1. “Giờ tôi... đỡ sợ nhà báo hơn rồi”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Logistics XNK bộc bạch. Cuộc gặp gỡ của bà với các phóng viên khá đặc biệt, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức, với sự tham gia của đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế.
Bà Thủy kể, bà vốn không mấy mặn mà với báo chí, vì những thông tin “nghe nói” không mấy tích cực. “Nhưng không ngờ, chính lúc chúng tôi khó khăn, bức bách nhất, mới thấy hết sự tâm huyết, tử tế của nhiều nhà báo”, bà Thủy chia sẻ.
Suốt thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải, logistics vất vả vô cùng khi rơi vào hàng loạt điểm nóng, từ giá xăng dầu tăng, ách tắc đăng kiểm, thủ tục phòng cháy, chữa cháy thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động… Mới đầu tháng 6, Công ty TNHH Logistics XNK và nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới rơi vào tình trạng hàng hóa quá cảnh bị ách tắc ở Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình), khi Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm dừng hàng hóa quá cảnh để kiểm tra.
Vấn đề là, bà Thủy kể, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa quá cảnh nhận hàng từ phương tiện vận tải của chủ hàng nước ngoài chuyển qua phương tiện vận tải của doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa quá cảnh trong khu vực giám sát của hải quan cửa khẩu nhập và có sự chứng kiến, giám sát của cán bộ hải quan cửa khẩu nhập. Hàng hóa quá cảnh trong container đều có niêm phong.
Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ bị kiểm tra thực tế hàng hóa, khám xét với các container, phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh nếu có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm, không đi đúng tuyến đường và không đúng thời gian quy định, chứ không thể bị xử phạt với hành vi khai sai so với thực tế về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa và thuộc trường hợp hàng hóa… như cách làm của hải quan cửa khẩu Cha Lo.
“Doanh nghiệp đã phản ánh, được báo chí ghi nhận và chỉ sau vài ngày, vấn đề đã được giải quyết. Giờ thì tôi tin, báo chí không chỉ góp phần xử lý một vài vướng mắc, vụ việc, mà thúc đẩy sự thay đổi tư duy, hành vi của nhiều cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy sự thay đổi của nhiều quy định, cơ chế, chính sách”, bà Thủy hào hứng.
2. “Chúng tôi chọn con đường sẽ lớn lên, dù đang còn nhỏ, dù còn rất khó khăn, nhưng rất mong được ủng hộ”, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Delta chia sẻ.
Câu chuyện về sự khó lớn và cả không muốn lớn của nhiều doanh nghiệp Việt đã được bàn tới rất nhiều. Nguyên nhân đa dạng, từ nội lực còn yếu của doanh nghiệp Việt vốn chưa có bề dày hoạt động; đến năng lực quản trị của nhiều doanh nhân đang trong quá trình vừa học, vừa hành; nguồn lực, quy mô còn nhỏ…
Song, nguyên nhân lớn nhất, theo các doanh nghiệp, vẫn là niềm tin kinh doanh đang bị thử thách, bởi nhiều vướng mắc, khó khăn lại xuất phát từ các quy định, thủ tục bất ngờ, không phù hợp, thậm chí không thể tuân thủ, đẩy chi phí và rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp lên cao.
Nhưng ông Nghĩa chia sẻ, với nhiều doanh nghiệp, khó khăn không phải là lý do để dừng lại, mà là động lực thúc đẩy liên kết với nhau, chia sẻ thông tin, nguồn lực và cơ hội thị trường. “Điều quan trọng là chúng tôi đã thấy rõ hơn con đường phía trước, thấy rõ phải lớn lên, chuyên nghiệp hơn, để đóng góp nhiều hơn cho xã hội, trước mắt là cho người lao động, cho sự phát triển của ngành, rồi sau đó là phụng sự sự phát triển của đất nước”, ông Nghĩa nói.
Đây là lý do nhiều doanh nhân không còn ngần ngại xuất hiện trên báo chí, lên tiếng phản biện chính sách, hay chia sẻ vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, ông Thang Văn Thông, Phó chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam khi biết tin Ban IV có cuộc làm việc với các nhà báo, đã đặt vé bay từ TP.HCM ra tham dự, chỉ mong góp thêm tiếng nói về các vướng mắc của doanh nghiệp, bàn thêm cách tháo gỡ.
“Lăn lộn trên thương trường nhiều năm, tôi cũng hiểu, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp khó giải quyết được trong một sớm, một chiều, song chúng tôi muốn với báo chí lên tiếng, cũng là một cách để động viên doanh nghiệp tiếp tục vững tin vào con đường đã chọn”, ông Thông chia sẻ.
3. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là một trong những chuyên gia kinh tế cảm nhận rõ nhất những khó khăn của quá trình lớn lên của doanh nghiệp Việt trong hơn 36 năm Đổi mới. Hệ thống cơ chế, chính sách trong quá trình hoàn thiện có nhiều “khúc quanh”, thậm chí có nhiều “cú phanh gấp” cả về tư duy và ứng xử, gây tổn thương không nhỏ tới cộng đồng kinh doanh.
Tham dự cuộc gặp trên, ông chọn góc ngồi khuất, lắng nghe chăm chú lời gan ruột của doanh nhân. “Càng làm việc với nhiều doanh nghiệp, càng nghe chia sẻ và tham vọng của họ, tôi càng cảm nhận rõ nhu cầu được đóng góp, được phụng sự của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, chứ không còn là kiếm tiền thuần túy. Nhưng cũng vì vậy, tôi thấy rõ hơn sự cô đơn của họ. Điều tôi muốn nói với báo chí là hãy ủng hộ và hậu thuẫn doanh nghiệp, để họ tận hiến phụng sự đất nước”, ông Cung trăn trở.
Sự ủng hộ, theo ông Cung, có thể bắt đầu bằng những thông tin về những tồn tại, trói buộc của môi trường kinh doanh, thúc đẩy hóa giải về tâm lý sợ sai, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của công chức nhà nước ở nhiều cấp, ngành, địa phương… Nhưng vị chuyên gia chuyên về môi trường kinh doanh chờ đợi hơn cả là tư duy thị trường và sự công tâm trong các bài viết, góc nhìn về doanh nghiệp, doanh nhân.
Quan điểm của ông Cung là khi xảy ra bất cứ sự việc nào, cần có nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, xác định vấn đề và đưa ra phương án giải quyết hợp lý nhất. Trong bối cảnh này, báo chí cần là một tiếng nói khách quan, khoa học, với tư duy thị trường và thấm đẫm thực tiễn, để cùng đồng hành, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, đó là cách họ cần được báo chí đồng hành nhất vào lúc này.