Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế: Câu hỏi về dư địa thời gian

0:00 / 0:00
0:00
Tiếp sau những ý kiến thảo luận về quy mô bao nhiêu là phù hợp của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế đang được Chính phủ hoàn thiện, là câu hỏi về dư địa thời gian.
Doanh nghiệp mong muốn các chính sách hỗ trợ được thực thi nhanh để phát huy tác dụng. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp mong muốn các chính sách hỗ trợ được thực thi nhanh để phát huy tác dụng. Ảnh: Đức Thanh

Chuyên gia kinh tế sốt ruột

TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã kết thúc bài phân tích về tác động, chính sách ứng phó của các nền kinh tế châu Á và hàm ý chính sách với Việt Nam bằng một câu hỏi chứa nhiều hàm ý.

“Cho dù có thể có dư địa tài khóa, nhưng liệu Việt Nam còn dư địa thời gian và năng lực để thực hiện các biện pháp ngắn hạn không là dấu hỏi đặt ra”, ông Cường nêu trong Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” của Báo Đầu tư tổ chức đầu tuần này.

Vấn đề là đang có những thay đổi lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và châu Á trong năm tới. Điểm tích cực là dòng vốn đầu tư nước ngoài đến châu Á được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn vào năm 2022, sau khi giảm trong năm 2020, nhích nhẹ trở lại trong năm 2021. Các hoạt động thương mại đang sôi động, nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển khi tăng trưởng xuất khẩu đã đạt 10% so với trước dịch, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, điện máy, ô tô…

Cũng phải nhấn mạnh, trong suốt 2 năm qua, phần lớn các nền kinh tế châu Á đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, duy trì chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong đó, các khoản chi dành cho lĩnh vực y tế, sức khỏe và hỗ trợ thu nhập chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của gói kích thích tài khóa. Vì mấu chốt trong kịch bản phục hồi của các nền kinh tế đều phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vắc-xin, được dự báo sẽ ổn định vào giữa năm 2022.

Nhưng chính vì điều này, theo ông Cường, các biện pháp đều chứa đựng tính rủi ro, bất định cao, nhất là khi biến chủng mới Omicron vừa xuất hiện. Bởi vậy, cho dù vẫn còn tranh luận về tính tạm thời hay dài hạn của tốc độ tăng lạm phát trên toàn cầu, thì nhiều nền kinh tế cũng đang tính tới phương án siết dần gói tài khóa và nâng lãi suất.

Trong khi đó, các giải pháp của Việt Nam trong 2 năm qua vẫn chủ yếu dựa vào hỗ trợ gián tiếp từ chính sách tiền tệ, với sự thận trọng lớn. Đặc biệt, TS. Nguyễn Minh Cường nhìn vào những khó khăn hiện hữu của cả doanh nghiệp và người lao động đang vô cùng nặng nề.

“Chúng ta có đi theo hay đi ngược xu hướng siết tài khóa và tiền tệ?”, ông Cường đặt tiếp câu hỏi.

Bài học kinh nghiệm

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhắc lại bài học mà ông gọi là xương máu khi nói về gói hỗ trợ lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.

Tháng 7/2021, Nghị quyết 68/2021/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, đưa ra một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc hoặc trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động khi có đủ các điều kiện. Để triển khai, Ngân hàng Nhà nước đã cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng.

Nhưng phải mất 3 tháng sau, vào tháng 10/2021, sau khi có Nghị quyết 126/NQ-CP, gói vay trả lương cho người lao động mới được gỡ vướng. Vì các điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận quá khó khăn trong bối cảnh Covid-19 phức tạp…

“Nếu ngay thời điểm đó, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để trả lương cho người lao động, có thể nhiều người lao động không phải tìm mọi cách về quê như vừa qua. Một chính sách dù kịp thời, mà không thực thi được, hoặc không thực thi tốt, cũng không thể có tác động tích cực”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.

Song, nếu chính sách đưa ra chậm thời điểm, tác động không mong muốn, khó kiểm soát có thể nhiều hơn.

Trở lại câu hỏi có nên đi theo xu hướng siết lại đang được nhiều nền kinh tế đặt ra hay không, quan điểm của TS. Nguyễn Minh Cường khá rõ khi nhắc đến dư địa tài khóa của Việt Nam cùng đề xuất nên để chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn trong các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, cùng với sự phối hợp với chính sách tiền tệ.

“Tôi quan tâm đến chính sách ngắn hạn, trong giai đoạn từ nay đến tháng 6/2022, vì các doanh nghiệp, người lao động đang chịu tác động lớn, cần hỗ trợ gấp, nếu không sẽ không đủ sức đợi, nhưng nguồn lực hỗ trợ chưa rõ. Giai đoạn trung và dài hạn có thể nhìn thấy nguồn từ kế hoạch đầu tư trung hạn…”, ông Cường nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng có sự sốt ruột tương tự khi nói đến thời gian của các chương trình phục hồi kinh tế không còn nhiều.

Mặc dù cầu thị trường thế giới vẫn đang phục hồi mạnh mẽ, cộng với các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực, nên xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng, sẽ cải thiện hơn trong năm 2022, nhưng ông Cung đã nhắc đến lo ngại từ lạm phát chi phí đẩy từ hàng nhập khẩu và giảm dần nới lỏng tài khóa và tiền tệ ở các nước đối tác, cho rằng đây là yếu tố cần xem xét, lưu ý trong quản lý, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô.

“Trong khi cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm, nếu không có gói tài khóa đủ lớn, đủ nhanh và hiệu quả để phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, một lần nữa tốc độ phục hồi của nền kinh tế sẽ đi lệch nhịp với xu hướng phục hồi chung”, ông Cung nói.

Đặc biệt, trong các đề xuất giải pháp cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, ông Cung đặt ưu tiên hàng đầu là bổ sung vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế, mua vắc-xin, thuốc điều trị, tăng lương cho đội ngũ y tế tuyến đầu…

Đây chính là cơ sở quan trọng cho các chính sách mở cửa an toàn, thích ứng và bền vững nền kinh tế, chấm dứt tình trạng phong tỏa trên diện rộng, không còn lo ngại đứt gãy lớn về chuỗi cung ứng, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khởi động các kế hoạch. Khi đó, gói an sinh xã hội để phục hồi sức dân và các giải pháp hỗ trợ phục hồi lại sức lực và tăng thêm năng lượng mới cho khu vực doanh nghiệp tư nhân mới phát huy tác động cộng hưởng.

“Các gói chính sách an sinh xã hội này cần thực hiện theo hướng góp phần tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế, chứ không phải chỉ là cứu trợ xã hội như hiện tại, từ đó kích thích phục hồi bên cung, là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đầu tư công cũng phải được đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn”, ông Cung đề xuất.

“Nhưng tốc độ đang là điều mà tôi chờ đợi”, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Trong các đề xuất giải pháp cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, nên ưu tiên hàng đầu là bổ sung vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế, mua vắc-xin, thuốc điều trị, tăng lương cho đội ngũ y tế tuyến đầu. Đây chính là cơ sở quan trọng cho các chính sách mở cửa an toàn, thích ứng và bền vững nền kinh tế.

Tin bài liên quan