Bán bảo hiểm là nghề nhạy cảm.

Bán bảo hiểm là nghề nhạy cảm.

Chuyện đại lý bị lừa bán bảo hiểm VIP

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian gần đây, không ít trường hợp đại lý bảo hiểm trở thành nạn nhân bị lừa bán hợp đồng giá trị cao bởi những khách hàng “VIP”.

VIP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Very Important Person”, nhưng đã trở thành một từ khá quen thuộc trong tiếng Việt và được hiểu nôm na là người rất quan trọng, là nhân vật đặc biệt… Bởi vậy, khách VIP thường xuất hiện ở những nơi đặc biệt, ví dụ như phòng VIP của ngân hàng, sân bay, sân golf, trong câu lạc bộ chủ doanh nghiệp, gara sửa xe ô tô hạng sang..., nói chung là những nơi dành cho người có tiền. Họ thường được các đại lý bảo hiểm săn đón, chủ động tiếp cận thông qua nhiều kênh khác nhau.

Đại lý bảo hiểm Nguyễn Thu Hà kể, thời gian qua, nhiều tư vấn viên được một người phụ nữ tên Hương chủ động tìm đến và nói muốn ký hợp đồng bảo hiểm có mệnh giá cao, khoảng 1 tỷ đồng tiền phí đóng mỗi năm. Sau đó, vị khách VIP này yêu cầu chị Hà ứng trước tiền hoa hồng, thậm chí còn đề xuất cho vay tiền (theo hình thức trả lãi ngày) để đóng vào công ty trước. Thấy chột dạ, chị Hà lấy cớ cần thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ cũng như nguồn tài chính để thoái thác.

Trong ngành bảo hiểm nhân thọ, đại lý khi ký được hợp đồng có hoa hồng năm đầu khá cao, tuy nhiên, để chăm sóc khách hàng, các đại lý thường cắt lại đa số hoa hồng hoặc toàn bộ cho khách hàng.

Chia sẻ một câu chuyện tương tự, đại lý bảo hiểm Trần Thị Hương cho biết, mới đây, một người tự xưng tên Hải đã chủ động liên lạc với chị để hỏi mua gói bảo hiểm mệnh giá cao, khoảng 500 triệu đồng phí đóng bảo hiểm mỗi năm. Sau đó, đối tượng này cũng yêu cầu ứng trước 50% tiền hoa hồng.

“Ai nhẹ dạ, cả tin, ham doanh số, hoa hồng sẽ dễ bị dụ vào tròng. Đối tượng này cũng đã dùng chiêu bài tương tự để nhiều đại lý bảo hiểm khác đến từ Sunlife, Cathay, Aviva, Daiichi…”, chị Hương nói và cho biết thêm, có đại lý vừa ngồi café với đối tượng này thì được quản lý quán ghé tai nói: “Mấy bữa trước, người này cũng hẹn nhiều tư vấn viên bảo hiểm, không biết nhằm mục đích gì nhưng chị cũng nên thận trọng”.

Cũng theo chị Hương, những đối tượng giả danh khách VIP để lừa đảo hợp đồng bảo hiểm đã nằm trong “danh sách đen” của một nhóm công ty bảo hiểm để cảnh báo tới toàn thị trường, bởi đã có những trường hợp lừa tiền thành công khiến đại lý mất vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng,

Đuổi theo sự hào nhoáng dễ khiến đại lý bảo hiểm mắc sai lầm.

Đuổi theo sự hào nhoáng dễ khiến đại lý bảo hiểm mắc sai lầm.

“Đặc điểm chung của các đối tượng này là thường ăn mặc sang trọng, đi ô tô hạng sang, chủ động tiếp cận các đại lý bảo hiểm và hẹn gặp ở những nơi sang chảnh để lấy lòng tin, sau đó đề nghị mua hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn và yêu cầu ứng trước hoa hồng. Đại lý nào cả tin, tưởng khách VIP thật mà cắt hoa hồng ngay thì đối tượng nộp hồ sơ đề nghị cấp hợp đồng bảo hiểm, chờ nhận khoản hoa hồng được chia từ đại lý, rồi trong thời gian chờ hợp đồng bảo hiểm được phát hành sẽ âm thầm hủy hợp đồng trong thời hạn ‘21 ngày cân nhắc’ theo quy định. Như vậy, đối tượng sẽ nhận toàn bộ phí đóng, trong khi đại lý chịu quả đắng vì khách hàng đã hủy hợp đồng mà không hề hay biết”, chị Hương thông tin.

Thực tế, để bán được một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhỏ đã khó, bán một hợp đồng bảo hiểm mệnh giá cao càng khó hơn. Vì thế, khi được một khách hàng gắn mác VIP chủ động tìm đến thì việc các đại lý bảo hiểm phải chăm chút kỹ lưỡng là dễ hiểu, song không vì thế mà đánh mất sự cảnh giác. Tại một số công ty bảo hiểm, với những hợp đồng mệnh giá cao thì khách hàng được yêu cầu phải cung cấp thông tin liên quan đến thu nhập, nếu khách hàng từ chối cung cấp cũng điểm cần lưu ý.

Khi mua bảo hiểm, việc khách hàng đòi ứng tiền hoa hồng trước là khá phổ biến. Có trường hợp đại lý bảo hiểm vì cần doanh số nên sau khi bị khách hàng dụ dỗ ứng tiền thì đã liều lĩnh ứng cả tiền của mình để đóng đủ phí cả năm cho khách hàng. Sau đó, khách hàng “quay xe” không mua nữa, đòi rút lại tiền, nhưng không hề báo với đại lý, mà âm thầm qua công ty rút, lấy tiền đã đóng bảo hiểm về. Đại lý sau đó gọi điện đòi lại số tiền phí hoa hồng đã ứng thì khách hàng không nghe máy.

Trong khi đó, các công ty bảo hiểm đều đưa ra quy định nghiêm cấm đại lý ứng tiền hoa hồng, cũng như không được phép ứng tiền phí cho khách hàng và có hình thức xử phạt nặng khi bị phát hiện.

Câu chuyện lừa đại lý thông việc việc ứng tiền hoa hồng cũng tương tự câu chuyện ứng phí thay cho khách hàng, cụ thể là khách hàng đồng ý mua bảo hiểm với mức phí đóng cả năm, nhưng vì không có sẵn tiền nên do dự, chỉ nộp theo quý và nộp tiền phí bảo hiểm quý đầu tiên, nhưng đại lý muốn được hưởng hoa hồng cả năm nên tự ý ứng tiền của mình để đóng đủ phí cả năm cho khách hàng.

Theo nhiều đại lý, để xảy ra tình trạng giả danh khách VIP đòi ứng hoa hồng kể trên chủ yếu xuất phát từ lòng tham của các đại lý. Đại lý mới vào nghề vì muốn được thăng bậc sớm, lại được quản lý cấp cao hơn “bật đèn xanh” bán bảo hiểm bằng mọi cách để đạt doanh số nên bất chấp rủi ro để cắt hoa hồng cho khách, thậm chí ứng trước hoa hồng, trừ luôn vào phí đóng bảo hiểm.

Có trường hợp thì liều lĩnh tự bỏ 100% tiền của mình trên nhiều hợp đồng để đóng tiền phí bảo hiểm cho khách hàng. Kết quả là mang về một đống nợ, thậm chí phải bỏ nghề, danh hiệu thì chả thấy đâu.

Theo luật sư Ngô Thị Thu Hà, để tránh trường hợp bị lừa đảo, bản thân các đại lý cần nâng cao hiểu biết, không nên vì sự hào nhoáng của các danh hiệu Ngoại hạng, MDRT, được vào các câu lạc bộ đẳng cấp, du lịch đó đây… làm “mờ mắt” mà bất chấp bán bảo hiểm bằng mọi giá, chạy đua thành tích cao.

Tin bài liên quan