Điều cót lõi là để hộ kinh doanh thấy được “lợi ích” lớn hơn “chi phí” khi trở thành doanh nghiệp

Điều cót lõi là để hộ kinh doanh thấy được “lợi ích” lớn hơn “chi phí” khi trở thành doanh nghiệp

Chuyển đổi hộ kinh doanh: Cẩn trọng bẫy “khoác áo” doanh nghiệp

(ĐTCK) Tại một hội thảo được tổ chức mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến cáo, chương trình khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp đang tiềm ẩn nguy cơ rơi vào bẫy “khoác áo” doanh nghiệp cho hộ kinh doanh.

Theo ông Hiếu, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp, để đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 như Chính phủ đề ra, thì số doanh nghiệp cần thành lập mới là rất lớn. Thực tế này cho thấy, để hoàn thành chỉ tiêu, rất dễ xảy ra khả năng cơ quan quản lý sẽ dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

“Nếu áp dụng cách làm này, chúng ta sẽ dễ rơi vào bẫy ‘khoác áo’ doanh nghiệp cho hộ kinh doanh, chỉ đạt số lượng mà không có chất lượng. Muốn thúc đẩy chính thức hóa hộ kinh doanh thì nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Điều cót lõi là để hộ kinh doanh thấy được ‘lợi ích’ lớn hơn ‘chi phí’ khi trở thành doanh nghiệp”, ông Hiếu chỉ rõ.

Từ phân tích này, ông Hiếu cho rằng, quan trọng nhất là các biện pháp giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh, còn việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp chỉ là một mục tiêu trong tổng thể đó.

Theo số liệu thống kê của CIEM, cả nước hiện có 4,75 triệu hộ kinh doanh, cao gấp 10 lần số doanh nghiệp đang hoạt động và đang tạo công ăn việc làm cho 8 triệu lao động. Xét về quy mô, hầu hết quy mô của hộ kinh doanh là rất nhỏ, số lao động bình quân chỉ đạt 1,7 người/hộ; 7,5 % số hộ kinh doanh có quy mô vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, chỉ có 1,3% số hộ có mức vốn kinh doanh từ 5 tỷ đồng trở lên, trong khi tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp là 26%.

Thống kê của CIEM cũng cho thấy, tỷ lệ chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp rất thấp, chỉ chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Trong số 11% doanh nghiệp có quy mô trên 10 lao động được khảo sát, chỉ có 5% dự định chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp…

Có nhiều nguyên nhân khiến đa phần số hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp. Trước hết là chi phí tuân thủ pháp luật về quản trị doanh nghiệp ở hình thức hộ kinh doanh thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp. Tổ chức quản lý ở hộ kinh doanh rất linh hoạt và gọn nhẹ, việc ra quyết định thường nhanh hơn doanh nghiệp vì không phải triệu tập họp bàn ở nhiều cấp.

Hơn nữa, khi đã thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ phải thay đổi chế độ kế toán, phải có hóa đơn chứng từ, chuyển hình thức nộp thuế khoán thành kê khai nôp thuế…, từ đó phát sinh thêm nhân lực làm kế toán, xây dựng hệ thống quản trị, cũng như phát sinh nhiều chi phí khác... Đặc biệt, doanh nghiệp thường xuyên “va chạm” với nhiều quy định, nhiều thủ tục hành chính, nên nguy cơ bị xử phạt hành chính cũng cao hơn nhiều…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế (CIEM), hộ kinh doanh sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với doanh nghiệp như hạn chế về quyền kinh doanh, không được “danh chính ngôn thuận” để tham gia các ngành bảo hiểm, bất động sản, tín dụng, khả năng tiếp cận thông tin và tín dụng rất hạn chế… Do đó, vấn đề là cần có chính sách để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh cá thể thuận lợi trong việc chuyển đổi thành doanh nghiệp và quan trọng nhất là tạo điều kiện cho họ được phát triển tốt khi trở thành doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM chia sẻ: “Nếu thấy trở thành doanh nghiệp có lợi hơn thì chẳng cần hô hào, các hộ kinh doanh cũng sẽ tự chuyển thành doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là chính sách hỗ trợ phải được thể hiện rõ ràng, để họ thấy có nhiều lợi ích hơn khi chuyển thành doanh nghiệp”.

Theo TS. Bá, các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp phải nhằm mục tiêu để hộ kinh doanh “lớn lên” và phát triển bền vững, từ bỏ tư duy nhỏ lẻ và quan trọng hơn là để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế, chứ không nên chỉ vì hoàn thành chỉ tiêu 1 triệu doanh nghiệp bằng mọi giá.

Theo khuyến nghị của CIEM, để khuyến khích và thực hiện tốt chương trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, thay vì áp mệnh lệnh hành chính, cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hoá quy trình, thủ tục chuyển đổi, đồng thời thể chế hoá cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chẳng hạn như hỗ trợ gia nhập, rút lui khỏi thị trường, miễn thuế môn bài; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng chế độ kế toán đơn giản, được cơ quan quản lý nhà nước cung cấp phần mềm kế toán miễn phí…

Tin bài liên quan