Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: Nhật Bắc)
Trao đổi với báo giới về Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, đây là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT thực hiện, chủ trì.
"Theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội vào kỳ họp chuyên đề cuối năm nay", ông Phương nói.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nội dung cơ bản của chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/ hợp tác xã/ hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.
"Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ KH&ĐT cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch", Thứ trưởng khẳng định.
Liên quan đến "thời gian đủ dài" và "quy mô đủ lớn", về thời gian, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng Chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của một số giải pháp sẽ phải kéo dài thêm.
Ví dụ như các dự án đầu tư công có quy mô lớn, điển hình là cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và trong thời gian dài, do đó rất khó có thể thực hiện trong vòng 2 năm.
Như vậy, thời gian sẽ gắn với mục tiêu phát triển và chủ yếu tập trung trong năm 2022, 2023.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương lý giải, trong 3 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ nói về Chương trình phục hồi, "giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn" có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm, đây là mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố này.
Ông Phương cho biết, quy mô của Chương trình chính sách tài khóa, tiền tệ đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, song có thể khẳng định, công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án đầu tư công theo phương thức đối tác công-tư (PPP).
Trước đó, trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nội dung cơ bản của chương trình phục hồi đề xuất 5 nhóm giải pháp trên cơ sở tham khảo các bài học kinh nghiệm của quốc tế, các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2009-2011; trên cơ sở đó đề ra các quan điểm, đặc biệt là 2 quan điểm quan trọng và cốt lõi là kết hợp cả phục hồi và phát triển. Do vậy các giải pháp đưa ra cũng kết hợp cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế-xã hội được bình thường. "Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác", Thứ trưởng nói.
Nhóm giải pháp thứ 2 liên quan đến an sinh xã hội, đây là vấn đề thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, phát triển hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhóm giải pháp thứ 3 liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 thời gian qua để có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như có các nguồn lực cần thiết để phục vụ cho chặng đường dài sắp tới.
Nhóm giải pháp thứ 4 mang tính dài hơi liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, đầu tư công trung hạn, có đề xuất các điểm nhấn trong việc thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Nhóm giải pháp thứ 5 mang tính chất quản lý, điều hành, đặc biệt hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.