Chuyển dịch năng lượng: Khuyến nghị cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ đang theo đuổi những cải cách nhằm mục đích chuyển dịch nền kinh tế hướng tới Net Zero, trong đó trọng tâm là chuyển dịch năng lượng sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Khu vực tư nhân có thể đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch này.

Trưởng phòng Dự án vốn và cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam

Nhân loại đang trong một thời đại bước ngoặt, với những thách thức quan trọng về biến đổi khí hậu. Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), với sự tham dự của 197 đại diện quốc gia đã nhấn mạnh sự cần thiết của các hành động khẩn cấp, khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tăng cường nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu. Đến năm 2023, khoảng 120 quốc gia đã cam kết hoặc cân nhắc sẽ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Tham gia “cuộc đua” về Net Zero, hơn 9.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 cơ sở giáo dục và hơn 600 tổ chức tài chính đã cam kết hành động để cắt giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Tham vọng toàn cầu về phát thải ròng bằng 0 đã thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu về Net Zero đòi hỏi những giải pháp toàn diện.

Kể từ COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chính phủ đang theo đuổi những cải cách và đầu tư liên tục nhằm mục đích chuyển dịch nền kinh tế hướng tới Net Zero, bao gồm việc ký kết Hiệp định Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện VIII (Quy hoạch điện VIII) và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sau một thời gian dài chờ đợi. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam khó có thể đạt được cam kết Net Zero nếu không có các hành động nghiêm túc và thay đổi mang tính nền tảng. Khu vực tư nhân có thể đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch này. Những động thái hữu hình và khả thi từ khu vực tư nhân có thể giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp; đồng thời, đưa Việt Nam trở lại đúng hướng để đạt được các mục tiêu về Net Zero.

Sự chủ động mang lại lợi thế chiến lược

Các doanh nghiệp ở Việt Nam chủ động đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng có thể giảm thiểu rủi ro và nắm bắt những cơ hội quan trọng.

Cụ thể, quá trình chuyển dịch trong thị trường năng lượng tạo ra rủi ro lớn và liên tục gia tăng cho bên tiêu thụ năng lượng, bao gồm chi phí năng lượng tăng cao, nguy cơ từ bất ổn địa chính trị và các vấn đề khác. Các doanh nghiệp chủ động trong quá trình chuyển dịch năng lượng có thể ứng phó tốt hơn trước các rủi ro về biến đổi khí hậu và tránh được nguy cơ tụt hậu trong hệ thống năng lượng sạch trong tương lai.

Bên cạnh đó, có nhiều cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp sử dụng và cung cấp năng lượng trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Những doanh nghiệp chuyển dịch sớm và chủ động sẽ có được lợi thế của người đi đầu, từ đó điều hướng các hoạt động kinh doanh phù hợp với thay đổi của người tiêu dùng, cũng như các công nghệ và thị trường mới nổi.

Lập chiến lược để chuyển dịch năng lượng thành công

Những thay đổi trong sử dụng năng lượng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn dưới dạng thay đổi nhỏ lẻ. Việc áp dụng rộng rãi các công nghệ năng lượng tái tạo và thông minh, được thúc đẩy bởi tốc độ đổi mới nhanh chóng, có thể mở đường cho các doanh nghiệp thực hiện những chuyển hóa toàn diện hơn.

Khó khăn trong triển khai là thách thức chính cản trở doanh nghiệp áp dụng các mô hình chuyển hóa toàn diện.

Khi đánh giá các mô hình chiến lược này, điều quan trọng là phải xem xét bối cảnh hiện tại của Việt Nam để thực hiện hiệu quả. Các đánh giá này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở những điều sau: các công nghệ tiên tiến sẵn có để theo đuổi các sáng kiến nâng cao hiệu quả hoạt động; tính khả thi của việc nâng cấp công nghệ và chuyển dịch công nghệ hiện có để hoạt động bền vững hơn; sự phù hợp của các lĩnh vực chuyển dịch mới với những ràng buộc hoặc hạn chế về quy định của Việt Nam.

Từng bước tiếp cận hành trình chuyển dịch năng lượng

Thực hiện các thay đổi chuyển hóa có thể là thách thức đối với các công ty ở Việt Nam. Do đó, chúng tôi đề xuất một cách tiếp cận từng bước để giúp các công ty phát triển chiến lược chuyển dịch năng lượng và các mô hình kinh doanh phù hợp, từ đó thành công trong một tương lai bền vững và có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xác định cơ sở và đánh giá

- Đánh giá dấu chân các-bon và chuỗi giá trị: Đánh giá mức tiêu thụ năng lượng cơ sở, chi phí và phạm vi phát thải 1/2/3 trên toàn công ty và những bên tham gia chuỗi giá trị khác nhau.

- Xác định giá trị cơ hội: Xác định các cơ hội tiềm năng cần được nghiên cứu

- Đánh giá giá trị: Thiết kế mô hình giá trị và tạo ước tính giá trị dựa trên các cơ hội năng lượng của công ty và chuỗi giá trị.

Lập thứ tự ưu tiên và lập kế hoạch

- Đánh giá năng lực và mục tiêu: Tiến hành đánh giá năng lực hiện tại, đối chiếu với các lộ trình khử các-bon để thiết lập các mục tiêu rõ ràng.

- Chiến lược năng lượng: Xây dựng chiến lược kinh doanh để thương mại hóa các cơ hội chuyển dịch năng lượng

- Lộ trình chuyển dịch

Lập kế hoạch thực hiện bao gồm các sáng kiến ưu tiên cần thiết cho việc chuyển dịch

- Mua bán năng lượng: Hoàn thiện chuyển hóa quy trình mua năng lượng phù hợp với chiến lược.

- Vận hành và hậu cần: Tiến hành thực hiện và quản lý dự án chuyển hóa tại chỗ phù hợp với chiến lược năng lượng.

- Hỗ trợ quan hệ đối tác: Xác định và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ đối tác cần thiết, bao gồm các quan hệ tài chính.

- Chuyển dịch năng lượng chuỗi cung ứng: Thiết lập khuôn khổ tham gia để đánh giá các nhà cung cấp chính trong chuỗi giá trị và nghiên cứu các cơ hội chuyển dịch năng lượng tiềm năng.

Tin bài liên quan