Chuyển 14.620 tỷ vào dự phòng ngân sách Trung ương để chi cho phòng, chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển 14.620 tỷ đồng vào dự phòng ngân sách Trung ương để tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phiên họp chiều 22/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp chiều 22/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét tờ trình của Chính phủ về phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.

Đây là nội dung mới được bổ sung vào chương trình phiên họp thứ ba của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 22/9 và được Uỷ ban Tài chính - ngân sách hoàn thành thẩm tra lúc 15h cùng ngày.

Cần khoảng 28,5 nghìn tỷ mua 170 triệu liều vắc-xin

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng. Gồm cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2021 là 7,42 nghìn tỷ đồng; giảm chi trả nợ lãi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 4,2 nghìn tỷ đồng; kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ còn dư là 3 nghìn tỷ đồng.

Về tinh hình sử dụng các nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid- 19, ông Phớc cho hay, trong 8 tháng đầu năm, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tập trung sử dụng dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, xử lý các nhu cầu chi cấp thiết về quốc phòng, an ninh.

Trong đó các nguồn lực của trung ương đã sử dụng 22,27 nghìn tỷ đồng. Cụ thể: Nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 dự toán là 17,5 nghìn tỷ đồng, đã sử dụng là 14,62 nghìn tỷ đồng, trong đó chi phòng, chống dịch Covid-19 là 10,7 nghìn tỷ đồng (bao gồm 1.237 tỷ đồng để mua vắc-xin), số còn lại 2,88 nghìn tỷ đồng để tiếp tục tập trung chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong những tháng cuối năm.

Đối với nguồn kinh phí ngân sách Trung ương năm 2020 chuyển sang (13,33 nghìn tỷ đồng ) và nguồn Quỹ vắc-xin đã huy động (8,66 nghìn tỷ đồng) để mua vắc-xin phòng Covid-19, tồng cộng gần 22 nghìn tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi 7,65 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin (tính cả 1.237 tỷ đồng chi từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 nêu trên, thì tổng số đã chi là 8.887 tỷ đồng). Nguồn còn lại là 14,33 nghìn tỷ đồng , tiếp tục sử dụng để đáp ứng các nhu cầu mua và hỗ trợ sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.

Nhu cầu kinh phí trung ương chi phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới cũng được Bộ trưởng đề cập. Về nhu cầu kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19, Bộ trưởng trình bày, theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng Covid-19 cho khoảng 80 triệu dân số trong năm 2021 dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều vắc-xin, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng. Sau khi trừ số đã chi 8.887 tỷ đồng để mua vắc-xin nêu trên và nguồn ngân sách địa phương dự kiến bố trí để mua vắc-xin 3,54 nghìn tỷ đồng, nhu cầu còn lại trung ưorng phải chi trong thòi gian tới khoảng 16,07 nghìn tỷ đồng.

Trường hợp dịch kéo dài và phải tiêm vắc-xin nhắc lại hàng năm, thì nhu cầu kinh phí mua vắc-xin sẽ lớn hơn, Bộ trưởng báo cáo.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, theo phương án của Bộ Y tế đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 300 nghìn người nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế, dự kiến nhu cầu kinh phí chi từ ngân sách nhà nước khoảng 60,57 nghìn tỷ đồng , trong đó ngân sách Trung ương chi khoảng 23,44 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương chi khoảng 37,13 nghìn tỷ đồng.

Căn cứ khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm, nhất là mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến ngân sách Trung ương phải tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương trong thời gian tới khoảng 20-24 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tổng họp chung nhu cầu trung ương phải chi để mua vắc-xin và chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới khoảng 36-40 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng báo cáo.

Hỗ trợ TP.HCM 2.000 tỷ

Đê đảm bảo nguôn kinh phí cho công tác phòng, chông dịch Covid-19, Chính phủ trình ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 14,62 nghìn tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 nêu trên, để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó dự kiến trước mắt sử dụng 4,9 nghìn tỷ đồng để chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho Bộ Quốc phòng (1 nghìn tỷ đồng), Bộ Công an (900 tỷ đồng); đồng thòi, hỗ trợ TP.HCM (2.000 tỷ đồng), các tỉnh Bình Dương (500 tỷ đồng), Đồng Nai (500 tỷ đồng), do đây là các địa phương theo quy định hiện hành phải tự lo toàn bộ kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng dịch bệnh quá lớn, địa phương đã sử dụng cơ bản hết các nguồn dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ dự trữ tài chính, cắt giảm, tiết kiệm chi và nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nên cần Trung ương hỗ trợ thêm.

Ngoài ra, căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và đề nghị của các địa phương, Chính phủ đang tổng hợp để báo cáo Quốc hội cho phép một số địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng báo cáo.

Bảo đảm công khai, minh bạch

Thẩm tra phương án Chính phủ trình, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc đưa khoản tiết kiệm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác vào tổng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để phục vụ phòng chống dịch là hợp lý song để bảo đảm tính công khai, minh bạch, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ số liệu khoản tiết kiệm kinh phí trên.

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng đồng ý kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ vào dự phòng ngân sách Trung ương để Chính phủ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích.

Với phương án phân bổ cho 2 bộ (Bộ Quốc phòng 1000 tỷ, Bộ Công an 900 tỷ) và 3 địa phương (TP.HCM 2000 tỷ đồng, Bình Dương 500 tỷ đồng, Đồng Nai 500 tỷ đồng), cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể căn cứ đề xuất phân bổ nêu trên.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra còn đề nghị Chính phủ báo cáo rõ, đối với nguồn lực dự kiến được phân bổ nêu trên thì mức độ đáp ứng; tác động, hiệu quả; khả năng phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh đối với các đối tượng được phân bổ tại thời điểm hiện nay ở mức độ nào nhằm bảo đảm đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực sau này.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, hiện nay ngoài các địa phương nêu trong Tờ trình thì còn nhiều địa phương khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và cũng đang rất khó khăn trong cân đối nguồn lực chống dịch. Do vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo về thực trạng hiện nay, làm rõ cơ sở để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, mức độ hỗ trợ đối với những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có đội ngũ y, bác sỹ còn hạn chế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tính toán, có phương án bố trí nguồn hợp lý, công bằng, kịp thời để bảo đảm động viên những người đã và đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Sau khi làm rõ thêm một số thông tin, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí với đề xuất cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 cần có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và cần Quốc hội cho phép.

Tin bài liên quan