Gói kích cầu nên tập trung hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, đảm bảo doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động 100% công suất. Ảnh: Đức Thanh
Covid-19 đã “lấy” đi bao nhiêu?
507.300 tỷ đồng mất đi sau 2 năm dịch bệnh hoành hành mà Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 dường như là con số đầu tiên lượng hóa thiệt hại do Covid-19 của nền kinh tế Việt Nam.
Để tính toán, nghiên cứu của hai ông Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Tú Anh (Ban Kinh tế Trung ương) giả định, nếu không có Covid-19, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,02% và đang trong đà lấy lại tốc độ tăng trưởng sau thời kỳ tập trung củng cố các nền tảng vĩ mô từ năm 2011, thì tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm 2020-2021 nhiều khả năng sẽ ở mức tương tự, khoảng 7%/năm.
Như vậy, so với thực tế tăng trưởng năm 2020 là 2,91% và dự báo khoảng 2-2,5% trong năm 2021, Covid-19 đã lấy đi của nền kinh tế Việt Nam những con số rất lớn. Nếu tính theo giá hiện hành 2021, con số thiệt hại lên đến 847.000 tỷ đồng (khoảng 37 tỷ USD).
Nhưng Covid-19 không chỉ lấy đi những con số.
Thông tin trong Diễn đàn Cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 của Ban Kinh tế Trung ương, diễn ra sau sự kiện trên 1 ngày, vào đầu tuần này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã nhắc đến khả năng đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lần đầu tiên sẽ tăng trưởng âm (khoảng âm 6,78%) trong năm 2021.
“Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế bị kéo lùi, chưa kể các tác động tiêu cực đến đời sống tâm lý xã hội của người dân, doanh nghiệp”, ông Hoan nói.
Thực tế, các số liệu thống kê đều cho thấy, đợt dịch lần thứ tư đã tạo ra tâm lý bi quan trong giới đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và cả người lao động. Đó là sự giảm sút trong số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư trong quý III/2021. Điều này trái ngược với tâm lý lạc quan của quý IV/2020 và giai đoạn đầu năm 2021, khi Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất trên thế giới.
Hệ lụy là quý III/2021, có 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng kinh doanh, trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.
Đáng nói là, khu vực nông nghiệp không còn là bệ đỡ hữu hiệu cho khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ trước các cú sốc kinh tế, khi số lao động trong ngành nông, lâm, thủy sản dù tăng, nhưng không chứa đủ số lượng lao động bị mất việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng.
Nguồn: Tác giả Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Tú Anh (Ban Kinh tế Trung ương) tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê. |
Động lực phục hồi nằm ở dòng vốn nào?
Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, thì sự sụt giảm của đầu tư nước ngoài thường được xem như một chỉ dấu về sự sụt giảm triển vọng tăng trưởng, do đó sẽ lập tức kéo theo sự sụt giảm của đầu tư trong nước.
Ngược lại, khi đầu tư nước ngoài tăng, mặc dù kinh tế trong nước gặp khó khăn, thì niềm tin của giới đầu tư trong nước sẽ vẫn vững vàng và nhanh chóng phục hồi.
Thực tế giai đoạn 2011-2015 thể hiện rõ điều này. Khi đó, kinh tế vĩ mô bất ổn khá nghiêm trọng, lạm phát tăng cao từ tháng 3/2010 đến tháng 4/2011, với đỉnh điểm lạm phát 23,02% vào tháng 8/2011; nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng mạnh, có thời điểm lên tới hơn 18%; dự trữ ngoại hối xuống thấp (dưới 10 tỷ USD vào năm 2011); lãi suất tăng vọt; hàng loạt doanh nghiệp nhà nước rơi vào tình trạng mất thanh khoản… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn này vẫn nằm trong nhóm cao của ASEAN và từ năm 2015 đến 2020 đều nằm trong nhóm dẫn đầu.
“Dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) đều tăng trưởng vững trong giai đoạn này, nên đã neo giữ kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, kích thích các nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa”, chuyên gia Ban Kinh tế Trung ương phân tích.
Cũng phải thấy rõ vai trò của đầu tư nước ngoài trong tổng cầu của nền kinh tế, khi khu vực FDI đang nắm phần tỷ trọng lớn, mang tính duy trì động lực tăng trưởng trong kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Nhất là khi nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì khai thác thị trường trong nước là không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh.
Đây cũng là một phần lý do khiến các chuyên gia của Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để phục hồi tăng trưởng, quan trọng nhất là phục hồi nhu cầu của dòng vốn đầu tư nước ngoài ngay, thông qua tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư ra - vào Việt Nam.
Tất nhiên, gói kích thích kinh tế cần tập trung vào phục hồi đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đầu tư tư nhân trong nước đang giảm mạnh, thể hiện rõ ở tốc độ suy giảm tăng trưởng tín dụng từ tháng 6/2021 trở lại đây. Đầu tư tư nhân cũng giảm 1,4% trong quý III/2021. Đầu tư nhà nước đáng ra phải đóng vai trò dẫn dắt, kích thích dòng vốn đầu tư khác, nhưng lại bị thu hẹp. Quý III/2021, vốn đầu tư từ ngân sách giảm 26,3%, vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ giảm tới 64,3%...
Trong khi đó, ngay sau khi Việt Nam thúc đẩy tốc độ tiêm chủng, mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, dòng vốn FDI trở lại ngay. Số liệu 11 tháng của năm 2021 đã ghi nhận mức tăng trở lại cả về vốn đầu tư đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án hiện hữu, với 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phong cho rằng, những chỉ dấu này cho thấy niềm tin của giới đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam đã được củng cố.
Kích cầu vào đâu?
Cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, song mục tiêu chính của Chương trình là đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trở lại bình thường được thống nhất. Vì vậy, các gói hỗ trợ đang được kỳ vọng sẽ tập trung hỗ trợ chi phí đảm bảo sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng an toàn. Tuy nhiên, đang có lo ngại, kích cầu tiêu dùng ở nền kinh tế mở như Việt Nam rất dễ bị chảy ra nước ngoài thông qua hàng nhập khẩu.
Về vấn đề này, các chuyên gia của Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, gói kích cầu từ ngân sách nên vào khoảng 3% GDP, tập trung vào hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, như giảm chi phí logistics, hỗ trợ chi phí phòng dịch cho doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động 100% công suất, tăng cường năng lực thông quan, xây dựng nhà ở công nhân…
Cùng với đó, các gói hỗ trợ cần khắc phục những yếu kém của nền kinh tế như gỡ đầu tư công, hỗ trợ năng lực cho doanh nghiệp tư nhân. Khoản hỗ trợ tiền mặt cho người dân trong nước nhân dịp Tết cũng là một động lực kích sản xuất nội địa, nhưng không sử dụng hàng nhập khẩu.
Về bản chất, những thay đổi này chính là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, điểm chốt trong thu hút dòng vốn FDI đang có những dịch chuyển trên toàn cầu.
Trong kế hoạch đưa TP.HCM trở lại đầu tàu tăng trưởng cũng đề ra 2 giai đoạn. Trong đó, khôi phục đứt gãy trong năm 2022, giải quyết điểm nghẽn và kích thích tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2025, cơ hội để kích hoạt mạnh dòng vốn FDI rất lớn. Đó là kế hoạch hình thành trung tâm tài chính, dịch vụ chất lượng cao, thu hút đầu tư khoa học - công nghệ…
Đặc biệt, ông Võ Văn Hoan cho biết, sẽ tái cấu trúc khu công nghiệp, khu chế xuất, khuyến khích doanh nghiệp triển khai áp dụng công nghệ mới, đẩy mạnh nhóm giải pháp liên quan tới khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn lực cho Thành phố…
Chia sẻ quan điểm trên, khi tư vấn cho Việt Nam về các chính sách phục hồi kinh tế, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Jacques Morisset cho rằng, đây là thời điểm để thay đổi các chính sách thu hút FDI của Việt Nam.
“Việt Nam không nên thu hút FDI bằng các mức thuế ưu đãi, mà cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp FDI tạo ra giá trị tại Việt Nam, như chuyển giao công nghệ, kết nối với khu vực tư nhân… Đó là điều mà nền kinh tế Việt Nam cần khi phục hồi”, ông Jacques Morisset đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.