Chuyển đổi ESG không chỉ còn là lựa chọn mà sẽ là yếu tố "sống còn" của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi mà người tiêu dùng trở nên khắt khe hơn, yêu cầu sử dụng các sản phẩm xanh và sẵn sàng từ chối những dịch vụ không đạt yêu cầu là lúc doanh nghiệp bắt buộc phải có ESG.

Ngày 22/11, Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 6 (AF6) đã được Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức với chủ đề "Khơi nguồn Tài chính xanh và Quản trị xanh”.

Diễn đàn thường niên lần thứ 6 về Quản trị Công ty với chủ đề "Khơi nguồn Tài chính Xanh và Quản trị Xanh" ngày 22/11.

Diễn đàn thường niên lần thứ 6 về Quản trị Công ty với chủ đề "Khơi nguồn Tài chính Xanh và Quản trị Xanh" ngày 22/11.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lương Hải Sinh - Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030...

Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi tài chính sang, Ủy ban Chứng khoán đã có nhiều hoạt động thiết thực như: ra mắt sổ tay "Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững", phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phát hành Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính...

Ông Lương Hải Sinh - Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Lương Hải Sinh - Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo ước tính của IFC, để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD, theo giá trị hiện tại, cho phát triển, thích ứng, và giảm nhẹ. Để làm được điều đó sẽ cần phải huy động rất nhiều nguồn lực.

Tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính đa dạng và phong phú. Thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế, nhưng đây lại là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam.

Bên cạnh nguồn lực công, những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, và trái phiếu xanh.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, trọng tâm là chuyển đổi năng lượng một cách công bằng. Trên thực tế, sự phát triển của công nghệ đã đem đến nhiều giải pháp để khử cacbon. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần huy động đầu tư xanh để khơi nguồn lực tiềm năng này. Điều đó chỉ có thể được thực hiện khi các doanh nghiệp thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về tài chính xanh, lồng ghép các yếu tố xanh và bền vững vào quá trình quản trị cũng như xây dựng chiến lược.

Trong bối cảnh đó, các thành viên Hội đồng Quản trị càng phải có nghĩa vụ đạo đức và trách nhiệm doanh nghiệp trong việc dẫn dắt công ty, doanh nghiệp phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cấp cao, IFC Việt Nam nhấn mạnh, thẩm quyền càng lớn đi kèm trách nhiệm càng cao cả. Do đó, Hội đồng Quản trị hãy là những người dẫn dắt bằng hành động, dẫn dắt có mục đích và dẫn dắt doanh nghiệp đến chiến thắng.

"Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề đơn giản của doanh nghiệp, nhưng có thể bắt đầu ngay bằng việc áp dụng các yếu tố Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) vào tổ chức", ông Darryl Dong cho biết.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT VIOD.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT VIOD.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT VIOD cho biết, quản trị xanh là hướng đến việc tạo ra các sản phẩm có tác động đến xã hội hay còn gọi là sản phẩm có trách nhiệm xã hội. Như vậy, quản trị xanh đã vượt lên trên quản trị truyền thống, quản trị chiến lược... trong đó, Hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo tối cao, định hướng chiến lược, giám sát chiến lược một cách hiệu quả và đảm bảo chắc chắn hiệu quả phát triển lâu dài với lợi ích của các nhà đầu tư và các cổ đông.

Hội đồng quản trị cũng là nơi cần thực thi chiến lược phát triển hàng năm và dài hạn, cần phải rõ ràng cam kết về chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu sử dụng năng lượng đầu vào, giảm thiểu phát thải đầu ra... mà những vấn đề này trước đây chưa được quan tâm.

Theo đó, doanh nghiệp phải coi quản trị xanh là chính từ nội tại của doanh nghiệp chứ không phải là cơ chế của nhà nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải coi quản trị xanh là điều kiện cần thiết và kiên quyết để hấp dẫn được nguồn tài chính xanh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP MB nhận định: "Tài chính xanh sẽ là xu hướng lâu dài. Chuyển đổi ESG không còn là thứ doanh nghiệp muốn làm hay không nữa, mà về tương lai còn liên quan đến người tiêu dùng yêu cầu những sản phẩm xanh và sẽ không chấp nhận sử dụng sản phẩm nếu không được đáp ứng. Đến một giai đoạn nào đó, chuyển đổi ESG sẽ là yếu tố sống còn, là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp".

ESG đã trở thành một loại tiền tệ của thị trường vốn, là thước đo giá trị của doanh nghiệp

Ông Phan Lê Thành Long - Tổng Giám đốc VIOD

Để chuyển đổi sang lĩnh vực xanh, doanh nghiệp cần phải tuân thủ luật pháp, công ước quốc tế và tiêu chuẩn quốc tế; tiêu chuẩn đa lĩnh vực, tự nguyện và cắt giảm phát thải nhà kính từ 20% (áp dụng cho các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công nghiệp, vận tải...). Đổi lại, nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, doanh nghiệp xanh hay có xu hướng xanh có thể tiếp cận được nguồn tín dụng xanh từ các tổ chức trong hoặc ngoài nước. Theo đại diện của MB, trong giai đoạn từ 2020 - 2023, tỷ trọng dư nợ xanh tại MB đã tăng 3,8 lần từ 14,5 nghìn tỷ lên 55 nghìn tỷ; chiếm đến 11% tổng dư nợ. Vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tới 90%.

"Đến năm 2026, MB đặt mục tiêu sẽ dành khoảng 15% tổng dư nợ cho vay cho các doanh nghiệp áp dụng ESG", ông Phạm Như Ánh cho biết.

Đồng ý với nhận định tài chính xanh sẽ là xu hướng lâu dài, ông Kim Byoungho - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết: "Các định chế tài chính là đơn vị chủ chốt có vai trò sống còn trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Định chế tài chính cần thực hiện vai trò hướng dẫn, dẫn dắt doanh nghiệp các ngành nghề thay đổi từ chiến lược, hướng đi và bước phát triển".

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).

Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát đánh giá mức độ nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến bài toán phát thải và chuyển đổi xanh do Ban IV thực hiện vào tháng 8/2022, khả năng nhận thức và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp tham gia còn rất thấp. Thách thức lớn nhất được nhiều các doanh nghiệp phản ánh đó là thiếu thông tin về chuyển đổi xanh và ESG. Thách thức thứ hai là rất thiếu và không nắm được những biện pháp, kỹ thuật để có thể thực hiện chuyển đổi.

"Trên 60% doanh nghiệp gặp áp lực về bài toán nguồn vốn. Câu chuyện tiền ở đâu tìm kiếm rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn duy trì hoạt động đã khó, nguồn để chuyển đổi còn khó hơn", bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phản ánh tại Diễn đàn.

Ở thời điểm hiện tại, nhận thức về chuyển đổi xanh đã có thay đổi so với thời điểm khảo sát đây sẽ trở thành vấn đề sống còn chứ không còn là lựa chọn, đặc biệt ở những ngành lĩnh vực mà người tiêu dùng đưa ra những yêu cầu khắt khe. Tuy nhiên, hai vấn đề lớn còn vướng mắc hiện nay, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, vẫn đang thiếu một ngôn ngữ chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời, phân loại “xanh” đang thiếu các tiêu chí, phân loại như thế nào là xanh và không xanh.

Đây cũng là điều khiến các ngân hàng gặp khó khăn và hiện chỉ giải ngân vốn tín dụng hầu hết vào nhóm năng lượng tái tạo.

Trong khi chờ đợi ngôn ngữ chung về “xanh”, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện các sáng kiến chuyển đổi xanh và thu được thành quả.

Tại khuôn khổ Diễn đàn, ông Lê Quang Phúc - Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ, PNJ là doanh nghiệp tiên phong thành lập uỷ ban ESG, nghiên cứu khung quản trị trên thế giới, tuyên bố, xây dựng bộ phận trực thuộc ban điều hành để thực hiện ESG.

"Ở PNJ trước khi nói đến tài chính xanh hay quản trị xanh cần phải có tư duy xanh về kinh doanh. Khái niệm tư duy xanh không phải chỉ bao gồm môi trường, xã hội mà còn đạo đức, triết lý và các khía cạnh về quản trị"., ông Lê Quang Phúc lưu ý.

Sắp tới PNJ đang đề xuất Hội đồng Quản trị trích lợi nhuận để tập trung cho hoạt động ESG.

Tin bài liên quan