chưa nhận thức đúng vai trò của quá trình này.

Báo cáo của VCCI cho thấy, tuy chiếm tới gần 98% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có đến 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Bộ Công thương, có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp trước xu hướng tham gia ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp mới bắt đầu biết về chuyển đối số chiếm tới trên 80%.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam chia sẻ, thời gian qua, các khái niệm “nền kinh tế số”, “chuyển đổi số” được nhắc tới rất nhiều, song với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiểu biết thực sự về vấn đề này để đưa vào ứng dụng còn rất hạn chế.

“Với phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì các khái niệm trên mới chỉ “nghe”, chứ để hiểu về chuyển đổi số, kinh tế số còn là quá trình dài, vì chúng ta chưa có sự phổ cập chính thức về chuyển đổi số nên cộng đồng doanh nghiệp rất thiếu thông tin về hoạt động này.

Khi Việt Nam gia nhập kinh tế số toàn cầu thì cơ hội là rất lớn, song trụ cột nền kinh tế nằm ở khu vực doanh nghiệp với 98% có quy mô nhỏ và vừa vốn chưa hình dung cụ thể chuyển đổi số là gì, nên đây là điều đầu tiên cần phải giải quyết.

Doanh nghiệp phải hiểu thì mới nắm được giá trị, từ đó đưa vào chiến lược kinh doanh. Khi cả cộng đồng doanh nghiệp cùng chung một kế hoạch, trong đó có kinh tế số và chuyển đổi số, thì lúc đó trụ cột kinh tế số mới có thể phát huy hiệu quả”, ông Hùng phân tích.

Với phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì các khái niệm trên mới chỉ “nghe”, chứ để hiểu về chuyển đổi số, kinh tế số còn là quá trình dài.   

Cũng theo vị này, đây là lý do vì sao cần phối hợp giữa các chuyên gia và công ty công nghệ hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp nắm bắt về chuyển đổi số theo hướng cầm tay chỉ việc, dìu họ đi những bước đầu tiên.

Bên cạnh đó, để trả lời câu hỏi về nguồn lực cho chuyển đổi số, ông Hùng cho rằng, cần cung cấp một nền tảng huy động vốn, cũng như một hệ sinh thái đầy đủ mới có thể hy vọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa bước vững chắc trong xu thế toàn cầu này.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, nền tảng kỹ thuật số dựa trên 3 cấu phần: Một là hạ tầng cơ sở kỹ thuật số, bao gồm máy điện toán, Internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông nhanh chóng…; hai là cơ chế, quy trình để vận hành các cơ sở đó; ba là mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, một trong đó là thương mại điện tử.

“Với 3 cấu phần này, doanh nghiệp cần nắm bắt được hiện tại Việt Nam đang ở mức độ nào của quy mô hạ tầng cơ sở, thế chế đã hoàn thiện ở mức nào và mô hình kinh doanh đang ở đâu để có thể định vị, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư và chuyển đổi.

Bên cạnh đó, các nhà quản trị của doanh nghiệp cũng phải thực sự quyết tâm dần thoát khỏi mô hình kinh doanh truyền thống để đi vào mô hình kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, từ đó mới có chiến lược đầu tư cụ thể vào công nghệ và nguồn nhân lực, đưa doanh nghiệp bước vào giai đoạn phát triển mới”, ông Hiếu phân tích.

Tin bài liên quan