Chuyện đằng sau 7 tháng thưởng Tết của Techcombank

Chuyện đằng sau 7 tháng thưởng Tết của Techcombank

(ĐTCK) Thông tin cán bộ của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có thể nhận thưởng tới 7 tháng lương Tết Đinh Dậu tới đây khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ. Đâu là bí quyết để Techcombank có thể đưa ra mức thưởng này?

Đầu tiên phải nói rằng, đây là mức thưởng cao nhất của Techcombank, bao gồm tháng lương thứ 13 cộng với mức thưởng 6 tháng với nhân viên xuất sắc. Việc được hưởng khoản thưởng Tết Đinh Dậu cụ thể thế nào với từng nhân sự còn phụ thuộc vào kết quả làm việc của từng bộ phận, từng nhân sự.

Chia sẻ với các phóng viên, bà Bà Phạm Vũ Minh Đan (Alexis) Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực của Techcombank cho biết, thưởng Tết được tính trên 2 cấu phần: thứ nhất là tháng lương thứ 13 để đảm bảo ghi nhận công sức cán bộ nhân viên trong suốt một năm làm việc.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào hiệu quả kinh doanh của đơn vị cũng như hiệu quả công việc của cá nhân, đa số mỗi cán bộ nhân viên sẽ được nhận thêm một phần thưởng Tết, sẽ dao động từ 1,5 tháng lương đến tối đa 6 tháng lương cho các trường hợp có kết quả thật sự vượt trội.

“Nếu tính thêm tháng lương thứ 13 thì mỗi cán bộ nhân viên có thể được thưởng từ 2,5 đến 7 tháng lương”, bà Minh Đan cho biết.

Chuyện đằng sau 7 tháng thưởng Tết của Techcombank  ảnh 1

 Mức 7 tháng thưởng là mức tối đa

Bên cạnh đó, Techcombank còn nhiều chương trình khác thể hiện sự quan tâm đến cán bộ nhân viên như các chương trình phúc lợi cộng thêm WeCare, trong đó có chương trình Techcombus – chuyến xe yêu thương, hỗ trợ xe đưa cán bộ nhân viên về quê đón Tết.

“Đây là những nỗ lực của Techcombank tuy nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm đến cán bộ nhân viên để có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình”.

Đột phá hiệu quả kinh doanh

Theo báo cáo tài chính quý 3/2016 đã công bố, lợi nhuận trước thuế của Techcombank (hợp nhất) đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 84,6% và sau thuế đạt 2.290 tỷ, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đến 30/9 ngân hàng đạt tổng tài sản 222.769 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2015; Dư nợ cho vay đạt hơn 135.600 tỷ đồng, tăng trưởng 21,5%; Huy động tiền gửi khách hàng tăng 14,95% đạt 163.514 tỷ đồng.

Chuyện đằng sau 7 tháng thưởng Tết của Techcombank  ảnh 2

Techcombank đang đứng top 1 về tỷ suất lợi nhuận trên tài sản và lợi nhuận trên vốn.

Với kết quả này, Techcombank xếp thứ 2 trong số các ngân hàng cổ phần tư nhân về lợi nhuận chỉ sau VPBank. Còn nếu xét kết quả kinh doanh của riêng ngân hàng (không bao gồm các công ty con) thì Techcombank vượt xa VPBank khi lợi nhuận trước thuế tới 2.392 tỷ đồng 9 tháng qua, trong khi VPBank chỉ đạt 1.491 tỷ đồng.

Xét trong hệ thống các ngân hàng cổ phần thì Techcombank đang đứng top 1 về tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA đạt 1,47%) và lợi nhuận trên vốn (ROE hơn 17%) trong khi doanh thu và lợi nhuận đứng thứ 2.

Câu chuyện của Techcombank

Kết quả này có sự khác biệt lớn với giai đoạn 2012-2013, khi các báo cáo của Techcombank cho thấy dường như “không tăng trưởng”, và năm 2014 thì Techcombank chỉ “tăng trưởng chậm”.

Theo ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc Khối Tuân thủ, quản trị rủi ro hoạt động và pháp chế của Techcombank, câu chuyện xuất phát từ bối cảnh chung sau khủng hoảng kinh tế 2008. Khi đó, Chính phủ có nhiều biện pháp kích cầu, Techcombank cũng là một trong những ngân hàng tham gia tích cực cùng ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng giai đoạn đó (2009-2010), Techcombank cũng nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về câu hỏi “liệu có khủng hoảng kép?”.

“Một số người thì nói là khủng hoảng kép, một số người nhận định thị trường sẽ đi lên. Đến 2011, các vấn đề về nợ xấu xuất hiện và trên thực tế đến cuối năm 2011, Techcombank thấy rằng cần phải xem lại”, ông Thắng chia sẻ.

“Do vậy năm 2012 – 2013 là giai đoạn Techcombank chủ động chậm lại, dẫn đến tăng trưởng có giảm nhưng không đáng kể, nhưng lợi nhuận giảm nhiều do Ngân hàng chủ động đưa lợi nhuận vào dự phòng rủi ro. Đồng thời, hầu như không phát triển khách hàng mới, kiểm soát lại hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc lại quy trình để quản trị tốt hơn,..”.

Cũng theo ông Thắng, sự trở lại của năm 2014 là nền tảng từ 2012- 2013, năm 2015 lại thay đổi rõ nữa và tất cả đã tạo đà phát triển bứt phá cho năm 2016 của Techcombank.

Khác biệt và vượt trội

Nếu nhìn từ góc độ khách hàng, trong 2 năm qua, Techcombank có khá nhiều sản phẩm ấn tưởng, trong số đó phải kể tới sản phẩm cho vay mua nhà có thời gian dài tới 20 năm. Sản phẩm này được rất nhiều cá nhân sử dụng khi vay mua nhà trả góp.

Techcombank đang chọn hướng đi là tạo khác biệt và vượt trội trong chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Theo lãnh đạo của Techcombank, sự khác biệt là tất cả mọi chiến lược và hoạt động của đều đặt khách hàng ở trung tâm, làm thế nào để mang lại giá trị cho khách hàng chứ không phải làm thế nào để bán sản phẩm của mình. Khi hiểu khách hàng, chất lượng của sản phẩm dịch vụ sẽ sát với nhu cầu của khách hàng.

Và để mang lại sự khác biệt, mang  lại sự hài lòng của khách hàng thì Ngân hàng phải đảm bảo có năng lực vượt trội để phục vụ nhu cầu khách hàng ngày càng cao. Cùng với đó, Techcombank cũng chú trọng phân tích dữ liệu nhằm đạt năng lực vượt trội về vận hành, để mang lại sự thuận tiện, nhanh gọn để khách hàng cảm thấy dễ dàng.

Chuyện đằng sau 7 tháng thưởng Tết của Techcombank  ảnh 3

 Techcombank nhận giải thưởng "Ngân hàng Việt Nam xuất sắc của năm” 

Theo Giám đốc Khối bán hàng và Kênh phân phối của Techcombank ông Phùng Quang Hưng, để làm được điều đó cần con người vượt trội, nhân sự vượt trội.

“Nếu một người không có năng lực, không được đào tạo bài bản thì khó tạo ra được một kết quả vượt trội. Tất cả những cái sự vượt trội ấy đều phải có thước đo, một trong những thước đó ấy chính là năng suất hoạt động. Con người vượt trội sẽ làm ra năng suất hoạt động cao”, ông Hưng cho biết.

Suy tư

Nhìn lại cả năm 2016, theo Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh: “Năm vừa qua là năm đầu tiên Techcombank đạt được hết các chỉ tiêu tài chính, đó là điều chúng tôi hết sức vui mừng. Những kết quả tích cực mà Techcombank đạt được sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam, đóng góp cho công đồng Việt Nam”.

Theo ông Quốc Anh, ban điều hành Techcombank luôn quan niệm, tất cả cán bộ nhân viên có thành công thì lúc đó Techcombank mới thành công. Điều đó cũng có nghĩa, chỉ khi khách hàng hài lòng và nhận được tư vấn thành công từ ngân hàng, nhân viên Techcombank mới thành công. Đó chính là hành trình tìm kiếm nụ cười của khách hàng, mà mỗi nhân viên Techcombank luôn hướng đến.

Chuyện đằng sau 7 tháng thưởng Tết của Techcombank  ảnh 4

 Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh (giữa) và cộng sự

Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập nhanh vào kinh tế khu vực và thế giới. Hội nhập mở ra cánh cửa mới của hợp tác, của cơ hội, song cũng đồng nghĩa với có thêm cạnh tranh và thách thức. Vì vậy, Techcombank đang nỗ lực hết sức xây dựng một nền tảng vững chắc để tạo dựng nền tảng sức mạnh, đối phó với cạnh tranh.

“Rõ ràng, Việt Namđang là một thị trường đầy tiềm năng, thu hút sự chú ý của rất nhiều ngân hàng khu vực và quốc tế. Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt, thì rất khó có thể cạnh tranh nổi trong 3-5 năm tới. Vì vậy, một trong những  chỉ tiêu mà chúng tôi đặt ra rất cao cho Ban Điều hành và nhân viên là phải tập trung hết nguồn lực để xây dựng nền tảng, gồm nền tảng về con người, nền tảng dữ liệu và nền tảng về công nghệ”, ông Quốc Anh chia sẻ.

“Techcombank mới đi được 1/5 chặng đường phát triển chiến lược 2016-2020, và vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Nhưng tôi có niềm tin vững chắc rằng, khi toàn bộ ban lãnh đạo cùng các cán bộ nhân viên cùng đoàn kết một lòng, cùng nỗ lực hết mình để tạo bứt phá, Techcombank sẽ thành công trong việc đạt được mục tiêu đề ra”.

Tin bài liên quan