Thoát chết nhờ mũ bảo hiểm
Quê ở thị trấn Bần (Hưng Yên), nhà đông anh em, từ bé Nguyễn Tiến Dũng đã phải đi chăn trâu, cắt cỏ. Vốn có sức vóc, Dũng ham thích môn võ Bình Định, một môn võ cổ truyền có từ thời Vua Quang Trung. Học võ thành tài rồi Dũng đi dạy võ Bình Định ở nhà văn hóa, các trường học kiếm tiền đỡ đần cha mẹ.
Nhà nghèo, nên dù học khá, nhưng Dũng không có điều kiện học một lèo, anh rẽ ngang đi làm rồi học thêm. Đầu tiên anh làm công nhân điện lạnh, nhưng công việc không ổn định. Sau được người cô giới thiệu vào làm cho một công ty sản xuất mũ bảo hiểm ở Hà Nội. Vừa làm, Dũng vừa tranh thủ học thêm ngành kế toán, sau đó anh thi đậu hệ tại chức Đại học Kinh tế quốc dân.
7 năm làm ở công ty mũ bảo hiểm, Dũng nhớ mãi một lần đi đường, do buồn ngủ mà lao xe xuống ruộng ở Sóc Sơn, xe vỡ tan nát, may mà đội mũ bảo hiểm tốt. “Nếu hôm đó không đội mũ chắc không còn sống đến ngày nay”, Dũng nói. Có lẽ đó cũng là cội nguồn khởi nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm của Dũng hôm nay.
Từ thương hiệu mũ bảo hiểm Hitech
Trước khi làm mũ bảo hiểm, Dũng đã cùng mấy anh em chung nhau mở công ty sản xuất tương bần với thương hiệu “Tương làng Bần”, nhưng duyên nghiệp của anh dường như gắn với sản xuất mũ bảo hiểm. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định chung với một số bạn bè mở Công ty Hitech sản xuất mũ bảo hiểm.
Thời gian đầu hoạt động, do thiếu vốn, lại bị một người chiếm đoạt tiền hàng nên Công ty dần kiệt quệ, trên bờ vực phá sản.
Mọi người đề nghị giải tán, nhưng Dũng vẫn quyết tâm mua lại toàn bộ Công ty Hitech trong tình trạng công ty không có gì, thậm chí còn âm, vì anh yêu nghề làm mũ bảo hiểm, một niềm đam mê ngấm vào máu thịt.
Trong cuộc đời chìm nổi, Dũng không thể quên được đêm 28 Tết năm 2009, vợ Dũng phải dồn hết tiền lương, thưởng đi làm thuê để trả lương cho công nhân. Khi trả xong, trong túi chỉ còn đúng 200.000 đồng. Dũng tâm sự, đó là cái tết buồn nhất trong đời, nhưng vốn là con nhà võ, nổi tiếng “lì đòn”, Dũng không hề nản chí, mà còn tự hứa sẽ làm cho công ty vực dậy.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật HI kiểm tra mũ bảo hiểm Tằng cẩu.
Xác định xây dựng thương hiệu là gốc của phát triển bền vững. Muốn có thương hiệu thì chất lượng mũ phải tốt, vỏ mũ phải cứng, chịu được lực va đập mạnh và hình thức phải đẹp. Nhưng một nghịch lý trớ trêu là mũ bảo hiểm Hitech dù tốt và đẹp nhưng bán vẫn chậm, thậm chí là không bán được.
Có lần vợ bảo anh dại thế, sao không làm hai loại, một loại mũ rẻ, một loại mũ đắt, nhưng Dũng nhất quyết không làm thế. Bởi làm mũ bảo hiểm là để bảo vệ tính mạng con người, không thể làm giả dối, phải làm mũ thật chất lượng, có thể một năm người ta chưa cảm nhận được, nhưng rồi người ta sẽ nhận ra. Làm thương hiệu phải từ 5 - 10 năm mới có thể thành công. Dũng kiên định với phương châm này.
Một giải pháp quyết liệt, Dũng chia sẻ: “Nếu mình cứ ở xa xưởng sản xuất thì sẽ rất khó nắm bắt rõ công việc sản xuất, kinh doanh. Tôi quyết định chuyển gia đình từ Hà Nội về Hưng Yên. Vợ tôi rất buồn và lo lắng cho việc học hành nuôi dạy con, nhưng tôi đã trấn an và hứa rằng, chỉ mấy năm sau sẽ quay lại Hà Nội và đến nay tôi đã giữ đúng lời hứa”.
Để bán được nhiều sản phẩm, Dũng thuê một phó giám đốc bán hàng, nhưng hàng vẫn không bán được. Có thời điểm, Công ty chỉ còn 4 công nhân với Dũng là 5. Công ty vẫn lỗ triền miên. Đêm ngày trăn trở, Dũng đã tìm ra nguyên nhân, một là chưa khẳng định được thương hiệu, hai là mũ tốt nên giá cao, mà người đội mũ lúc đó chủ yếu là chống đối, nên chỉ cần có mũ là được, càng rẻ càng tốt. Nhưng Dũng tin, trước sau mũ Hitech sẽ vào được thị trường, sẽ có chỗ đứng trong lòng khách hàng.
Và rồi hàng tốt không sợ ế. Năm 2010, Tập đoàn Hòa Phát đặt của Công ty Hitech 2.000 mũ bảo hiểm. Sau đó Công ty Hưng Thịnh cũng đặt mua 10.000 mũ, Bảo hiểm GMIC (Thái Sơn) đặt 100.000 mũ…
Năm 2013, trong đợt phát động đổi mũ không đạt lấy mũ chuẩn, Công ty Hitech đã làm cho nhiều tỉnh, có tháng xuất từ 30.000 đến 40.000 mũ. Doanh số bán hàng của Hitech tăng vọt, doanh nghiệp ổn định và phát triển đi lên.
Thương hiệu mũ bảo hiểm Hitech được công nhận top 10 mũ bảo hiểm tốt nhất Việt Nam. Dũng chia sẻ, anh thấy vui nhưng vẫn sẽ không ngừng hoàn thiện sản phẩm để đạt chất lượng tốt hơn, thẩm mỹ hơn.
Đến làm mũ bảo hiểm Tằng cẩu
Một lần đi công tác lên Sơn La, Dũng bắt gặp những phụ nữ dân tộc Thái đội những chiếc mũ bảo hiểm rất chênh vênh, mất an toàn nghiêm trọng. Dũng xuống hỏi han, hóa ra tại cái búi tóc. Phụ nữ Thái có chồng thì họ phải búi tóc cao để phân biệt với người chưa chồng, gọi là tằng cẩu. Cái búi tóc chiều ngang có một cái trâm dài 12 cm, chiều cao tóc búi lên gần 10 cm. Chuyện làm mũ cho phụ nữ Thái cứ đeo đẳng Dũng suốt chặng đường về.
Trăn trở với sản xuất mũ Tằng cẩu, đúng lúc đó Công ty HI cùng một số công ty khác được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mời họp để bàn bạc việc sản xuất mũ bảo hiểm cho phụ nữ Thái. Dũng tâm sự, Nhà nước đã kêu gọi mà không làm, mình tự thấy thiếu trách nhiệm. Làm mũ Tằng cẩu chưa thể nói là làm giàu được, nhưng cái mà mình mong muốn là giúp phụ nữ Thái vừa giữ nét văn hóa truyền thống, vừa an toàn khi tham gia giao thông.
Để có thiết kế chuẩn mũ Tằng Cẩu, Dũng phải mất nhiều ngày ròng rã lên Mộc Châu (Sơn La) tiếp xúc, trò chuyện, đo lấy thông số để về thiết kế. Thậm chí, anh còn hỏi người dân tộc kiêng màu sắc gì. Họ cho biết kiêng màu bạc, màu trắng vì nó thể hiện sự tang tóc…
Rồi anh về làm khuôn mẫu sản xuất thử mang lên thì mũ không phù hợp với người dân, phải bỏ cái khuôn ấy. Dũng lại đi tiếp Lai Châu, Điện Biên, quay về Sơn La, Mộc Châu để khảo sát.
Dũng nhớ lần về Mộc Châu, anh vào Tân Lập, những người phụ nữ Thái ở đây rất nhiệt tình, họ nói nếu làm cho người dân được mũ bảo hiểm mà không ảnh hưởng đến búi tóc thì người ta rất vui. Họ kéo đến cả xóm để đo và góp ý cho thiết kế mũ.
Cũng có ý kiến là làm loại mũ thủng ở trên đầu, nhưng Dũng cho rằng, như vậy vẫn còn một bộ phận đỉnh đầu không được bảo vệ. Mặt khác, trên núi có rất nhiều sương mù, nếu làm mũ khoét chóp thì không thể bảo vệ cả mái tóc cho họ được. Sau nhiều phác thảo, Dũng đã tìm ra được một thông số chung.
Đó là kết hợp nửa dưới là mũ bảo hiểm Hitech, nửa trên là chóp mũ cho phụ nữ Thái. Anh lấy một cái mũ tiêu chuẩn của mình nối thêm phần chóp của tằng cẩu dài 8 - 10 cm để chứa búi tóc. Một loạt câu hỏi đặt ra, cái chóp cao như vậy có an toàn không, nhỡ va đập vào đâu lại gãy cổ người ta thì sao. Bởi vậy, Dũng không làm liền chóp với thân mũ, mà làm các chốt nhựa gắn giữa thân và chóp, nếu gặp một lực nhất định, chóp sẽ trượt ra, nếu bị đâm thẳng vào đỉnh đầu thì không thủng được vì làm dày 4 li từ nhựa nguyên chất của Hàn Quốc. Dũng còn cho làm hoa văn bằng sơn phản quang để khi đi buổi tối đường rừng núi được an toàn hơn.
Được sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự ủng hộ của các tổ chức nhân đạo, đến nay, 5.000 mũ Tằng cẩu do Công ty Hitech sản xuất đã trở thành bạn đường của các phụ nữ Thái.
Chị Lò Thị Cương ở Sơn La phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có Nghị định của Chính phủ về việc đội mũ bảo hiểm, chị em phụ nữ dân tộc Thái kiến nghị làm mũ cho mình, nhưng chưa có doanh nghiệp nào làm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Công ty Hitech đã làm cho chúng tôi những chiếc mũ bảo hiểm an toàn, chắc chắn, mà không làm giảm sự xinh xắn của chị em”.
Được biết, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang giao cho Ban An toàn giao thông 7 tỉnh miền núi có phụ nữ dân tộc Thái góp ý cho mũ Tằng cẩu, từ đó chỉnh sửa cho phù hợp, tạo sản phẩm chuẩn để sản xuất đại trà, trước mắt phục vụ cho hơn 200.000 phụ nữ dân tộc Thái.
Quan niệm của doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng:
Khao khát lớn nhất: Trả lương cho công nhân cao nhất khu công nghiệp ở đây.
Về tuyển dụng: Không coi trọng bằng cấp, cần người có kinh nghiệm và chăm chỉ. Sẵn sàng tuyển người khuyết tật khi họ còn đôi bàn tay để làm việc
Đối với công việc: Không cưỡi ngựa xem hoa, sẵn sàng bốc hàng, lái xe chở sản phẩm, để hiểu những người làm cho mình vất vả như thế nào.
Đối với khách hàng: Khách hàng là bạn, mình chỉ là người lấy tiền của khách trả cho công nhân.
Phương châm sản xuất kinh doanh: Làm cái gì chắc cái đấy.
Hạnh phúc lớn nhất: Làm ra sản phẩm được xã hội đón nhận.
Điều quyết định khởi nghiệp thành công: Phải có sức chịu đựng cao, không sợ thất bại, thành công không tự mãn.