Thị trường hàng không Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới. Ảnh: Dũng Minh.

Thị trường hàng không Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới. Ảnh: Dũng Minh.

Chuyện cạnh tranh bảo hiểm hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho dù thị phần còn rất khiêm tốn, nhưng “sân chơi bầu trời” cũng cạnh tranh gay gắt không kém “sân chơi mặt đất”.

Mảng tăng trưởng ấn tượng nhất thị trường

Ông Bùi Gia Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, nghiệp vụ bảo hiểm hàng không tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 420 tỷ đồng doanh thu phí), cao hơn mức tăng trưởng chung toàn thị trường phi nhân thọ ở mức 13,1% (ước đạt 27.564 tỷ đồng doanh thu phí).

Như vậy, về tốc độ tăng trưởng, bảo hiểm hàng không là nghiệp vụ có mức tăng cao nhất, xếp trên nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ có doanh thu tăng trưởng 23,1% (ước đạt 3.750 tỷ đồng). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi nhanh của thị trường hàng không nội địa sau dịch, cho dù doanh thu nghiệp vụ này còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng doanh thu phí toàn thị trường phi nhân thọ (chưa đầy 2%).

Tuy nhiên, vì là nghiệp vụ bảo hiểm có rủi ro lớn nên các doanh nghiệp bảo hiểm thường thực hiện nhượng tái bảo hiểm với tỷ trọng lớn để phân tán rủi ro. Năm 2021, nghiệp vụ bảo hiểm hàng không nằm trong nhóm nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao (tỷ lệ bồi thường là 46,1%), bên cạnh bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (74,2%), bảo hiểm xe cơ giới (45%). Năm 2020, mảng bảo hiểm hàng không đạt 789 tỷ đồng doanh thu, nhưng bồi thường lên tới 926 tỷ đồng.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hàng không Việt Nam là thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020, đạt 123% so với năm 2019. Năm 2021, doanh thu bảo hiểm hàng không đã cán mốc nghìn tỷ, ước đạt 1.012 tỷ đồng, tăng trưởng 47,7%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không nội địa đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ và dự kiến cả năm đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2020, trong đó khách quốc tế khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các chuyến bay khai thác nội địa tiếp tục ghi nhận sự bứt phá cả về lượng hành khách và sản lượng hàng hóa. Cụ thể, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không nội địa đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng tới 904,6% và khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không nội địa trong 6 tháng qua ước đạt 765.000 tấn, tăng 30,6%.

Dự kiến, trong năm 2022, các cảng hàng không trong nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4%.

Hiện tại, Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường bảo hiểm hàng không (khoảng 40% tính đến hết tháng 3/2022). Trong vai trò “leader”, Bảo hiểm PVI đang cung cấp dịch vụ cho Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO, Bamboo Airways và Hải Âu Aviation. Với VietJet Air, sau khi Công ty Bảo hiểm HD được khai sinh đã giảm tỷ trọng bảo hiểm hàng không nói riêng, dịch vụ bảo hiểm nói chung tại những doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Trong một động thái liên quan, vào trung tuần tháng 4/2022 đã diễn ra “Lễ ký kết Hợp đồng bảo hiểm hàng không năm 2022-2023” giữa Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) với liên danh Bảo hiểm PVI - Bảo hiểm Bảo Việt - Bảo hiểm Quân đội, trong đó Bảo hiểm PVI nhiều năm liền đứng đầu liên danh này. Đây là lễ ký lần thứ 13 liên tiếp, đánh dấu sự hợp tác bền chặt giữa các bên trong mảng bảo hiểm hàng không.

Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ bay thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam và là một trong những nhà khai thác dịch vụ trực thăng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Cơ hội cho người biết nắm bắt

“Sân chơi bầu trời” vốn cạnh tranh gay gắt không kém “sân chơi mặt đất” (phi hàng không, bao gồm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe con người…), sự đi xuống của doanh nghiệp này là cơ hội vươn lên của doanh nghiệp khác.

Năm 2022, Bảo hiểm Hàng không (VNI) đặt mục tiêu doanh thu mảng bảo hiểm hàng không chỉ vỏn vẹn 10 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 24 tỷ đồng của năm 2021, thay vào đó là tập trung vào mảng phi hàng không với 2.652 tỷ đồng doanh thu (gấp 265 lần bảo hiểm hàng không).

Theo đại diện VNI, lý do đặt mục tiêu mảng bảo hiểm hàng không thấp là bởi năm 2022 chính thức không còn nguồn thu từ Vietnam Airlines, sau khi cổ đông sáng lập này thoái hết toàn bộ 20% vốn. Vietnam Airlines không còn là cổ đông lớn của VNI từ năm 2015, nhưng doanh thu vẫn rơi rớt đến nay. Mảng bảo hiểm hàng không của VNI hiện chỉ ghi nhận doanh thu thông qua việc hợp tác với hãng hàng không Bamboo Airway.

Thực tế, từ năm 2014, thời điểm chủ trương của Nhà nước chưa quyết định việc thoái vốn của Vietnam Airlines, thị phần bảo hiểm hàng không của VNI đã sụt giảm. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ cả năng lực hạn chế của VNI lẫn sự vươn lên mạnh mẽ của Bảo hiểm PVI trong mảng bảo hiểm hàng không. Năm 2014, doanh thu mảng này của VNI giảm 8% so với kế hoạch.

Trước đó, năm 2013, VNI vẫn còn dẫn đầu mảng bảo hiểm hàng không với 36,54% thị phần, tiếp đến là Bảo hiểm Bảo Việt chiếm 34,31% và Bảo hiểm PVI chiếm 11,77% (theo số liệu của IAV). Hiện tại, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ mang lại nguồn thu chính cho VNI, chiếm tỷ trọng 69% trong tổng doanh thu (năm 2021).

Tương tự, thị phần bảo hiểm hàng không tại Bảo hiểm Bảo Minh cũng giảm dần những năm qua và hiện không còn ghi nhận doanh thu khi Vietnam Airlines rút vốn.

Trong khi các đối thủ dần “rút chân”, Bảo hiểm PVI lại không ngừng gia tăng thị phần ở mảng này, khi đến năm 2016, trong con số 724 tỷ đồng tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm hàng không, nhà bảo hiểm này đã chiếm gần 50%, tương đương 360,4 tỷ đồng, đứng thứ hai là Bảo hiểm Bảo Việt với 128,36 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm khác chia nhau “miếng bánh” còn lại: VNI (87,4 tỷ đồng), Bảo hiểm Quân đội (62,197 tỷ đồng), Bảo hiểm Toàn Cầu (19,1 tỷ đồng), Bảo hiểm Bưu điện (13,3 tỷ đồng), Bảo hiểm BIDV (201 triệu đồng).

Với Bảo hiểm Quân đội (MIC), nhờ xuất phát điểm là một doanh nghiệp Quân đội, nhà bảo hiểm này có sự am hiểu tốt hơn trong cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, bao gồm cả Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, bên cạnh đưa ra thị trường đa dạng sản phẩm bảo hiểm dành cho khách hàng tổ chức, cá nhân khác. Theo đó, năm 2021, MIC đã vươn lên Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị phần doanh thu bảo hiểm gốc, cho dù doanh thu tăng trưởng chưa đạt kế hoạch đề ra và đang từng bước hướng đến Top 4.

Tin bài liên quan