Sản xuất tại Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). Ảnh: Đức Thanh
Giá như các tỉnh cùng chung tiếng nói
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group đã phải thốt lên một mong muốn đáng ra là tất yếu khi nói về phát triển kinh tế Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“Giá như lãnh đạo của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cùng chung tiếng nói về thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Lúc này phải nói về đầu tư vùng, chứ không thể nói về đầu tư tỉnh được”, ông Thắng nói.
Vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh, các nhà máy của Đồng Tâm cũng như 95% doanh nghiệp ở Long An đã trở lại sản xuất. Các doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược chủ động phòng, chống dịch theo sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Long An. Mặc dù số lượng F0 tăng, nhưng sự hoảng sợ, bối rối không còn như giai đoạn đầu.
Giải phóng về thể chế, quy trình, thủ tục là cơ sở để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ Dự án. Khi các Dự án được triển khai, nguồn lực sẽ được huy động. Quan trọng là, đây cũng là bước thử cho những đề xuất cải cách thể chế tiếp theo.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
Đặc biệt, các doanh nghiệp Long An đang rất hứng khởi với thông tin sẽ khởi công các đường 823D, 827E, đường Lương Hòa kết nối Long An với TP.HCM trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Ngoài ra, đang có đề xuất 6 dự án giao thông kết nối Long An với TP.HCM từ nay tới năm 2025...
“Chúng tôi rất vui khi nghe tin này, vì không có kết nối tốt, không nhà đầu tư nào đến Long An. Nhưng doanh nghiệp không chỉ cần kết nối từ Long An đến TP.HCM. Các nhà cung cấp của chúng tôi còn ở Bình Dương, Đồng Nai... Doanh nghiệp cần một hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ một ví dụ mới nhất là nhà máy ở Long An mở cửa, nhưng các nhà cung cấp ở địa phương khác chưa mở, nên chúng tôi buộc phải hoạt động cầm chừng với số nguyên liệu dự trữ. Nghĩa là, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hay thu hút đầu tư không thể chỉ nhìn vào một địa bàn, trông vào một vài chính quyền địa phương”, ông Thắng nói.
Thực trạng trên không mới, nhưng đang nổi lên là nút thắt lớn sau những ứng xử thiếu thống nhất, thiếu kết nối giữa các địa phương trong thực thi các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngay cả lúc này, khi chiến lược ứng phó linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết 128/2021/NQ-CP đang đi vào cuộc sống, thì không phải mọi nơi đều đồng thuận.
Trong báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất được đặt lên hàng ưu tiên vẫn là “sự hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục”, kể cả trong các trường hợp có F1, FO. Nhưng để làm được điều này, Trưởng ban IV Trương Gia Bình vẫn tiếp tục đề nghị ban hành các hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và chính quyền thực hiện thống nhất.
Chính những ví dụ thực tiễn này đang khiến các doanh nghiệp lo ngại không nhỏ khi nhắc đến các phương án phục hồi, phát triển.
Theo ông Thắng, chính trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ chuyển đổi số, để giảm số lao động sử dụng, thay đổi cách thức vận hành sản xuất, sản lượng tăng 30-50%. Chi phí chuyển đổi số khá lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực, nhưng đang phải làm vì khả năng thiếu hụt lao động lớn. Ông cũng đang phối hợp với một số đối tác xây dựng phương án giảm chi phí logistics.
Có thể có một chương trình cắt giảm thủ tục trên diện rộng?
Doanh nghiệp cần hỗ trợ tiền, nhưng cần hơn hết là hỗ trợ bằng chính sách. Quan điểm này dù được nhắc lại nhiều lần, nhưng ông Võ Quốc Thắng vẫn muốn nhấn mạnh khi chia sẻ quan điểm về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế mà Chính phủ, Quốc hội đang bàn thảo.
“Chính sách chỉ cần chậm một bước là doanh nghiệp có thể bị thiệt hại rất lớn, chưa kể chính sách chồng chéo, thay đổi không lường hết được. Bản thân tôi nhiều khi cũng nản khi nhiều văn bản gửi đi hỏi, thì văn bản trả lời chung chung. Lúc này, ngân sách đang khó khăn, nên có thể không hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp được nhiều, nhưng doanh nghiệp thực sự cần tháo ách tắc, giảm chi phí cho doanh nghiệp’, ông Thắng đề xuất.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ quan điểm này khi nói về nội dung đang thảo luận của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Cũng cần phải nói rõ, cải cách thể chế là một trong 5 nhóm giải pháp của Chương trình này.
“Quan điểm của tôi là gói hỗ trợ mạnh nhất chính là cải cách thể chế. Lý do là, với cách tiếp cận thận trọng, dựa trên nguồn lực của ngân sách, khả năng hấp thụ của nền kinh tế và áp lực lạm phát, nợ công, thì quy mô của gói hỗ trợ có thể không quá lớn để đảm bảo ưu tiên cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Lộc chia sẻ.
Cụ thể hơn, ông Lộc đã đưa ra phương án Quốc hội ban hành nghị quyết tương tự như Nghị quyết 30/2021/QH15, trao quyền giao Chính phủ triển khai những biện pháp chưa từng có tiền lệ, có thể đụng chạm đến quy định của pháp luật để cắt giảm quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư, gồm cả đầu tư công và đầu tư của khu vực tư nhân; cắt giảm điều kiện kinh doanh...
Với đề xuất trên, thị trường bất động sản có thể sẽ trở lại bình thường, khi nguồn cung được bổ sung sau khi các vướng mắc về thủ tục được thông suốt. Tương tự, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở các công trình giao thông có ý nghĩa kết nối cũng được thúc đấy... Khi đó, dòng lưu chuyển hàng hóa, tiền tệ sẽ được kích hoạt dần trở lại.
Nhưng để làm được việc này, các bộ, ngành và địa phương phải cùng làm việc với doanh nghiệp để thực sự tháo đúng chỗ mắc.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) lo ngại, việc ứng phó với dịch bệnh có thể làm chậm các kế hoạch cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục.
Nhưng dù dịch bệnh thì thế giới đang phục hồi rõ nét, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các xu hướng đầu tư vào chuyển đổi số, đầu tư xanh, kinh tế tuần hoàn... không chậm lại.
“Doanh nghiệp đã rất chủ động, đã thay đổi tư duy để tìm cách đi mới. Đây chính là tiếng nói mạnh nhất, đòi hỏi quan trọng nhất với Chính phủ trong thực hiện cam kết, định hướng cải cách thể chế đã được nhắc đến rất nhiều”, ông Dương thẳng thắn.