Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới vẫn có những ngân hàng chưa thực hiện số hóa và vận hành như truyền thống, song kết quả kinh doanh vẫn đạt mục tiêu đặt ra. Ông nhận định gì về thực tế này?
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV |
Quá trình chuyển đổi số thường diễn ra trong thời gian dài, mà một số ngân hàng đang trong “vòng an toàn” nên vẫn hoạt động theo phương thức cũ. Một số ngân hàng lại chọn phương án xây dựng ngân hàng số hoàn toàn độc lập với ngân hàng hiện tại, thay vì chuyển đổi dần từ ngân hàng truyền thống.
Tuy nhiên, hiện nay, số hóa đã trở thành xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, đặc biệt với lĩnh vực ngân hàng. Tổ chức nào, đất nước nào chuẩn bị tốt, triển khai sớm thì sẽ có lợi thế để vượt lên phía trước. Tại Việt Nam, chúng ta cũng được chứng kiến thành công bước đầu của những ngân hàng đầu tư mạnh mẽ cho số hóa.
Để có được thành công bước đầu đó chắc hẳn gặp không ít khó khăn?
Đúng vậy, trước tiên, tôi muốn đề cập đến hành lang pháp lý. Hiện tại, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số như Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Nghị quyết 50/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW…
Theo đó, hạ tầng thanh toán quốc gia đang được phát triển đồng bộ, thống nhất, một số cơ chế thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đang được hoàn thiện. Thế nhưng, hành lang pháp lý cho thanh toán điện tử lại chưa được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Giao dịch điện tử sửa đổi - được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử, bao gồm cả hoạt động thanh toán điện tử, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (sửa đổi), Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử gần nhất, về cơ bản các nội dung đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử bùng nổ như hiện nay, giúp các ngành, lĩnh vực, bao gồm cả ngân hàng, có cơ sở pháp lý hoàn thiện để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử, chuyển đổi số thành công.
Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất, phù hợp với thực tiễn, chẳng hạn dự thảo đang quy định đối tượng áp dụng là các giao dịch điện tử tại Việt Nam, điều này được hiểu đây là các giao dịch phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng thực tế, các giao dịch điện tử được thực hiện trên môi trường mạng internet (việc giao dịch có thể diễn ra giữa tổ chức/cá nhân tại Việt Nam với tổ chức/cá nhân tại nước ngoài) nên việc xác định giao dịch “tại Việt Nam” hay không sẽ phức tạp, khó khăn.
Vấn đề thứ hai là nhân sự. Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên nền tảng số nhằm tối ưu hóa hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng đòi hỏi nhân lực tại ngân hàng phải chuyển đổi tư duy và cập nhật các kiến thức mới. Muốn chuyển đổi số hiệu quả thì phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh, cho nên ngân hàng phải xây dựng phương án đào tạo lại nhân sự để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, triển khai các phương án, chương trình đãi ngộ, giữ chân nhân sự chất lượng cao.
Muốn chuyển đổi số hiệu quả thì phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh.
Hiện nay, các ngân hàng đang tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa, dẫn đến việc tăng nhu cầu về các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin (IT), dữ liệu… Tuy nhiên, điểm yếu của các nhân sự IT trên thị trường hiện tại là chưa có nhiều ứng viên có kinh nghiệm sâu về chuyển đổi số do đây là lĩnh vực mới và chỉ phát triển trong vài năm trở lại đây. Ngoại ngữ, tư duy kinh doanh, kỹ năng giao tiếp… đều không phải là lợi thế của các ứng viên mảng IT, do đó, ngân hàng cần xây dựng chiến lược đào tạo phù hợp để đảm bảo chất lượng nhân sự, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Vấn đề thứ ba là văn hóa doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, ngân hàng cũng cần đặc biệt chú trọng thay đổi nhận thức, sự vào cuộc của toàn thể người lao động. Chính vì vậy, có thể nói, văn hóa doanh nghiệp chính là chìa khóa trong chuyển đổi số. Ngân hàng cần thiết lập một nền văn hóa vững chắc và sẵn sàng cho sự đổi mới trong quá trình chuyển đổi số.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm về vấn đề này tại BIDV. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Ngân hàng hàng xác định văn hóa doanh nghiệp là một trong những trụ cột phát triển, làm nền tảng tăng cường sự gắn kết với cán bộ, nhân viên và khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập và chuyển đổi số.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng mở (Open Banking), các giao diện lập trình ứng dụng (API) là “cây đũa thần” để thúc đẩy tiến trình số hóa trong hệ thống ngân hàng nhanh hơn. Ông bình luận gì về vấn đề này và Open Banking, API đã được BIDV triển khai ra sao?
Việc chuyển sang OpenBanking với các API mở, không đơn thuần là việc triển khai về công nghệ, mà sự phát triển của mô hình kinh doanh theo hướng ngân hàng dịch chuyển việc sáng tạo đối với các nhu cầu dịch vụ cho các công ty Fintech (công nghệ tài chính). Tại đó, các Fintech với lợi thế am hiểu công nghệ, nhu cầu khách hàng, được chủ động sử dụng các API do ngân hàng cung cấp để phát triển dịch vụ, tiện ích trên sản phẩm của chính mình. Với sự kết hợp của nhiều công ty Fintech, một sự đột phá mạnh mẽ sẽ diễn ra trong quá trình số hóa ngân hàng với nhiều nội dung mới và dịch vụ mới dành cho khách hàng.
BIDV đang sỡ hữu số lượng kết nối trực tiếp rộng lớn với khách hàng qua hệ sinh thái mở với các ứng dụng như iBank, PayGate, thanh toán đa phương, thu chi hộ… với nhiều công ty Fintech và hơn 1.500 nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp cho khách hàng đa dạng các loại hình dịch vụ, từ dịch vụ tài chính đến phi tài chính. Bên cạnh đó, BIDV đang sở hữu nền tảng khách hàng số phong phú, bao gồm cả cá nhân, doanh nghiệp và khách hàng cao cấp, trong đó gần 50% là khách hàng trẻ và có sự tăng trưởng cao qua từng năm.
BIDV cũng đã hoàn thành việc xây dựng tầng hiện đại dành cho Open API - BIDV SmartConnect vào tháng 9/2022 với tốc độ lên tới 5.000 giao dịch/giây, với các kết nối, chia sẻ được bảo mật theo nhiều cấp độ, từ phần mềm đến hạ tầng phần cứng chuyên dụng, được thiết kế theo chuẩn Open Banking v3.0.
Theo đó, BIDV đã khẳng định định hướng tiên phong và luôn đồng hành cùng các công ty cung cấp dịch vụ trong việc giúp “mở khóa” giá trị dữ liệu, tạo ra các API mới, dịch vụ mới, cũng như cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng… với khả năng thích ứng, chuyển đổi mạnh mẽ, đồng nghĩa với lợi ích sẽ gia tăng.
Ông có thể chia sẻ định hướng và lộ trình chuyển đổi mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở của BIDV trong thời gian tới?
Sự kiện Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Khi đó, mô hình kinh doanh trực tiếp bị gián đoạn, khách hàng gần như chỉ giao tiếp với ngân hàng qua ứng dụng của ngân hàng hoặc các nền tảng có kết nối trực tiếp với ngân hàng.
Tuy nhiên, nhìn từ chiến lược kinh doanh, đây cũng là thời điểm chín muồi để các ngân hàng chủ động chuyển sang mô hình kinh doanh dịch vụ trực tiếp với các nền tảng của đối tác thứ ba với nhiều khách hàng và ứng dụng hơn, thay vì các kênh truyền thống và đối tác có kết nối trực tiếp.
Dẫu vậy, đây cũng là thách thức lớn cho ngân hàng trước yêu cầu cần phải mở rộng hệ sinh thái với áp lực chuyển đổi, kết nối nhiều hơn, cũng như cần thúc đẩy tốc độ vòng đời sản phẩm... để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Là đơn vị tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số, BIDV đã, đang và sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh sự dịch chuyển mô hình kinh doanh truyền thống sang hệ sinh thái mở không chỉ trên nền tảng công nghệ, dịch vụ, mà dựa trên tổng thể các nhóm giải pháp: Khách hàng và thị trường; kênh và sản phẩm; quy trình và vận hành; hệ sinh thái số; mô hình và quản trị; nhân lực và văn hóa số; quy định và tuân thủ.
Đây cũng là một hành trình đưa BIDV đến một thị trường mới rộng lớn hơn, mà tại đó, các dịch vụ của BIDV được sử dụng và được kết hợp trên các ứng dụng của đối tác thứ ba, không phân biệt về nền tảng công nghệ và địa lý.