Càng chây ỳ, mức phạt sẽ càng nặng
Một trong những nguyên nhân khiến hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đến nay chưa lên sàn, vi phạm quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, là do chưa có chế tài xử phạt.
Để khắc phục “khoảng trống” trên, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK đã đề xuất chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm, cụ thể phạt tiền 150 - 200 triệu đồng.
Một số ý kiến cho rằng, với quy định trên, bất kể doanh nghiệp chậm lên sàn vài ngày hay cả năm thì đều bị phạt như nhau. Như vậy là không hợp lý, vì có trường hợp do thủ tục đưa cổ phiếu lên sàn bị chậm 2 - 3 ngày, chứ không phải doanh nghiệp cố tình chậm trễ, trong khi nhiều trường hợp chây ỳ lên sàn tới 2 - 3 năm, thậm chí 5 - 7 năm sau cổ phần hóa. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, tiếp thu ý kiến trên, Ban soạn thảo đã chia tách thành các trường hợp vi phạm để áp dụng chế tài xử phạt cho phù hợp.
“Theo hướng điều chỉnh mới, chúng tôi đề xuất Chính phủ một khung hình phạt linh hoạt và phù hợp hơn với tính chất và mức độ vi phạm khác nhau. Theo đó, với trường hợp doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch hoặc niêm yết vài ngày thì bị phạt với mức nhẹ. Còn những doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn kéo dài nhiều năm sẽ bị phạt nặng”, đại diện UBCK nói.
Theo UBCK, sau khi tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các bên liên quan, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP đang trong quá trình hoàn tất những khâu cuối cùng để trình Chính phủ ban hành.
Quy trách nhiệm người đứng đầu DN
Phạt nặng DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn là cần thiết để tạo răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, DN phải bỏ tiền ra nộp phạt thì cũng chính là “ăn” vào tiền của các cổ đông. Điều này gây thiệt đơn, thiệt kép cho không ít cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ vì bản thân họ mong muốn DN lên sàn từ lâu, nhưng vì ban lãnh đạo DN không thực hiện nên mới dẫn đến vi phạm để rồi tất cả các cổ đông phải chịu thiệt hại. Giới đầu tư cho rằng, chế tài xử phạt cần phân tách rõ trách nhiệm của ban lãnh đạo DN trong việc để xảy ra tình trạng nhiều năm không đưa cổ phiếu lên sàn, thậm chí cần truy trách nhiệm theo hướng buộc họ phải bỏ tiền túi ra nộp phạt.
Liên quan đến hướng truy trách nhiệm của ban lãnh đạo doanh nghiệp khi nhiều năm không đưa cổ phiếu lên sàn, đại diện Bộ Tài chính cho biết, khi Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP được ban hành và đưa vào áp dụng, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo UBCK tăng cường kiểm tra, kịp thời chỉ ra các DN vi phạm nghĩa vụ lên sàn để xử lý. Căn cứ vào các quyết định xử phạt theo chế tài mới, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành đánh giá trách nhiệm của những người đứng đầu DN, cũng như các cán bộ liên quan tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên đới trách nhiệm. Các hình thức xử lý được tính đến sẽ là: cách chức, thuyên chuyển vị trí làm việc, hạ lương...
Với các giải pháp tổng lực và mạnh mẽ trên không nằm ngoài mong muốn thúc DN đại chúng thực thi trách nhiệm minh bạch theo quy định luật pháp và thực hiện lên sàn để tạo điều kiện thuận lợi cho các cổ đông, “ông chủ” có nơi giao dịch chứng khoán. Các giải pháp trên, tuy đang trong giai đoạn định hình, nhưng nếu được truyền thông đúng và đủ mạnh, có thể sẽ làm thay đổi thái độ chây ỳ của nhiều DN, có thể tạo nên làn sóng đưa DN lên sàn để tránh việc trong tương lai không xa, DN phải chịu những hình phạt và các lãnh đạo chây ỳ bị “bêu tên” trước công luận.