Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chuyện doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng

(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2019 khá thận trọng.

Thách thức hiện hữu

Trong tài liệu gửi cổ đông trước thềm Đại hội, ông Đỗ Quang Ngôn, Tổng giám đốc CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex - IJC) nêu rõ khó khăn hiện hữu doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2019. Đó là thị trường bất động sản có tình trạng mất cân đối cung - cầu, lệch pha sản phẩm. Việc tiếp cận vốn tín dụng của các dự án bất động sản cũng khó khăn hơn trước đây.

Theo Becamex, bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo có những diễn biến phức tạp, tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Vì vậy, Becamex đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.226 tỷ đồng, bằng 96% kết quả thực hiện năm 2018; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 252 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2018; trả cổ tức 12%.

Becamex hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư dự án hạ tầng giao thông, kinh doanh bất động sản, xây dựng và thi công cơ sở hạ tầng và hoạt động kinh doanh khác (đến từ Công ty Thương mại Becamex và Khách sạn Becamex). Riêng mảng bất động sản chiếm tỷ trọng 42,6% trong tổng cơ cấu doanh thu. Năm 2018, doanh thu từ hoạt động bất động sản đạt 543 tỷ đồng, tăng trưởng đột phá so với năm 2017, nhưng chỉ hoàn thành 77% kế hoạch. Năm nay, dự báo mảng kinh doanh sẽ phải đối mặt với thách thức. Becamex cho biết, tiếp tục triển khai đầu tư và mở bán các dự án tiềm năng, mang lại tỷ suất sinh lời cao ở cả phân khúc trung và cao cấp như dự án Sunflower I; dự án lô F1, F3, F4; dự án nhà phố thương mại; dự án nhà ở thương mại dịch vụ công nhân…

Năm nay, CTCP Hóa chất Đức Giang (DGC) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, giảm tới 20% so với mức thực hiện gần 870 tỷ đồng trong năm ngoái. Mặc dù vậy, DGC vẫn trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức 30%.

Trong báo cáo phân tích cổ phiếu DGC, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, giá bán sản phẩm của DGC trong năm 2019 có thể hạ nhiệt, làm thu hẹp biên lợi nhuận trong khi năng lực sản xuất của Công ty đã được tận dụng tối đa. Căng thẳng về môi trường tại Trung Quốc (vốn là một trong những thị trường xuất khẩu axit trích ly (WPA) lớn của GDC) có thể sẽ tiếp tục kéo sản xuất phân bón (có nguồn gốc từ phốt pho) tiếp tục giảm trong năm 2019.

Thách thức lớn của DGC theo nhận định của BVSC nằm ở công suất WPA đã sử dụng hết 100%, cùng với đó quản lý môi trường ngày càng khắt khe và chi phí điện tăng mỗi năm là những rủi ro quan trọng đối với tăng trưởng lợi nhuận của DGC.

Năm nay, Công ty dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy phốt pho đỏ có công suất 5.000 tấn/năm với mức đầu tư 100 tỷ đồng và xây dựng nhà máy NPK hóa học 100.000 tấn/năm với mức đầu tư 30 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, về trung và dài hạn, tăng trưởng của DGC vẫn chưa rõ ràng, bởi các dự án mở rộng và mới đều rất khó xin giấy phép”, báo cáo của BVSC viết. 

“Khiêm tốn” để có tăng trưởng

Một trường hợp đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng khác là CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), dù công ty này được nhà đầu tư xếp vào danh mục công ty có mục tiêu lãi khủng trong năm 2019. Bởi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Dương Văn Khen, người công bố thông tin của PHR khẳng định, kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ 1.246 tỷ đồng là mục tiêu khiêm tốn của Công ty.

“Từ trước tới nay, năm nào Công ty cũng vượt 30% kế hoạch lợi nhuận”, đại diện PHR cho hay.

Năm 2019, PHR đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ đạt 2.192 tỷ đồng. PHR phấn đấu khai thác đạt sản lượng 11.700 tấn, thu mua 12.500 tấn, thu mua từ Công ty Phước Hòa Kampong Thom 1.000 tấn. Công ty dự kiến sẽ tiêu thụ 27.268 tấn trong năm 2019, với giá bán bình quân 33,45 triệu đồng/tấn.

Phước Hòa cũng thông qua chủ trương thoái vốn dự án trồng cao su tại Ea Súp, Đắk Lắk và điều chỉnh cơ cấu vốn dự án trồng cao su tại tỉnh Kampong Thom, Campuchia nhằm đảm bảo hiệu quả của dự án.

Nguồn thu lớn của PHR trong năm 2019 ngoài mảng kinh doanh lõi - cao su - thì còn có doanh thu từ thanh lý vườn cao su và bàn giao đất cho VSIP và Nam Tân Uyên. Đại diện PHR cho hay, diện tích dự kiến bàn giao cho Khu công nghiệp VSIP là 691 ha, Nam Tân Uyên là 325 ha. Việc bàn giao đất cho VSIP đã được PHR đàm phán xong, dự kiến PHR nhận 1,3 tỷ đồng/ha trên diện tích bàn giao và 20% lợi nhuận của dự án.

PHR cho biết sẽ cân đối diện tích bàn giao cụ thể đất cho VSIP và Nam Tân Uyên nhằm đảm bảo lợi nhuận sau thuế từ 2019 - 2021 không dưới 1.000 tỷ đồng.

Về kế hoạch thanh lý vườn cao su phục vụ tái canh, PHR cho biết hàng năm dự kiến thanh lý 1.000 ha và thực hiện lộ trình rải rác nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

Tin bài liên quan