Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023: Nhìn vào cơ hội phục hồi để xây dựng chính sách

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế Việt Nam và thế giới đang bước vào năm 2022 với với rất nhiều mối quan tâm, không chỉ có Covid-19. Nhưng đây cũng là thời điểm nền kinh tế Việt Nam tìm sức bật mới.
Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023: Nhìn vào cơ hội phục hồi để xây dựng chính sách

Phải lấy tăng trưởng làm mục tiêu

Ngay khi những gạch đầu dòng đầu tiên của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra thảo luận vào tháng 9/2021, câu hỏi “Có nên đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025 là ưu tiên khi xem xét các gói giải pháp hỗ trợ hay không?” đã là một chủ đề tranh luận. Khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%.

Hiện tại, trước thềm Kỳ họp bất thường thứ nhất của Quốc hộ khóa XV, sẽ khai mạc ngày 4/1/2022, để bàn về chương trình này, câu hỏi trên được đặt lại. Lý do là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 được công bố là 2,58%. Như vậy, để đạt mục tiêu GDP tối thiểu của nhiệm kỳ 2021-2025 là 6,5%, thì tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của 4 năm còn lại phải là hơn 7,5%. Tuy vậy, cho đến nay, dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 cũng chỉ là 6,6%.

Không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tạm quên mục tiêu tăng trưởng, chấp nhận con số có thể thấp hơn kế hoạch đã được phê duyệt, để đổi lại những thay đổi, cải cách mang tính cơ cấu, dài hạn hơn.

Đây chính là quan điểm này cốt lõi trong các đề xuất thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và sau đó là sự ra đời của Nghị quyết 11/2011/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Lý do là, nếu tập trung vào tăng trưởng kinh tế, nhiều yếu tố mang tính nền tảng của phát triển, như ổn định kinh tế vĩ mô, vững mạnh hệ thống tài chính…, sẽ không được đảm bảo. Ưu tiên này được Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020 xác định là trọng tâm.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là người ủng hộ quan điểm trên. Nhưng bối cảnh hiện tại rất khác 10 năm trước, ổn định kinh tế vĩ mô vững vàng hơn, các cân đối lớn, nền tảng tài chính khỏe mạnh hơn và quan điểm của ông Cung cũng vì thế đã thay đổi.

“Với Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng cực kỳ quan trọng, vì sẽ là cơ sở thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ khác. Tất nhiên, chúng ta không đánh đổi chất để lấy lượng, vẫn tiếp tục xác định ổn định kinh tế vĩ mô là một nhiệm vụ, nhưng sẽ phải vừa tăng trưởng, vừa điều chỉnh các cơ chế, chính sách để đạt chất lượng”, ông Cung lý giải.

Nhiều chuyên gia cũng ủng hộ quan điểm này. Với quy mô và cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện tại, tốc độ tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người dân, nguồn lực đầu tư phát triển, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… Sâu xa hơn, không có tăng trưởng sẽ không tăng được thu nhập và thịnh vượng của đất nước; không tăng được mức độ phát triển và văn minh của xã hội…

Thực tế cho thấy, yêu cầu và áp lực đổi mới, hành động nhanh, mạnh chưa từng có đã trở thành mệnh lệnh không thể chần chừ để có thể đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025.

Nhìn lại, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt khác với những cuộc khủng hoảng kinh tế 1998-1999, 2008-2011. Khi đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu kết hợp với các yếu kém nội tại về cơ cấu; cầu bên ngoài suy giảm, nhưng cầu tiêu dùng nội địa không suy giảm nghiêm trọng. Lần này, cầu trong nước suy giảm nghiêm trọng khi người dân đã phải ăn vào tiết kiệm; khả năng tự phục hồi cung kém do việc điều chỉnh, phân bổ nguồn lực từ chỗ kém hiệu quả sang chỗ sử dụng tốt hơn thiếu linh hoạt, tốc độ chậm, rất khó cải thiện nếu không có cú hích từ chính sách, từ ngân sách…

Tuy nhiên, khi đặt cao mục tiêu tăng trưởng, việc điều hành kinh tế của Chính phủ cần được thay đổi, theo hướng cân bằng cả nhiệm kỳ, thay vì hàng năm. Có thể hình dung, với cách điều hành linh hoạt, bội chi ngân sách cả nhiệm kỳ có thể vẫn giữ mục tiêu là 4% GDP, nhưng năm 2022 ở mức khoảng 6-7%, năm 2023 là 5%, sau đó giảm dần về 3% năm. Phương án tương tự với lạm phát cả nhiệm kỳ là 4%, nhưng năm 2022 có thể chấp nhận mức cao hơn các năm còn lại…

“Điều hành theo hướng đó tạo dư địa để có được một chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ít nhất 2 năm 2022-2023”, ông Cung đồng tình.

Bài học không nhìn vào rủi ro để lo sợ

Cũng không dễ đạt được mục tiêu cả nhiệm kỳ như kỳ vọng. Thực tế diễn biến tăng trưởng của 3 kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, xu hướng tăng trưởng kinh tế nước ta giảm dần là rất rõ nét; cứ 10 năm, tăng trưởng trung bình hàng năm của nước ta giảm từ 0,5-1 điểm %. Từ năm 2004 đến nay, chưa năm nào tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức 7,5%.

Nếu tách hai giai đoạn nền kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh của các đợt khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu (1998-1999 và 2008-2011), tốc độ phục hồi cũng không mạnh khi so sánh giữa tăng trưởng GDP ở năm giảm sau và năm tiếp sau. Lần thứ nhất, khoảng tăng là 2,32 điểm phần trăm và lần thứ hai chỉ có hơn 1 điểm phần trăm.

Thực tế cho thấy, yêu cầu và áp lực đổi mới, hành động nhanh, mạnh chưa từng có đã trở thành mệnh lệnh không thể chần chừ để có thể đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025. Nếu không, các chuyên gia đã tính toán, tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của nhiệm kỳ này chỉ ở mức khoảng 5%.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển thương hiệu và cạnh tranh muốn gửi những thông điệp này tới các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023.

“Có thể kỳ họp bất thường này không phải là duy nhất nếu tình hình còn phức tạp, khó lường. Nhưng chính vì vậy, rất cần những quyết sách nhanh, kịp thời, để xử lý các vấn đề chưa có tiền lệ. Thách thức là có, vì có thể các đề xuất chính sách này chưa thể đánh giá hết tác động ở nhiều chiều, khó đảm bảo sự tròn trịa. Nhưng chúng ta không thể đòi hỏi việc hoạch định chính sách vừa nhanh, vừa hoàn hảo, vừa đảm bảo tuân thủ đúng mọi quy trình như thông lệ được”, TS. Thành chia sẻ.

Chính sự vào cuộc sớm của Quốc hội với chương trình này, như cách tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các bên liên quan qua mô hình diễn đàn kinh tế sẽ hạn chế những rủi ro từ thách thức. Nhưng ông Thành chờ đợi nhiều hơn, vì thế giới thay đổi nhanh, nhiều thứ chưa biết, thậm chí không biết, nên đòi hỏi sự sáng tạo, có thể vượt khung, vượt luật để thúc đẩy sự vượt trội, đột phá...

“Sự vượt trội này không chỉ trong nội dung cải cách chính sách, mà cần cả tốc độ để đảm bảo bắt nhịp với tốc độ phục hồi và chuyển dịch của thế giới. Hơn thế, sau 2 năm đối mặt và vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra, thêm một bài học được rút ra là không thể chắc chắn được thành công hôm nay sẽ bảo đảm cho thành công hôm sau”, ông Thành chia sẻ.

Nhìn lại gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020 theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP mới giải ngân được phần nửa vào cuối năm 2021, một trong những nguyên nhân là đối tượng hưởng thụ khó tiếp cận. Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhận thấy bản chất của nguyên nhân lần đầu tiên được thực hiện, chưa có trong tiền lệ, nên những người thiết kế chính sách không dám đưa ra cách làm mới, không dám thay đổi quy trình, thủ tục hiện hành.

Xa hơn, hệ lụy của gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 khi không đạt mục tiêu làm gia tăng bất ổn vĩ mô được phân tích với không ít lo ngại, khi đây cũng là một công cụ chính sách được đề cập. Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra: điều kiện tiếp cận là gì, dành cho đối tượng nào, khoản hỗ trợ có đủ lớn không và có thực sự công bằng với các doanh nghiệp không…

Trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, với tinh thần được Chính phủ, Quốc hội công bố là sẽ có các giải pháp đặc biệt để phục hồi và kích thích kinh tế, nếu tâm lý sợ rủi ro, sợ trách nhiệm không được giải tỏa, thì việc tổ chức thực thi sẽ là thách thức.

“Trong dòng chảy tốc độ, đừng để những râu ria làm khó mục tiêu chính. Hơn thế, thiệt hại về chi phí cơ hội vô cùng lớn. Tôi kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách nhìn vào cơ hội phục hồi, phát triển của nền kinh tế, chứ không chỉ nhìn vào rủi ro để xây dựng chính sách”, ông Thành nói.

Cơ hội phục hồi và cải cách song hành

Một cách thẳng thắn, đề xuất của TS. Cung và TS. Thành đang chạm vào đúng nút thắt bấy lâu trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đó là tốc độ và chất lượng cải cách tư duy và thể chế.

Giả thuyết rằng, các gói hỗ trợ có thể vượt khung, song vì xác định đây là đòi hỏi không thể thiếu của nền kinh tế vào lúc này, để giảm thiểu rủi ro, cần có sự rà soát, đánh giá hệ thống quy định, từ đó đưa ra các thay đổi phù hợp để thực thi hiệu quả.

Tác động của mỗi lần rà soát là một lần hệ thống quy định được đặt vào bối cảnh mới, điều kiện mới tương tự công việc phía Việt Nam phải thực hiện khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Có thể sẽ cần sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, ngoài 8 luật sẽ được sửa đổi theo hình thức một luật sửa nhiều luật và được xem xét trong kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV.

Các bước cải cách hành chính cũng có thể được triển khai song song, theo nguyên tắc dám cắt bỏ những điều kiện, quy trình không phù hợp như công văn phê duyệt, văn bản chấp thuận như đã làm với giấy phép con, điều kiện kinh doanh; rà soát hồ sơ, thủ tục để xác định cái nào cần, cái nào bỏ, nội dung nào có thể số hóa…

Tất cả những yêu cầu trên nhằm hỗ trợ mong mỏi, khát vọng phục hồi, tăng trưởng rất lớn của các doanh nghiệp, của nền kinh tế gắn với chuyển dịch chuỗi cung ứng, công nghệ, xu thế kinh doanh mới trên toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặc biệt trông đợi các kế hoạch thực thi các gói giải pháp phục hồi gắn với yêu cầu cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. “Chúng ta đã thấy rất rõ, hội nhập đã thúc đẩy cải cách ở Việt Nam, dù đây là yêu cầu tự thân. Lần này, nhu cầu phục hồi và phát triển, bắt kịp xu thế phục hồi của thế giới đòi hỏi các chính sách phải khả thi, hiệu quả, chứ không dừng lại ở bao nhiều tiền”, bà Lan tin tưởng.

Rõ ràng, Chiến lược Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 đang tạo cơ hội rất nhiều cho các kế hoạch, sáng kiến cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế ngay trong năm 2022.

Tin bài liên quan